MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gặp nữ giám đốc sở từ nhiệm, tố sai phạm

21-06-2016 - 15:22 PM | Xã hội

Bà Lê Thị Công, nguyên giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tuyên bố “nghỉ việc luôn”, nhưng đề nghị thanh tra bốn dự án lớn ở tỉnh này.

Bà Lê Thị Công, nguyên giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khẳng định dứt khoát nghỉ việc dù đã nhận được giấy mời đến nhận quyết định chuyển công tác về Tỉnh ủy vào sáng 21-6.

Trước đó, sau khi nhận quyết định điều động của chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sang Ban tổ chức Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu nhận nhiệm vụ mới kể từ ngày 1-6, bà Công có đơn xin nghỉ việc và kiến nghị thanh tra làm rõ bốn dự án.

Chiều qua, bà Công được Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu mời đến nhận quyết định bổ nhiệm phó ban vào sáng 
21-6. Tuy nhiên, bà Công cho hay: “Sẽ xin tổ chức không phân công nhiệm vụ và nghỉ việc luôn” như đơn nộp trước đây.

Tách thửa 
cho dự án Hồ Tràm

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, bốn dự án mà bà Công đề nghị thanh tra gồm: tách thửa cho dự án khu du lịch phức hợp Hồ Tràm (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc), tính thuê đất cho dự án trung tâm thương mại Thái Dương và siêu thị Lotte (Vũng Tàu), nguồn gốc đất của Hợp tác xã (HTX) Quyết Thắng (huyện Tân Thành).

Đáng chú ý nhất là việc tách thửa cho dự án Hồ Tràm Strip.

Theo tài liệu, ngày 20-5, ông Nguyễn Văn Trình, chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ký quyết định ủy quyền cho ông Nguyễn Hữu Lợi - phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh - cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền tại dự án khu du lịch phức hợp Hồ Tràm.

Thời hạn ủy quyền từ ngày 20-5 đến 3-6 (thời gian này bà Lê Thị Công nghỉ phép). Cùng ngày, ông Nguyễn Hữu Lợi ký sáu “sổ đỏ” tách thửa cho dự án.

Bà Lê Thị Công cho biết việc tách thửa cho dự án Hồ Tràm là không được vì luật không quy định. Hồ Tràm Strip là dự án kinh doanh du lịch, toàn bộ dự án có chung một “sổ đỏ”, được quy hoạch rồi, phê duyệt rồi và nhà đầu tư phải đầu tư theo quy hoạch.

Theo bà Công, nếu tách thửa cho dự án sẽ có nguy cơ quy hoạch bị phá vỡ.

Đất nhà nước 
nhưng ghi “khai hoang, chuyển nhượng”

Với khu đất rộng gần 800.000m2 tại huyện Tân Thành của HTX Quyết Thắng, có nguồn gốc đất do UBND huyện Châu Thành (cũ) giao vào năm 1991.

Thế nhưng không hiểu tại sao, khi trình cho UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp “sổ đỏ” cho HTX này vào năm 2008 và 2009, Sở TN&MT lại ghi nguồn gốc đất “nhận chuyển nhượng” và “khai hoang”.

Từ đó, HTX được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Sở TN&MT (thừa ủy quyền của UBND tỉnh) cấp nhiều “sổ đỏ”. Bằng những “sổ đỏ” này, HTX Quyết Thắng đã đem thế chấp ngân hàng hoặc chuyển nhượng.

Mới đây, HTX Quyết Thắng còn có văn bản đề nghị Sở TN&MT xác nhận lại nguồn gốc đất được cấp “sổ đỏ” để chuyển nhượng đất nhưng khi phát hiện những lỗi trên, bà Công có văn bản trả lời “không được mua bán, chuyển nhượng”.

Bà Công khẳng định: “Đất nhà nước giao cho HTX nếu không làm, hoặc HTX giải thể thì phải trả lại cho Nhà nước”.

UBND tỉnh không chấp nhận ý kiến tham mưu

Đối với dự án siêu thị Lotte Vũng Tàu, theo bà Công, nguyên nhân chậm là do nhà đầu tư chưa đồng ý số tiền nộp thuê đất 194 tỉ đồng (khảo sát giá đất năm 2016) mà đề nghị được nộp tiền theo giá đất năm 2014 là 174 tỉ đồng.

Còn dự án trung tâm thương mại Thái Dương (chủ đầu tư nước ngoài) được UBND tỉnh giao đất từ năm 2009.

Bà Công cho biết theo thông báo của Cục Thuế, nhà đầu tư phải nộp 314 tỉ tiền thuê đất, nhưng nhà đầu tư cho rằng nguyên nhân chậm trễ là do cơ quan nhà nước nên chỉ đề nghị nộp 62 tỉ đồng.

Để giải quyết vướng mắc việc này, Sở TN&MT có văn bản tham mưu bằng hai phương án: hoặc là nhà đầu tư nộp 314 tỉ tiền thuê đất; hoặc Nhà nước thu hồi đất, trả lại tiền cho nhà đầu tư đã hỗ trợ di dời trước đây (có cộng với lãi suất ngân hàng) và hỗ trợ khác khoảng 2,5 tỉ đồng, sau đó tổ chức đấu giá khu đất này.

Tuy nhiên, nội dung tham mưu nêu trên không được UBND tỉnh chấp nhận, mọi việc vẫn còn tắc.

Theo ĐÔNG HÀ

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên