MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gặp người đầu tiên đưa cầu truyền hình Olympia về Sơn La: Nhà cách trường 30km, ôm ước mơ "leo núi" 11 năm và cái kết tuyệt vời

05-07-2022 - 14:59 PM | Sống

Đằng sau chiến thắng 'để đời' của Bùi Anh Đức là cả một hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ.

Đường Lên Đỉnh Olympia là một cuộc thi danh giá và là niềm mơ ước của rất nhiều các bạn học sinh ưu tú trên khắp cả nước. Để chạm đến ngôi vị cao quý này, các "nhà leo núi" phải nỗ lực không ngừng nghỉ để trau dồi và cải thiện vốn tri thức của bản thân được trải dài ở rất nhiều lĩnh vực, phạm vi khác nhau. Khó khăn là thế, vậy nên chủ nhân của mỗi chiếc vòng nguyệt quế, đặc biệt là ở các cuộc thi mang tính chất quan trọng như thi Quý hay Chung kết năm đều sẽ trở thành tâm điểm chú ý.

Những ngày gần đây, sự chú ý ấy được dành cho Bùi Anh Đức (học sinh lớp 11 Anh, trường THPT Chuyên Sơn La). Lý do là bởi nam sinh chính là người xuất sắc về Nhất tại cuộc thi Quý III của Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 22.

Sau những phần thi nghẹt thở với sự rượt đuổi sát sao của các "nhà leo núi" cũng câu hỏi phụ "căng não" đòi hỏi các thí sinh phải tập trung toàn tâm, toàn lực, Anh Đức đã giành được chiếc vòng nguyệt quế. Với chiến thắng này, Anh Đức cũng trở thành người đầu tiên đưa cầu truyền hình chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia về cho tỉnh Sơn La sau 21 năm chờ đợi.

Gặp người đầu tiên đưa cầu truyền hình Olympia về Sơn La: Nhà cách trường 30km, ôm ước mơ leo núi 11 năm và cái kết tuyệt vời - Ảnh 1.

Bùi Anh Đức dẫn đầu "đoàn leo núi" với số điểm 185

Gặp người đầu tiên đưa cầu truyền hình Olympia về Sơn La: Nhà cách trường 30km, ôm ước mơ leo núi 11 năm và cái kết tuyệt vời - Ảnh 2.

Hình ảnh Anh Đức cùng thầy trò trường THPT Chuyên Sơn La sau vòng thi Quý III diễn ra

Khát khao trở thành "nhà leo núi" từ nhỏ và hành trình mang vinh quang về cho tỉnh nhà

Ít ai biết rằng ngay từ khi còn là cậu học sinh lớp 1, Anh Đức đã mong muốn được một lần được mặc lên mình chiếc áo đồng phục và đứng trên sân khấu của Đường Lên Đỉnh Olympia. 11 năm nuôi khát khao với đỉnh vinh quanh Olympia, sau bao nỗ lực để trau dồi bản thân, cuối cùng ước mơ đó đã trở thành hiện thực với cậu bạn sinh năm 2005 này.

"Mình dường như chưa bỏ sót bất kỳ một tập nào của Đường Lên Đỉnh Olympia kể từ khi mình biết đến nó. Tập nào mình đều cố gắng trả lời tất cả các câu hỏi, câu nào khó mình thường ghi chú lại. Đó vừa là cách nâng cao kiến thức cho bản thân, vừa là cách để thỏa mãn đam mê của chính mình. Lâu dần, mình bắt đầu trả lời được nhiều câu hỏi hơn và tình yêu với chương trình này cũng mãnh liệt hơn rất nhiều", Anh Đức nói.

Khi có thông báo "chiêu mộ" những thí sinh tài năng đại diện trường THPT Chuyên Sơn La đi tham gia "đấu trường tri thức" này, Đức đã ngay lập tức chớp thời cơ đăng ký ứng tuyển. Theo quy định, mỗi trường THPT chỉ được giới thiệu một thí sinh tham dự duy nhất, nhưng lúc đó có tới 10 người đăng ký. Điều này khiến cậu bạn không khỏi lo lắng.

