Gặp phải đồng nghiệp kém duyên: Đây là 6 điều bạn có thể làm!
Cuộc sống chốn công sở khó khi nào vẹn toàn bởi bạn không thể quyết định được ai sẽ là đồng nghiệp của mình. Đôi lúc, những đồng nghiệp vô duyên có thể làm khiến bạn áp lực hơn cả công việc. Nếu bạn đã chán với việc phải cười gượng và chịu đựng, dưới đây là 6 điều bạn nên làm để mang lại sự thanh bình cho cuộc sống chốn công sở!
- 29-01-2020Muốn làm nên nghiệp lớn, trước hết hãy biết tự bán cho mình 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày: Đầu tư cho bản thân chính là khoản đầu tư sinh lời lớn nhất!
- 23-12-2019Tiền bạc vốn nhạy cảm nhưng không ít dân công sở đã mạo phạm đồng nghiệp chỉ vì xem nhẹ 6 quy tắc này
- 22-12-2019Nên hay không khi thảo luận về LƯƠNG với đồng nghiệp: Tư vấn của chuyên gia về vấn đề nhạy cảm này sẽ khiến bạn bất ngờ
Mọi người thường nghĩ rằng chốn văn phòng là nơi hội tụ của những người có học thức, biết hành xử và thanh lịch. Thế nhưng, nếu bạn đã đi làm, chắc chắn bạn đã từng gặp phải những vị đồng nghiệp xấu tính khiến bạn không thể chịu đựng nổi. Đó có thể là một người thô lỗ ra mặt, cũng có thể là một người thích xỉa xói, hoặc những người thích bắt nạt “ma mới”. Họ có thể là bất cứ ai, từ lãnh đạo cho đến những người cùng cấp với bạn.
Dù số lượng những người như vậy không nhiều, nhưng tiếp xúc với họ cũng đủ để làm bạn kiệt quệ năng lượng. Theo Christine Porath, giáo sư kinh tế học tại Mỹ, “đồng nghiệp không tốt ảnh hưởng đến chúng ta cả về hiệu suất làm việc cũng như sức khỏe tâm lý và cuộc sống tinh thần của mỗi cá nhân”.
Trong một nghiên cứu của Porath trên gần 800 nhân viên công sở từ nhiều lĩnh vực khác nhau đã cho biết: 80% số người được hỏi phí phạm thời gian vì mải nghĩ đến những hành vi xúc phạm của đồng nghiệp, 63% muốn trốn tránh khi phải tiếp xúc với những đồng nghiệp kém thân thiện, 50% cắt giảm thời gian làm việc của mình, và 66% cho biết hiệu suất làm việc của họ suy giảm chỉ vì những lời nói, cử chỉ thô lỗ từ đồng nghiệp.
Nếu bạn đang phải đối mặt với một kẻ xấu tính như vậy ở chỗ làm thì sau đây là 6 tips hữu ích để bạn hóa giải những rắc rối chốn công sở.
1. Đừng đáp trả lại họ theo cách của họ
Kể cả với những người hiền lành nhất, phản ứng tự nhiên khi đối mặt với sự thô lỗ là đáp trả lại một cách cục cằn. Thế nhưng, cũng như dịch cúm, sự giận dữ rất dễ lây nhiễm. Bạn có thể có hàng vạn lời cay đắng để đáp trả lại những kẻ kém duyên, nhưng sự giận dữ của người bị bạn công kích lại sẽ đổ thêm dầu vào ngọn lửa căng thẳng trong môi trường văn phòng.
Bạn không giải quyết được vấn đề, bạn chỉ làm cho mọi chuyện tệ hơn mà thôi! Vì thế, hãy luôn giữ cho mình là người sáng suốt hơn, bình tĩnh hơn trong cuộc đối thoại. Phớt lờ những lời châm chọc của họ và giảm thiểu việc phải tiếp xúc không cần thiết với họ. Tuy nhiên, khi cần giao tiếp, hãy luôn tỏ ra ngắn gọn, quả quyết và lịch sự.
2. Dành thời gian kết nối với những đồng nghiệp bạn yêu mến
Ở đâu cũng có người tốt và người xấu. Nếu bạn cảm thấy ngột ngạt khi đến chỗ làm chỉ vì nghĩ tới những người bạn không ưa, hãy thử dành nhiều thời gian hơn để kết nối với những đồng nghiệp khiến bạn cảm thấy thoải mái. Tìm kiếm sự hòa nhập và cảm xúc tích cực, vui vẻ từ những người bạn ở văn phòng giúp bạn phục hồi lại năng lượng. Cũng đừng mang sự bực dọc ở chỗ làm về nhà, thay vào đó, tìm kiếm niềm vui khi dành thời gian cho gia đình và bạn bè để quên đi những phiền muộn chốn công sở.
3. Tập trung vào bản thân bạn
Một cách rất tốt để chống lại năng lượng tiêu cực từ những đồng nghiệp xấu là dành tâm trí cho việc phát triển bản thân. Khi bạn đối mặt với sự chỉ trích, nhiếc móc hoặc công kích từ những kẻ xấu tính, tâm trí của bạn dễ bị cuốn lấy theo những ý kiến đó. Bạn không còn tập trung vào công việc cũng như không còn tin vào giá trị của bản thân.
