Gayatri Devi: Hoàng hậu xinh đẹp nhất Ấn Độ và cuộc đời lẫy lừng ghi dấu vào kỷ lục thế giới, đến Tổng thống Mỹ cũng nghiêng mình nể phục
Cả cuộc đời của Hoàng hậu Gayatri đã cống hiến hết mình để đấu tranh cho nữ quyền, giành lại quyền lợi cho tầng lớp nghèo khổ. Không chỉ vậy, bà còn là một biểu tượng nhan sắc và thời trang mà người dân Ấn Độ vô cùng tự hào.
- 17-09-2018Người hâm mộ tinh ý phát hiện ra vật bất thường trong xe hơi chở Công nương Kate, vô tình tiết lộ thói quen khó bỏ của người hoàng gia
- 14-09-2018Chỉ mặc đúng một kiểu suốt mấy chục năm, Nữ hoàng Anh vẫn được nhận xét là có style xuất sắc hơn hẳn Công nương Meghan
- 23-08-201810 điều tuyệt vời mà Công nương Diana làm cho con cái đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những bà mẹ của thời nay
Đất nước Ấn Độ nổi tiếng là miền đất sản sinh ra những người phụ nữ có nhan sắc xinh đẹp xuất chúng, nhưng cho đến ngày hôm nay, Hoàng hậu Gayatri Devi vẫn luôn là biểu tượng tuyệt vời nhất của nhan sắc lẫn trí tuệ. Bà đã ghi dấu ấn sâu sắc trong lịch sử bằng sự cống hiến không ngừng nghỉ đối với các hoạt động chính trị của đất nước, những cuộc đấu tranh vì nữ quyền, vì người nghèo của Ấn Độ.
Hoàng hậu Gayatri không chỉ nhận được tình cảm yêu mến từ người dân Ấn Độ mà trên diễn đàn chính trị thế giới, bà đã khiến cho cánh đàn ông phải thật sự nể phục, thậm chí cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy từng giới thiệu về bà Grayatri là: "Người phụ nữ giành được đa số phiếu bầu một cách đáng kinh ngạc nhất trong cuộc bầu cử".
Bà Gayatri Devi sinh ngày 23/5/1919 tại London. Bà xuất thân trong gia đình dòng dõi hoàng tộc với bố là Hoàng tử Jitendra Narayan xứ Cooch Behar, Tây Bengal và mẹ là Công chúa Indira Raje của Baroda. Bà từng theo học và tốt nghiệp tại nhiều ngôi trường danh tiếng tại Anh và Thụy Sĩ. Do được tiếp xúc với văn hóa tiến bộ của Tây phương cũng như được mẹ truyền dạy tư tưởng nữ quyền nên ngay từ khi còn rất bé, bà Gayatri đã luôn thể hiện là một cô gái có tính cách mạnh mẽ, độc lập.
Trái với khuôn mẫu tiểu thư ủy mị mà mọi người vẫn tưởng tượng, bà Gayatri lớn lên với niềm đam mê với bộ môn bóng Polo và đua ngựa, thậm chí còn là một vận động viên khá xuất sắc. Bên cạnh đó bà còn yêu thích việc săn bắn và sau này còn rất thích chơi xe hơi. Được biết bà là người đã cho nhập khẩu chiếc xe Mercedes-Benz W126 đầu tiên vào Ấn Độ, ngoài ra bà cũng sở hữu nhiều xe Rolls Royce và máy bay.
Năm Gayatri 12 tuổi, trong một lần cùng tham gia đánh Polo với hoàng tử Sawai Man Singh II, bà đã yêu mến ông để rồi sau này, bà kiên quyết theo đuổi tình yêu của mình mặc dù khi ấy hoàng tử lớn gấp đôi tuổi bà và đã có 2 đời vợ.
Giống như mẹ mình, bà Gayatri không chấp nhận định kiến xã hội dành cho bậc nữ nhi, bà tin tưởng vào việc kết hôn vì tình yêu và đã đi theo tiếng gọi của trái tim mình. Hôn lễ của bà Gayatri và Sawai Man Singh II vào năm 1940 dù vấp phải nhiều ý kiến phản đối nhưng cuối cùng bà cũng vượt qua tất cả để trở thành hoàng hậu Jaipur và giữ cương vị này đến năm 1970.
Sau khi trở thành hoàng hậu, bà Gayatri đã dành toàn bộ tâm huyết của mình cho các hoạt động xã hội và thiện nguyện. Bên cạnh việc đồng hành cùng chồng trong các sự kiện ngoại giao, bà cũng đã đấu tranh mạnh mẽ, bảo vệ phụ nữ và người dân ở tầng lớp nghèo khổ trong xã hội.
