MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gas tăng, xăng tăng, quán ăn vỉa hè ở Sài Gòn vẫn không dám làm điều này vì "sợ mất khách"

04-03-2022 - 17:44 PM | Thị trường

Gas tăng, xăng tăng, quán ăn vỉa hè ở Sài Gòn vẫn không dám làm điều này vì "sợ mất khách"

Giá xăng và gas tăng cùng thời điểm khiến các chủ quán ăn vỉa hè tại TP HCM trở tay không kịp, phải kiếm cách cầm cự.

Ngày 28/2, giá gas bán lẻ trong nước tăng thêm 42.000 đồng đối với mỗi bình gas 12kg, tương đương với mức tăng 3.500 đồng mỗi kg, kéo theo giá bán lẻ gas trong nước leo lên mức trên 500.000 đồng/bình 12kg.

Chưa đầy một ngày sau đó, giá xăng dầu được liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố điều chỉnh vào chiều 1/3, tăng đồng loạt ở tất cả các mặt hàng. Cụ thể, xăng E5RON92 tăng thêm 540 đồng/lít, từ mức 25.531 đồng/lít lên mức 26.071 đồng/lít; giá xăng RON95-III tăng thêm 550 đồng/lít, từ mức 26.282 đồng/lít lên mức 26.832 đồng/lít.

Khoảng 1h chiều ngày 2/3, khi quán bún cá Châu Đốc (phường 13, quận Tân Bình) thưa khách, chị chủ tranh thủ "lướt" chợ mạng xem mẫu bếp điện phù hợp cho việc kinh doanh. "Giá gas tăng quá, giờ chỉ phụ thuộc vào gas thì không chịu nổi", chị chủ quê miền Tây lên TP HCM bán bún cá được chục năm chia sẻ.

Chị bán một tô bún 35.000 đồng, mức giá khá bình dân so với mặt bằng chung của các quán ăn vỉa hè trong khu vực. "Giờ mình tăng giá cũng rất khó, kinh tế ai cũng khó khăn. Tăng giá rồi họ sống sao, mình cũng mất khách", chị quyết tâm giữ mức giá cũ.

Gas là một cấu thành quan trọng trong hình thành chi phí tô bún cá của chị. Bên cạnh đó là các nguyên phụ liệu nấu ăn, mặt bằng cho thuê. Việc giá gas tăng làm chênh lệch chi phí rất lớn so với lợi nhuận kỳ vọng. Chủ quán bún cá này muốn giữ khách thì buộc phải giảm lợi nhuận mong muốn.

Tại quận 5, quán cơm văn phòng của hai cô chú lớn tuổi vẫn đông khách ăn tại chỗ. Tuy nhiên, lượng khách chính của hai cô chú lại là lượng nhân viên văn phòng đang chờ được giao hàng miễn phí. Đây là dịch vụ chăm sóc khách mang tính "đặc quyền". Dịch vụ này giúp cô chú có thêm nhiều khách hàng hơn.

Tuy nhiên, khi giá xăng liên tục lập "đỉnh" thì hai ông bà chủ lo lắng nhiều về khả năng duy trì dịch vụ này. Đồng nghĩa, quán có thể bị mất một lượng khách đã quen với ưu ái.

"Trước đây, giá xăng không phải là vấn đề vì ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, bây giờ nó tăng quá. Hai cô chú phải suy tính kỹ", cô chủ nói. Trong các phương án mà hai người liệt kê thì khả thi và đang được cân nhắc nhiều là khuyến khích khách đặt nhiều hơn trên một đơn hàng hoặc chấp nhận một khoản phí nhỏ trên đơn hàng.

"Nếu tình hình còn khó khăn thì chúng tôi có lẽ phải tạm ngừng dịch vụ giao cơm miễn phí", cô nói thêm. Cô từ chối tham gia mạng lưới giao đồ ăn trên các ứng dụng do không muốn trả phí dịch vụ và "cộng thêm chi phí đó vào cho khách hàng lại thấy tội".

Theo cô chủ, bên cạnh dịch vụ giao cơm, quán còn bị tác động bởi giá xăng tăng lên các chuyến xe đi lấy hàng từ chợ đầu mối hằng ngày, các thương lái vì thế đang gánh gồng chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, cô chủ dự đoán, trong nay mai, họ cũng sẽ tăng giá vận chuyển. "Khách hàng lại là người chịu thiệt cuối cùng", chủ quán cơm tiếc nuối.

https://soha.vn/gas-tang-xang-tang-quan-an-via-he-o-sai-gon-van-khong-dam-lam-dieu-nay-vi-so-mat-khach-20220303152837612.htm

Theo Dy Khoa

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên