MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gặp sự cố lớn chưa từng có, sàn giao dịch chứng khoán Nhật Bản bất ngờ dừng toàn bộ hoạt động

01-10-2020 - 09:59 AM | Tài chính quốc tế

Bloomberg đưa tin, hôm 30/9, do sự cố mạng, các nhà điều hành của Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo (TSX) đã phải tạm ngừng toàn bộ giao dịch, đóng băng hoạt động mua bán hàng nghìn cổ phiếu trong ngày đầu tiên của quý mới. Sự việc diễn ra ngay khi nước này vừa công bố số liệu kinh tế quan trọng.

Các lệnh mua/bán cổ phiếu trên sàn giao dịch này đều không thể thực hiện. Japan Exchange Group cho biết họ chưa biết khi nào hệ thống sẽ được khôi phục. Ngoài ra, sàn này cũng không giải thích rõ về nguyên nhân, trong khi chỉ nói rằng sự cố có liên quan đến việc phân phối thông tin thị trường. 

Sự việc trên xảy ra bất ngờ khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt là khi thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua đã ghi nhận đà bứt phá và các thị trường lớn khác trong khu vực – bao gồm Hồng Kông, Hàn Quốc và Đài Loan, cũng có diễn biến khởi sắc tương tự. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc đóng cửa cho đến ngày 9/10 cho dịp Tuần lễ Vàng.

Ryuta Otsuka – chiến lược gia tại Tokyo Securities Co., nhận định: "Đây thực sự là một vấn đề, khi những sự việc như thế này xảy ra, niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng. Và sau đó chứng khoán Nhật Bản cũng chịu áp lực."

Các thị trường khác trong nước, bao gồm sàn giao dịch ở Sapporo, Nagoya và Fukuoka, hiện cũng tạm ngừng giao dịch. Trong khi đó, thị trường phái sinh, gồm hợp đồng tương lai giao dịch trên sàn Osaka, hầu như không bị ảnh hưởng bởi sự cố này. Vào lúc 10 giờ 6 phút sáng (giờ địa phương), hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225 đã tăng 0,3%.

Trong khi đó, các thị trường khác trên toàn cầu cũng đang ở tình trạng cảnh giác cao độ đối với bất kỳ sự cố nào có thể xảy ra, sau khi chứng kiến vụ tấn công mạng tại New Zealand khiến thị trường chứng khoán nước này bị "đóng băng" trong 4 ngày vào hồi tháng 8.

Về sự cố ngừng giao dịch lần này, một trader giao dịch cổ phiếu của một công ty môi giới tại Tokyo cho biết dòng vốn tương hỗ trong đầu tháng 10 và nửa sau của năm tài chính sẽ bị chậm trễ và dồn ứ khi đổ vào thị trường. Do đó điều này có thể gây ra biến động mạnh vào phiên ngày mai nếu thị trường không mở cửa vào hôm nay. 

Sự cố về hệ thống lần này được cho là diễn ra trên quy mô lớn nhất tại Nhật Bản, kể từ khi một loạt sự cố máy tính xảy ra vào giữa những năm 2000. Năm 2005, hoạt động giao dịch cũng bị tạm ngừng trong 4 tiếng rưỡi để nâng cấp hệ thống bị lỗi, đó là lần đầu tiên hoạt động giao dịch cổ phiếu tại Nhật Bản bị ngừng hoàn toàn. Vấn đề này đã khiến chủ tịch của sàn giao dịch buộc phải từ chức. 

Năm 2006, sàn TSX cũng tạm ngừng giao dịch khi số lệnh tăng đột biến, nguyên nhân là do cuộc điều tra về Livedoor Co., làm hệ thống máy tính bị quá tải. Do đó, thời gian giao dịch tại sàn này đã bị rút ngắn trong 3 tháng.

Vào tháng 1/2010, TSX đã giới thiệu về hệ thống Arrowhead với tốc độ xử lý nhanh hơn, được phát triển bởi Fujitsu và các công ty khác. Tuy nhiên, động thái này cũng không thể giải quyết được toàn bộ các vấn đề. Chưa dừng ở đó, một sự cố máy tính vào năm 2012 đã khiến giao dịch đối với 241 cổ phiếu bị ngừng lại, trong khi chỉ 1 năm sau đó hệ thống tiếp tục bị lỗi khiến giao dịch phái sinh gặp gián đoạn.

Phát ngôn viên của Fujitsu – Takeo Tanaka, cho biết công ty đang điều tra về sự cố diễn trong ngày hôm qua, nhưng từ chối bình luận về chi tiết. Một quan chức cho biết, Cơ quan Dịch vụ Tài chính của Nhật Bản hiện đang xem xét việc ngừng hoạt động hối đoái. 

Sự cố tạm ngừng giao dịch ngày hôm qua diễn ra cùng ngày với thời điểm số liệu kinh tế vốn được theo dõi sát sao được công bố. Cuộc khảo sát Tankan của BOJ đã được công bố chỉ 10 phút sau khi hoạt động giao dịch được bắt đầu. Số liệu mới cho thấy tâm lý của các nhà sản xuất lớn tại nước này đã tăng lên từ mức điểm thấp nhất, củng cố quan điểm rằng nền kinh tế lớn thứ 2 châu Á có thể sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất, dù mức này vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch. 

Tham khảo Bloomberg

Lục Lam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên