Gaza: Cơ chế "một cửa" và cuộc khủng hoảng đè nặng 2,2 triệu người
Liên Hợp Quốc đang nỗ lực hết mình để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của hàng trăm nghìn thường dân phải di dời "qua một cửa" tại cửa khẩu Rafah, một hạn chế do Israel áp đặt.
"Liên Hợp Quốc đang nỗ lực hết mình để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của hàng trăm nghìn thường dân phải di dời "qua một cửa" tại cửa khẩu Rafah, một hạn chế do Israel áp đặt và cần phải thay đổi", Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc Jamie McGoldrick cho biết.
Theo ông Jamie McGoldrick, mỗi ngày họ cần ít nhất 200 chiếc xe tải để vận chuyển, tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực "đáng kể" của các đối tác trong và ngoài nước, các tổ chức cứu trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc đang gặp nhiều khó khăn khi phải vận chuyển toàn bộ nhu yếu phẩm qua một "nút thắt" ở biên giới phía Nam của Gaza với Ai Cập, vốn được xây làm đường cho người đi bộ.
Ông McGoldrick đã có cuộc trò chuyện với UN News và chia sẻ về tình hình Gaza hiện tại. Dưới đây là phần lược dịch cuộc phỏng vấn đăng tải trên UN News.
Tình trạng của Dải Gaza
UN News: Ông vừa trở về từ Gaza và cũng đã từng đảm nhiệm vai trò này. Ông nói rằng tình hình ở đó thảm khốc giống như những năm trước. Phản ứng ban đầu của ông khi lần đầu tiên đến Gaza trong cuộc chiến này là gì?
Jamie McGoldrick: Rõ ràng là tình hình đã thay đổi rất nhiều kể từ lần cuối tôi đến đó. Điều khiến bạn ấn tượng nhất chính là những con số. Ngay khi bạn đến Rafah, bạn lập tức bất ngờ khi thấy lượng lớn người bị mất nhà cửa: trên mọi con phố, mọi vỉa hè,…
Họ dựng những chiếc lều tạm trên đường phố bên cạnh các tòa nhà khiến cho việc di chuyển quanh đây rất khó khăn. Nơi này thực sự chật cứng người.
Điều thứ hai mà tôi thấy, chính sự đông đúc này đã làm cho các dịch vụ hỗ trợ người ở đây bị quá tải. Số lượng lớn người đến phía Nam Gaza xảy ra quá nhanh, ước tính có khoảng 1,7 – 1,8 triệu người đổ về Rafah, vốn là nơi cư trú của khoảng 250.000 người.
Người ta sống trong bệnh viện, trong các trường học UNRWA,...và nếu bạn đến những nơi này bạn sẽ thấy điều kiện sống của họ: môi trường bẩn thỉu, đông đúc, tạm bợ.
Không ai có thời gian để lên kế hoạch cho bất cứ điều gì. Người người chạy khỏi nơi họ từng ở. Họ hầu như không có gì cả. Họ phải cố gắng tạo lập một nơi để trú ẩn trong một môi trường hỗn loạn. Thậm chí ở đó còn đang là mùa đông. Chính vì vậy mà tất cả mọi thứ đều trở nên vô cùng khó khăn.
Điều này khiến chúng tôi áy náy vì chúng tôi không có quá nhiều khả năng cho những việc như vậy, chúng tôi đã phải cố gắng mở rộng quy mô, giải quyết các nhu cầu cần thiết. Sự tuyệt vọng ngày càng sâu sắc hơn cũng như sự đau khổ của người dân ngày càng gia tăng.
Quan trọng nhất là chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để mở rộng quy mô, tiếp cận nhiều người hơn, mang tới nhiều nhu yếu phẩm hơn. Tuy nhiên đó là một nhiệm vụ khổng lồ.
UN News: Hẳn là ông cũng đã gặp những đồng nghiệp ở đó khi đảm nhận vị trí này trước đây. Họ đã chia sẻ kinh nghiệm gì với ông?
Jamie McGoldrick: Đầu tiên là về góc độ con người, họ kể cho bạn về những điều họ đã bỏ lại phía sau. Một số người nói rằng họ đã phải rời bỏ ngôi nhà bị phá hủy của mình, những người khác kể cho bạn về thân nhân không may bỏ mạng. Bạn biết đấy, cuộc sống mà họ từng có đã không còn nữa, thậm chí đã mất đi rất lâu rồi.
Người dân thấy sốc và tuyệt vọng. Tôi cũng nghĩ là không có tia hy vọng nào ở đó nữa, bởi vì họ không tìm được câu trả lời cho những gì họ sắp phải đối mặt.
Điều đáng kinh ngạc là khi đồng nghiệp của tôi vẫn kiên cường trong tình huống ấy, đó những người đã đến miền Nam chạy trốn như một người di tản, nhưng vẫn đứng lên để giúp đỡ cộng đồng.
Thật khó tin là người dân ở Gaza lại có tinh thần đó... và họ vẫn tiếp tục như vậy. Sự thật là đã có 146 nhân viên Liên Hợp Quốc bị sát hại. Có những người mất đi người thân nhưng họ vẫn làm việc.
Một con đường là không đủ
UN News: Như ông vừa nói, các tổ chức viện trợ Nhân đạo Liên Hợp Quốc đã lên tiếng về những thách thức trong việc đưa viện trợ vào Gaza. Điều đó có ý nghĩa gì đối với những người dân ở thực địa? Nhu cầu của họ được đáp ứng ở mức nào?
Jamie McGoldrick: Trước kia, mỗi ngày có khoảng 500 xe tải làm nhiệm vụ vận chuyển thương mại. Và LHQ hỗ trợ những người kém may mắn, không thể mua nổi những thứ đó. Những người hỗ trợ nhân đạo như chúng tôi cần phải có khoảng 200 xe tải mỗi ngày. Chừng đó mới đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa cứu trợ và hàng hóa thương mại cho người dân.
Hiện tại hoạt động thương mại đã dừng lại. Ai ai cũng cần được giúp đỡ. Trong tình hình hiện tại, vấn đề chính chúng ta cần là một nơi trú ẩn tốt hơn, nhiều nguồn cung cấp thực phẩm hơn, nước sinh hoạt, vệ sinh, nước thải và nhu cầu chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Hiện có rất nhiều vấn đề liên quan đến an ninh trật tự trong thời điểm hiện tại: bạo lực giới, các vấn đề liên quan đến bảo vệ trẻ em bởi có rất nhiều trẻ em không có người bảo hộ đi cùng.
Với tư cách là những người cứu trợ nhân đạo, chúng tôi cần có khả năng để thực hiện những công việc đó. Điều đó nghĩa là chúng tôi cũng cần sự bảo vệ, tức là cần có hệ thống thông tin liên lạc tốt, có khả năng di chuyển một cách cơ động.
Thật không may là tình huống này không trở thành hiện thực. Có rất nhiều sự cố.
Và chúng tôi hiện đang phải đối mặt với một cuộc vật lộn khó khăn chỉ để giải quyết nhu cầu của những người mà chúng tôi có khả năng tiếp cận. Chúng tôi cần vươn xa, sâu hơn, và nhiều nơi hơn như về phía Bắc. Nhưng những xung đột đang diễn ra và các hoạt động quân sự ngăn cản chúng tôi di chuyển đến một số khu vực trung tâm. Chúng tôi bị mắc kẹt tại đây.
Chúng tôi không có khả năng làm điều đó một cách nhanh chóng. Chỉ có mỗi một con đường. Đó là con đường ven biển, bởi vì con đường trung tâm đang được quân đội điều hành. Vì vậy chúng tôi đang dồn mọi nỗ lực về phía bắc trong khi chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc cứu trợ ở miền nam. Chúng tôi phải mở rộng quy mô và phải khởi động lại các nguồn cung cấp thương mại.
UN News: Chúng tôi đã nghe một số quan chức Liên hợp quốc nói rằng cần phải đưa các chuyến hàng thương mại quay trở lại Gaza. Nhưng nếu nền kinh tế đang trong tình trạng hỗn loạn và hoạt động quân sự đang diễn ra, làm sao mọi người có thể tiếp tục buôn bán và tiếp tục cuộc sống của mình, có một nền kinh tế bình thường?
Jamie McGoldrick: Điều cuối cùng chúng tôi muốn làm là, nếu lĩnh vực thương mại hoạt động trở lại, ta thực sự có thể bắt đầu cung cấp hàng hóa cho các cửa hàng phải đóng cửa vì không còn gì trong đó. Hàng hóa đã hết. Chúng ta phải bổ sung hàng hóa.
Và khi chúng ta đạt đến một quy mô nhất định, chúng ta có thể bắt đầu sử dụng thẻ, hệ thống thanh toán.
Còn rất lâu chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu đó. Chúng ta đã phải đấu tranh lâu dài để duy trì nguồn cung cấp viện trợ nhân đạo, đặc biệt là thực phẩm và vật tư y tế ở đó.
Nếu chúng ta không làm điều đó, những mặt hàng này sẽ tràn lan trên thị trường chợ đen, và xảy ra tình trạng trục lợi trong bối cảnh này. Chúng ta đã thấy điều đó xảy ra.
UN News: Một số quan chức Israel đã nói rằng điều duy nhất cản trở việc viện trợ vào Gaza là những hạn chế của Liên Hợp Quốc. Ông sẽ trả lời họ như thế nào?
Đó là một môi trường khó khăn vì chúng tôi chỉ có thể phân phối viện trợ một cách hạn chế ở Rafah, nơi có khoảng một nửa dân số đang cư trú. Công tác viện trợ ở phần còn lại của Dải Gaza đã bị dừng lại do cường độ chiến sự và những hạn chế trong việc di chuyển, ví dụ như chúng tôi chỉ có 5 trong số 24 đoàn xe chở thực phẩm và thuốc men được phép đi về phía bắc.
Chúng tôi đang nỗ lực tăng cường các chiến dịch của mình. Hiện tại hoạt động của chúng tôi phần nào bị ảnh hưởng vì chính phủ Israel kiên quyết sử dụng cửa khẩu đường bộ dành cho người đi bộ ở Rafah để cho xe tải chở nhu yếu phẩm đi qua. Chúng ta không thể phụ thuộc mọi thứ của Gaza - 2.2 triệu người - vào một cửa khẩu duy nhất ấy được.
Tiến trình hòa bình ở Gaza
UN News: Người dân đã bắt đầu mất niềm tin vào tiến trình hòa bình. Vậy hiện tại có thể làm gì để khôi phục niềm hy vọng ấy và vực lại văn phòng Điều phối viên Đặc biệt [cho Tiến trình Hòa bình Trung Đông] nhằm tiến tới một thỏa thuận?
Jamie McGoldrick: Chúng ta phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn và tăng cường các cuộc đàm phán về việc trả tự do cho con tin ngay lập tức. Điều đó phải xảy ra.
Chúng ta phải tăng cường hỗ trợ vào Gaza, cân nhắc tới vấn đề an ninh nội bộ của Israel, và chúng ta phải mở thêm các cửa khẩu nhân đạo để cho phép viện trợ tiến vào Gaza, chẳng hạn như Kerem Shalom. Tuy nhiên chúng ta cũng phải nhìn vào các cửa khẩu ở phía bắc.
Chúng ta phải khôi phục các dịch vụ cơ bản, y tế, viện trợ nhân đạo đã bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột này, sau đó bắt đầu xây dựng những dịch vụ mới để tiếp tục các hoạt động cứu hộ.
Chúng ta phải cho phép những bệnh nhân bị thương được điều trị bên ngoài Gaza, bởi vì Gaza không có đầy đủ các dịch vụ cần thiết cho những người đã bị cuốn vào cuộc khủng hoảng này. Chúng ta phải tạo điều kiện để thêm nhiều dịch vụ vào các khu vực đó.
Cuộc chiến sẽ kết thúc ra sao và nếu kết thúc, thì làm thế nào các bên, các nhóm khác nhau của Palestine có thể tập trung lại, làm thế nào người Palestine và người Israel có thể ngồi xuống bàn đàm phán?
Tôi nghĩ sẽ phải trải qua nhiều giai đoạn hàn gắn, nhiều sự thận trọng và thấu hiểu. Nhưng một lúc nào đó, chúng ta phải quay lại tiến trình hòa bình này, bằng một cách nào đó rút ra được một phương thức để mọi người có thể cùng chung sống.
UN News: Đây là câu hỏi cuối cùng dành cho ông. Làm thế nào mà sau tất cả những điều này, các bên thực sự có thể ngồi lại đàm phán? Làm thế nào chúng ta có thể giải thích điều này cho những người không biết?
Jamie McGoldrick: Tôi nghĩ hòa bình tốt hơn chiến tranh. Tôi cho rằng đó là điều cơ bản và tôi nghĩ rằng tất cả mọi người đều mong muốn sống trong hòa bình, có một cuộc sống bình yên. Họ muốn có một tương lai. Họ muốn có những ước mơ, họ muốn mình có khả năng biết điều gì sẽ diễn ra. Họ muốn tham gia vào một xã hội bình thường, muốn có gia đình, và bạn không thể có được điều đó trong tình huống xung đột, bất an này. Tôi nghĩ chiến tranh phải kết thúc.
Đời sống pháp luật