Gặp lại chị ve chai sau gần 2 năm sở hữu số tiền 5 triệu yên Nhật: Bà chủ vựa cưu mang 20 "đồng nghiệp" nghèo
Từ một người phụ nữ nhặt ve chai kiếm sống, giờ đây chị Hồng đã trở thành bà chủ vựa ve chai cưu mang 20 "đồng nghiệp" nghèo khó. Và từ một người không biết chữ, chị đã biết đọc, viết và tính nhẩm thành thạo, đồng thời sử dụng mạng Zalo, Facebook để "trao đổi" chuyện kinh doanh.
- 07-03-2017Nhìn cách Vinamilk ứng xử với chuyện cậu bé lượm ve chai xếp giày, ngẫm về thời của Marketing tử tế!
- 06-03-2017Cậu bé lượm ve chai xếp giày cho bạn đi dã ngoại được nhận học miễn phí
- 06-03-2017Gặp mẹ con cậu bé lượm ve chai trong bức ảnh xếp dép: "Tôi không có tiền cho thằng bé đi học, nó cứ khóc"
Clip: Chị Hồng chia sẻ về cuộc sống hiện tại sau khi nhận được 5 triệu yên. Thực hiện: Tứ Quý
Hạnh phúc khi nhớ lại ngày trở thành "tỉ phú"
Mới đây, chúng tôi có dịp trở lại ngôi nhà của chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (quê Quảng Ngãi, tạm trú quận Tân Bình, TP. HCM) và khá bất ngờ khi cuộc sống của chị đã thay đổi nhanh chóng đến khó tin.
Kể từ ngày chính thức nhận được 5 triệu yên Nhật, chị Hồng đã nỗ lực để thay đổi cuộc sống của mình và gia đình, cũng như những "đồng nghiệp" của mình.
Giờ đây chị Hồng đã trở thành bà chủ vựa ve chai và cưu mang thêm 20 chị em nghèo khó làm nghề mua ve chai trước đây với chị.
Gặp chúng tôi, với vẻ mặt vui vẻ và thân thiện như ngày nào, chị Hồng vẫn không quên chia sẻ lại phút giây nhận được số tiền 5 triệu yên Nhật (tương đương gần 1 tỉ đồng thời điểm đổi ngoại tệ): "Tôi vẫn còn nhớ như in 2 ngày nhận được số tiền 5 triệu yên. Tôi rất vui và hạnh phúc. Đặc biệt có một số tiền rách tôi nghĩ là đổi không được nhưng may mắn khi được ngân hàng đổi cho mình".
Thời điểm đầu năm 2014, khi tháo loa thùng cũ mua được để lấy sắt, chị Hồng phát hiện 5 triệu yên bên trong nên mang đi giao nộp cho công an quận Tân Bình. Sau đó 1 năm do không có chủ nhân hợp pháp nào đến nhận nên chị Hồng được sở hữu số tiền đó theo quy định của pháp luật.
Chị Hồng thu mua ve chai do những người mua ve chai nhỏ lẻ mang đến. Mặc dù đã là chủ vựa nhưng chị vẫn thỉnh thoảng tự đi thu mua ve chai của mối quen.
Số tiền 5 triệu yên Nhật chị Hồng nhặt được gồm hơn 500 tờ yên Nhật, mỗi tờ mệnh giá 10.000 yên, nhưng 124 tờ vì quá mục nát nên không đổi được. Số tiền còn lại đổi ra tiền Việt được 691 triệu đồng. Khoảng hơn 4 tháng sau đó thì chị Hồng nhận được tin vui khi ngân hàng chấp nhận đổi cho chị số tiền rách (hơn 200 triệu đồng).
Tôi vẫn còn nhớ như in ngày chị Hồng chính thức nhận được số tiền nhặt được, cả xóm ve chai rộn rã tiếng cười đến chúc mừng chị và gia đình. Niềm vui xen lẫn giọt nước mắt xúc động trên gương mặt những người phụ nữ khắc khổ khiến ai chứng kiến cũng nở nụ cười hạnh phúc, mừng cho xóm ve chai nghèo.