"Mình phải làm một bài trắc nhiệm 40 câu cùng với 10 ứng cử viên 'nặng ký' khác. Mỗi người một màu sắc, một tài năng khác nhau nhưng họ có chung một niềm đam mê với chương trình này. Vì thế lúc đầu, mình nghĩ bản thân không được chọn", cậu bạn nhớ lại.

Tuy nhiên, mọi sự nỗ lực đều sẽ được đền đáp. Anh Đức đã vượt qua được tất cả những "chiến binh nghìn máu" khác để đại diện THPT Chuyên Sơn La đi "chinh chiến" tại chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia.

Gặp người đầu tiên đưa cầu truyền hình Olympia về Sơn La: Nhà cách trường 30km, ôm ước mơ leo núi 11 năm và cái kết tuyệt vời - Ảnh 3.

Đức Anh đã ôm tình yêu với chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia từ cấp 1

Khi nhận được giấy mời tham dự chương trình, cậu bạn không hề nôn nóng mà luôn giữ cho mình một thâm thế thoải mái. Anh Đức tập trung ôn tập lại tất cả những kiến thức mà bản thân chưa nắm vững, đặc biệt là các môn Khoa học Tự nhiên.

Nhờ có một lộ trình tự học, tự ôn luyện hiệu quả và tâm lý thoải mái, Anh Đức đã có một kết quả ngoài sức mong đợi. Cậu bạn liên tiếp giành chiến thắng tại cuộc thi và cuối cùng mang vinh quang về cho quê hương mình. Có thể nói, đó chính là những điều chưa từng có trong tiền lệ trước đây, đặc biệt đối với một tỉnh vùng núi như Sơn La. Không ai nghĩ được rằng, sau những rặng núi đá cheo leo của đỉnh cao Tây Bắc, lại có những con người vươn lên trước sự khô cằn của núi đá.

"Sau khi trận thi quý được phát sóng, mình cảm thấy vô cùng vui sướng và hãnh diện vì đã lần đầu tiên mang cầu truyền hình về cho tỉnh Sơn La. Nó thực sự rất khó tả bằng lời", Anh Đức bồi hồi nhớ lại.

Gặp người đầu tiên đưa cầu truyền hình Olympia về Sơn La: Nhà cách trường 30km, ôm ước mơ leo núi 11 năm và cái kết tuyệt vời - Ảnh 4.

Chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình Olympia, Đức kể lại khoảnh khắc Ban tổ chức phải sử dụng đến câu hỏi phụ để định danh được người giành vòng nguyệt quế tại vòng thi Quý III. Sau màn đối đầu căng thẳng, "thế trận" một lần nữa được lập lại cân bằng giữa Anh Đức và Nguyên Khôi. Có thể nói, cơ hội lúc đó mong manh vô kể, chỉ cần "sa cơ" là hoàn toàn có thể "lỡ vận". Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả khi nhận được câu hỏi về Lịch sử, Anh Đức đã băng băng về đích với tổng điểm là 185 và là người chiến thắng chung cuộc.

Gặp người đầu tiên đưa cầu truyền hình Olympia về Sơn La: Nhà cách trường 30km, ôm ước mơ leo núi 11 năm và cái kết tuyệt vời - Ảnh 5.

Hình ảnh Minh Đức an ủi Nguyên Khôi sau khi để thua ở câu hỏi phụ

Và những câu chuyện chưa kể...

Hiện tại, Anh Đức đang là học sinh lớp 11 Anh của trường THPT chuyên Sơn La. Hằng ngày, do nhà cách trường lên đến gần 30km nên "đều như tăm tắp" Anh Đức phải thức dậy từ lúc 5h sáng để chuẩn bị mọi thứ, bắt xe bus đi học.