Chính những lúc như vậy, bạn cần kiếm soát suy nghĩ của mình. Thay vì nghĩ về những lời công kích bạn nghe được, hãy nghĩ về cách để bản thân trở nên tốt hơn. Thay vì lo lắng về việc người khác nghĩ sao về mình, hãy tìm kiếm các mục tiêu sự nghiệp bạn có thể làm để thăng tiến hơn nữa. Ngoài thời gian làm việc, hướng sự chú ý của bạn đến những hoạt động có ích, như chăm sóc sức khỏe bản thân hay thực hiện sở thích của mình, là những cách giúp bạn quên đi những điều không vui ở văn phòng.
4. Sẵn sàng đối mặt với kẻ xấu tính
Bạn không thể mãi mãi chịu đựng hay cố gắng phớt lờ những hành vi quá đáng của đồng nghiệp. Nếu bạn cảm thấy không thể chịu đựng được nữa, hãy đứng lên và đối mặt thẳng thắn với họ. Trước khi làm vậy, hãy suy nghĩ về 2 vấn đề sau:
- Họ có cố ý làm như vậy không?
- Cách họ cư xử có chấp nhận được dưới bất kì hình thức nào không?
Bạn có thể thảo luận với những đồng nghiệp bạn tin tưởng, với gia đình hoặc bạn bè để đưa ra quyết định khách quan nhất. Nếu bạn quyết định rằng bạn muốn nói chuyện rõ ràng, hãy chọn một môi trường phù hợp để đôi bên cùng thoải mái. Nếu bạn lo sợ cuộc nói chuyện có thể không thuận lợi, hãy mời những người thứ ba tham gia để chứng kiến hoặc hòa giải.
Một điểm quan trọng cần chú ý là cuộc nói chuyện nên bàn về cách họ cư xử, chứ không nhắm vào cá nhân họ. Thể hiện rõ cho họ thấy rằng hành vi của họ làm tổn thương đến mối quan hệ làm việc giữa đôi bên. Mục đích bạn mong muốn là họ cân nhắc sửa đổi lại những hành vi không đúng mực của họ, để bạn và họ có thể hợp tác tốt hơn trong tương lai. Do đó, cuộc nói chuyện nên giữ trong không khí ôn hòa và tôn trọng.
Đồng thời, bạn cũng muốn biết lý do họ cư xử như vậy. Liệu họ có bất mãn gì với bạn? Hoặc bản thân họ cũng bị chi phối bởi những yếu tố tiêu cực khác? Việc thấu hiểu cho phép bạn giải quyết vấn đề tận gốc, đồng thời hóa giải những hiểu lầm và tránh đi xung đột trong tương lai.
5. Nếu bạn không thể nói chuyện với họ, hãy nói chuyện với người khác
Có đến hơn 50% số người bị đối xử tệ bởi đồng nghiệp không hề chia sẻ về vấn đề này cho ai khác. Phần lớn lý do là vì họ cảm thấy không có hi vọng gì để thay đổi được tình hình. Thế nhưng, việc im lặng lại vô tình tiếp tay cho những hành vi thô lỗ.
Do đó, nếu bạn cảm thấy đồng nghiệp đang cư xử không đúng mực và không thể nói chuyện với họ, hãy chia sẻ vấn đề này với lãnh đạo, bộ phận nhân sự, hoặc với những đồng nghiệp khác. Những phản hồi của bạn là lời cảnh tỉnh để những người cư xử xấu xí phải nhìn lại và kiểm điểm hành vi của mình. Bạn cũng có thể không phải là người duy nhất đang chịu đựng những điều tiêu cực. Việc chia sẻ giúp bạn tìm thấy sự cảm thông và giúp đỡ!
6. Biết rằng khi nào là lúc cần rời đi
Đôi lúc bạn đã nỗ lực hết sức, nhưng tình hình không cải thiện và bạn vẫn phải chịu đựng môi trường làm việc độc hại, thì đó là lúc bạn nên suy nghĩ đến việc rời đi. Thế nhưng, rời bỏ một công việc không phải là một quyết định dễ dàng. Để chắc chắn rằng bạn có thể làm vậy, hãy cân nhắc những câu hỏi sau:
- Bạn có dễ dàng tìm được một môi trường làm việc tốt hơn không?
- Bạn sẽ được gì và mất gì khi rời đi?
- Nếu bạn rời bỏ công việc hiện tại, sự nghiệp của bạn sẽ thay đổi như thế nào?
- Liệu còn cách nào khác bạn có thể làm để thay đổi sự độc hại ở nơi làm việc hiện tại không?
- Sự tiêu cực ở văn phòng hiện tại có đang ảnh hưởng tới cuộc sống cá nhân của bạn?
Đến cuối cùng, chỉ có bạn mới trả lời được những câu hỏi này và đưa ra quyết định. Tuy nhiên, hãy luôn nhớ rằng ai cũng xứng đáng được tôn trọng và đối xử tử tế ở nơi làm việc. Theo Porath, một môi trường làm việc tốt không đơn thuần chỉ là “không có ai cư xử thô lỗ”, mà còn đòi hỏi “cách ứng xử tích cực đến từ sự tôn trọng và lòng tử tế”.
Trí thức trẻ