Năm 1943, bà Gayatri đã cho xây dựng một ngôi trường dành riêng cho nữ sinh trong nỗ lực mang đến kiến thức và sự bình đẳng cho phụ nữ. Bà tin tưởng rằng chỉ có giáo dục và sự hiểu biết mới có thể giúp cho cuộc sống của phụ nữ Ấn Độ trở nên độc lập hơn, tương lai của họ cũng tươi sáng hơn. Hiện nay ngôi trường mang tên Gayatri Devi được xem là một trong những nơi có hệ thống giáo dục tốt nhất tại Ấn Độ.
Năm 1947, chế độ quân chủ Ấn Độ bị lật đổ, chế độ các tiểu vương quốc và tước vị cũng bị bãi bỏ. Bà Gayatri từ đó bắt đầu dấn thân vào chính trường và nhanh chóng chứng minh được thực lực và sức ảnh hưởng của mình không hề thua kém bất cứ một người đàn ông nào.
Năm 1962, trong lần đầu tiên tranh cử vào Quốc hội, bà Gayatri đã xuất sắc giành được đa số phiếu bầu, trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm giữ chiếc ghế trong Hạ viện nhân dân - Lok Sabha. Thành tích đáng nể của bà Gayatri đã được ghi nhận vào kỷ lục Guinness với 192.909 phiếu trên tổng số 246.516 phiếu bầu. Cho đến ngày nay, kỷ lục này vẫn chưa một ai có thể phá vỡ. Bà Gayatri tiếp tục nắm giữ vị trí này vào năm 1967 và 1971 với tư cách là thành viên của Đảng Swatantra do C. Rajagopalachari thành lập.
Năm 1970, Sawai Man Singh II qua đời đã khiến cho bà Gayatri chịu một cú sốc không hề nhỏ. Đến năm 1975, trong chương trình Emergency của nữ Thủ tướng Indira Gandhi, bà Gayatri đã vướng vào một số cáo buộc sai về thuế và phải trải qua 6 tháng trong tù. Sau khi được thả ra, bà cũng từ giã luôn sự nghiệp chính trị.
Những năm sau đó, bà Gayatri vẫn tiếp tục các hoạt động đấu tranh vì quyền lợi của các tù nhân đang phải sống trong điều kiện tồi tệ trong nhà tù cũng như các chương trình vì phúc lợi cộng đồng. Bà đã tạo được ảnh hưởng không nhỏ trong việc phản đối hệ thống Purdah đang kìm hãm phụ nữ trong xã hội. Trong lĩnh vực văn hóa, bà Gayatri là người có công khôi phục và bảo tồn nghệ thuật làm gốm xanh cổ truyền và đang dần mai một tại Ấn Độ.
Không chỉ là một người phụ nữ có trí tuệ xuất chúng, bà Gayatri còn có một gu thời trang tân tiến, được xem là biểu tượng của sắc đẹp và phụ nữ hiện đại lúc bấy giờ. Tạp chí thời trang danh tiếng Vouge từng bình chọn Gayatri là một trong 10 người phụ nữ đẹp nhất thế giới.
Phong cách ăn mặc thời thượng của Gayatri mang tư tưởng phóng khoáng của mẹ bà. Không bao giờ bị bó buộc trong trang phục sari truyền thống hay mạng che mặt, bà Gayatri luôn biết cách thể hiện cá tính với trang phục mang hơi hướm phương Tây mạnh mẽ và thanh lịch cùng quần tây, áo sơ mi, đồ thể thao… Những chiếc sari mà bà Gayatri chọn lựa cũng được cách tân khéo léo nhưng không hề mất đi vẻ đẹp truyền thống và duyên dáng vốn có của chúng.
Ngày 29/7/2009, bà Gayatri Devi qua đời do viêm ruột và nhiễm trùng phổi khiến cho người dân trên toàn Ấn Độ đau buồn vô hạn. Theo BBC, khối gia sản sau khi chết do bà Gayatri để lại có giá trị đến 400 triệu USD. Bà và chồng chỉ có duy nhất một người con trai nhưng đã sớm qua đời vào năm 1997 nên tài sản được chia cho 2 người cháu nội. Cũng từ số gia tài khổng lồ này mà sau đó đã xảy ra liên tiếp các vụ tranh chấp, kiện tụng quyết liệt giữa người thừa kế và các hậu duệ khác của chồng bà.
Helino