"Đôi lúc mình cảm thấy khá mệt mỏi, đặc biệt là vào những ngày mưa hoặc ngày mùa đông lạnh, nhiệt độ xuống thấp. Vì lượng xe bus không thể đáp ứng đủ nhu cầu lên học tập tại trường chuyên của các bạn học sinh huyện, nên một chuyến xe thường khá đông, có khi không có chỗ để đứng. Vì thế, nhiều lúc sẽ không tránh khỏi việc bị bỏ lại do trên xe đã quá đông", Anh Đức kể lại.

Song không ngại khó, ngại khổ cậu bạn luôn đi học một cách đầy đủ và là học sinh ưu tú của trường, của lớp. Đức từng chia sẻ, hoàn cảnh gia đình của cậu bạn không mấy khá giả nên ngay từ nhỏ cậu bạn đã ý thức rất rõ về việc học tập của bản thân. Đức quan niệm: "Chỉ có học tập mới giúp mình vượt lên trên mọi nghịch cảnh".

Từ những động lực như vậy nên cho đến thời điểm hiện tại cậu bạn đã sở hữu cho mình bảng thành tích học tập đầy ấn tượng như: giải Nhì tiếng Anh cấp tỉnh năm lớp 10, giải Nhất cấp tỉnh và giải Ba học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp Quốc gia năm lớp 11, Huy chương Vàng Olympic tiếng Anh cấp Quốc gia...

Gặp người đầu tiên đưa cầu truyền hình Olympia về Sơn La: Nhà cách trường 30km, ôm ước mơ leo núi 11 năm và cái kết tuyệt vời - Ảnh 6.

Hình ảnh Anh Đức (bên phải) cùng cô giáo chủ nhiệm của mình

Chia sẻ về bí quyết học tập, Anh Đức nhấn mạnh tự học chính là chìa khóa để dẫn đến thành công. Dù đi học thêm rất ít, nhưng với tinh thần tự học rất cao của mình cùng với đó là khả năng phân bổ thời gian hợp lý, Anh Đức vẫn tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả.

"Mình thường tận dụng mọi khoảng thời gian để học tập mọi lúc mọi nơi. Không giống như mọi người, mình không đi học thêm nhiều và cũng không có quá nhiều khả năng để chi trả cho những cuốn sách tham khảo, sách nâng cao. Thế nên, mình chủ yếu tiếp thu kiến thức từ việc nghe giảng ở trên lớp và về nhà mở YouTube lên để cũng cố kiến thức", cậu bạn chia sẻ.

Không những thế, mặc dù vào Đội tuyển Quốc gia môn tiếng Anh nhưng cậu bạn không hề có tư duy "học lệch, học tủ" mà vẫn phân bổ thời gian cho các môn học khác. Ngoài môn tiếng Anh, Đức còn có một tình yêu được biệt dành cho môn Lịch sử. Theo Anh Đức, "lịch sử chính là người thầy của tương lai", việc học tốt môn học này giúp cậu bạn thấu hiểu được về đất nước, con người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Cũng chính vì điều đó, câu hỏi lịch sử quyết định cuối cùng tại vòng thi quý Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia đã được câu bạn trả lời một cách dõng dạc, thế nên chiến thắng của Anh Đức khiến mọi người phải "tâm phục, khẩu phục".

Gặp người đầu tiên đưa cầu truyền hình Olympia về Sơn La: Nhà cách trường 30km, ôm ước mơ leo núi 11 năm và cái kết tuyệt vời - Ảnh 7.

Mục tiêu lớn nhất ở thời điểm hiện tại của Anh Đức chính là việc trở thành quán quân Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 22. Cậu bạn đang vô cùng gấp rút ôn luyện cho vòng thi đầy gay cấn sắp tới. Có thể nói, đây không phải niềm tự hào của riêng Anh Đức mà là niềm tự hào của người dân Sơn La nói chung và cô trò trường THPT Chuyên Sơn La nói riêng.

Ảnh: NVCC, Chụp màn hình

Theo Huỳnh Đức -Hoàng Sơn

Trí thức trẻ

Trở lên trên