Giờ đây mọi việc cân đo, rồi ghi chép khi mua bán của "tỉ phú ve chai" không biết chữ đã trở nên dễ dàng hơn.
Chị Hồng cho biết, sau khi nhận được tiền, chị dành một ít gửi về quê xây nhà cho cha mẹ, trích một khoản làm từ thiện và cho các chị em "đồng nghiệp", số còn lại chị gửi tiết kiệm và để chi tiêu cho cuộc sống. Mặc dù nhận được số tiền mà theo chị là "trời cho" nhưng chị Hồng vẫn tiếp tục gắn bó với công việc nhặt thu mua ve chai như trước đó.
Bà chủ vựa ve chai mua bán bằng Zalo, Facebook
Thu mua ve chai dạo được khoảng 1 năm, bất ngờ chị và các chị em trong nghề rơi vào cảnh điêu đứng khi chủ vựa ve chai thường bán không nhận mua ve chai nữa. Chứng kiến cảnh các chị em sẽ không có nhà cửa để ở, không có nơi để bán nên "tỉ phú ve chai" quyết "liều" một phen khi đứng ra làm chủ vựa ve chai, thu mua ve chai của các chị em thân thiết.
Chị đã rút một khoản tiền tiết kiệm để đầu tư cho công việc kinh doanh và thuê lại căn nhà trước đó cho các chị em sinh sống. "Tôi thuê căn nhà mới này với giá 9 triệu/tháng cho gia đình và 2 đứa cháu cùng ở và cũng là vựa thu mua ve chai. Còn nhà kia tôi cũng thuê lại với giá 5 triệu/tháng dành cho các chị em trong nghề ở. Nếu tính hết chi phí, một tháng tôi chi ra cũng khoảng 30 triệu để vận hành việc thu mua ve chai", chị Hồng nói.
Theo chị Hồng, để đi đến quyết định làm chủ vựa ve chai là một điều không hề dễ dàng gì đối với chị và gia đình. Bởi lẽ, vợ chồng chị Hồng đều không biết chữ, con gái lớn cũng đã nghỉ học sau khi hết lớp 9, còn cậu con trai út mới học lớp 3 nên chị rất lo lắng.
Tuy nhiên, là một người bản lĩnh, chấp nhận khó khăn và thử thách trước bao nhiêu năm sóng gió của cuộc đời, cộng với việc quá quen với nghề ve chai nên chị chấp nhận lao vào thương trường. Chị Hồng bắt đầu học lại con chữ cho trôi chảy và rành mạch, tập đọc tập viết, tính toán để phục vụ việc thu mua ve chai. Ban ngày thu mua, ban đêm chị học tập dưới sự hướng dẫn của con gái lớn.
"Từ khi làm vựa ve chai, tối đến tôi tập viết chữ và tập tính mỗi ngày một chút. Đêm nào tôi cũng bảo con lấy sổ ra cho mẹ ghi hàng, tính tiền thử để tập cho thành thạo hơn. Lúc con bận thì tôi ghi rồi dần dần cũng quen với những con số, cái chữ. Hơn nữa trước đây tôi cũng thấy ông chủ vựa ghi như thế nào rồi nên tôi cũng bắt chước ghi như thế. Nhưng ông chủ ghi sao thì ghi, còn mình thì tính nhẩm trong đầu trước", chị Hồng tâm sự.
Chị Hồng còn vui vẻ khoe, nhiều khi chị còn tính tiền, trao đổi hóa đơn mua bán hàng qua mạng xã hội Zalo hoặc Facebook. Điều này giúp cho việc kinh doanh của chị nhanh chóng và thuận lợi hơn rất nhiều. Được biết, kinh doanh thông qua mạng xã hội đều do chị học được từ thói quen chơi Zalo và Facebook của con gái mình.
Hiện, "tỉ phú ve chai" chỉ mong công việc được thuận lợi để nuôi con cái ăn học, giúp đỡ các chị em trong nghề đang gặp khó khăn.
Trí thức trẻ