GĐ Trung tâm Y tế dự phòng HN: Phun hóa chất không xử lý triệt để được sốt xuất huyết
TS Nguyễn Nhật Cảm cho biết, việc phun thuốc muỗi chỉ giải quyết được phần nổi của sốt xuất huyết, muốn chặn đứng căn bệnh này thì cần phải diệt các ổ bọ gây nơi sinh sống.
- 23-07-2017Khi sốt xuất huyết, không được dùng thuốc nào?
- 23-07-2017Trẻ sốt đột ngột, cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát
- 22-07-2017Infographic: Những con số đáng báo động về dịch sốt xuất huyết ở Sài Gòn và Hà Nội
- 22-07-2017Bác sĩ cảnh báo: 3 cấm kỵ nguy hiểm tuyệt đối không được phạm phải khi bị sốt xuất huyết
Với những diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội thời gian vừa qua, đặc biệt là số ca mắc và tử vong do căn bệnh này đang gia tăng. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Nhật Cảm – GĐ Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, xung quanh vấn đề này.
Hỏi: Thưa ông! Hiện nay tình hình sốt xuất huyết ở Hà Nội đang có diễn biến như thế nào?
TS Nguyễn Nhật Cảm: Tình hình sốt xuất huyết (SXH) ở Hà Nội năm 2017 đến sớm hơn so với chu kỳ mọi năm khoảng 3 tháng, thường mọi năm SXH ở Hà Nội gia tăng từ tháng 6, tháng 7 và đạt đỉnh vào tháng 10 đến tháng 11, bệnh gia tăng gắn liền với mùa mưa.
Tuy nhiên năm nay từ tháng 4, đến tháng 5 SXH đã có chiều hướng gia tăng, đặc biệt đến tháng 6, bệnh đã gia tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2016.
Đến thời điểm này, số mắc tích lũy từ đầu năm đến nay là 6135 trường hợp, có 1 trường hợp tử vong do SXH, 2 trường hợp khác tử vong do có liên quan đến SXH. Số người mắc phân bố ở nhiều quận huyện và xã phường, hiện chủ yếu là ổ dịch nhỏ, chưa có ổ dịch lớn.
Số lượng bệnh nhân nhập viện vì sốt xuất huyết tại Hà Nội đang tăng mạnh.
Hỏi: Vậy SXH năm nay có gì bất thường so với mọi năm, nguyên nhân do đâu?
TS Nguyễn Nhật Cảm: Thường SXH có 2 đỉnh dịch, đỉnh dịch thứ nhất là tháng 5-6-7-8, đỉnh dịch thứ 2 là tháng 10-11. Thông thường mọi năm, đỉnh dịch thứ nhất thấp hơn đỉnh dịch thứ 2.
Tuy nhiên năm nay ngay từ tháng 5-6 số mắc đã có chiều hướng gia tăng. Đỉnh dịch thứ nhất năm nay đã tương đương với đỉnh dịch thứ 2 của mọi năm.
Nguyên nhân theo tôi trước hết là do đây là bệnh lưu hành có sẵn ở địa phương, nên chỉ cần có yếu tố thuận lợi về môi trường là bệnh bùng phát.
Yếu tố môi trường ở đây chính là điều kiện thời tiết ít lạnh, nóng đến sớm hơn so với mọi năm, đặc biết là mưa nhiều độ ẩm cao…khiến cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh. Mặc dù, thời điểm này số ca mắc có gia tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của ngành y tế thủ đô.
Việc phun thuốc muỗi chỉ giải quyết được phần nổi của sốt xuất huyết
Hỏi: Hiện nay thành phố đã triển khai việc phòng chống dịch như thế nào? Đặc biệt là ở thời điểm có diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng như hiện nay?
TS Nguyễn Nhật Cảm: Phòng SXH gồm 3 lực lượng chính đó là chính quyền, ngành y tế và người dân. Trong năm 2017, ngay từ đầu năm cả ngành y tế và chính quyền đã quyết liệt trong phòng chống dịch.
Ngay từ đầu năm khi có dự báo về tình hình thời tiết có El nino, thành phố đã ban hành kế hoạch cụ thể để chủ động phòng dịch. Thực tế là, từ tháng 4 chúng tôi đã phát động các chương trình vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy…
Đặc biệt, khi người bệnh có chiều hướng gia tăng thì thành phố đã quyết liệt chỉ đạo các quận huyện, xã phường phát hiện sớm ổ dịch, cùng với đó là đi trước đón đầu những nơi chưa có ổ dịch để sớm ngăn chặn.
Hỏi: Trong quá trình phòng dịch, có một số cán bộ còn thơ ơ, một số người dân thì không hợp tác. Vậy chúng ta cần phải có biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?
TS Nguyễn Nhật Cảm: Chúng ta cần phải tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để người dân hiểu bản chất của phòng chống dịch. Đó là việc diệt bọ gây, giữ vệ sinh mới là giải pháp căn cơ.
Còn phun hóa chất chỉ là giải pháp diệt muỗi trưởng thành mang mầm bệnh ngay tại thời điểm đó. Hiện nay phương pháp phun chủ yếu là phun khí dung, chỉ tồn tại và tiêu diệt được 2-3 tiếng.
Trong trường hợp ngày hôm trước phun hóa chất, nhưng ngày hôm sau vẫn phát hiện loại muỗi truyền bệnh SXH thì chứng tỏ ở đó có ổ bọ gậy và chúng đã nở ra thành muỗi. Như vậy là xử lý chưa triệt để.
Bởi vậy, biện pháp bền vững, triệt để và lâu dài nhất là phải diệt bọ gậy thường xuyên, liên tục trong tuần ở trong gia đình, các công trường xây dựng, bãi đất trống, cơ quan trường học…
(Ảnh minh họa)
Hỏi: Vậy đối với những hộ gia đình, hộ kinh doanh và cả những cơ quan, công trường không thực hiện biện pháp phòng chống dịch thì có biện pháp nào xử lý?
TS Nguyễn Nhật Cảm: Trong công tác phòng chống dịch thì công tác tuyên truyền người dân nâng cao ý thức diệt bọ gậy, bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình mình luôn được đề cao, nếu ai cũng có ý thức trong phòng chống dịch thì cộng đồng được an toàn.
Tuy nhiên có một số hộ kinh doanh, ví dụ như kinh doanh về lốp hay các công trường xây dựng nếu không hợp tác thì phải xử phạt để nhắc nhở trong việc thực hiện biện pháp phòng chống dịch do chính phủ quy định.
Ví dụ như, mới đây chúng tôi đã xử phạt một hộ kinh doanh lốp cũ ở Mai Dịch, Cầu Giấy 2 triệu đồng. Việc xử phạt này nhằm giúp họ nâng cao ý thức phòng chống dịch, chứ mục đích không phải là đánh vào kinh tế.
Hỏi: Trong khi đi phòng chống dịch, nhưng đối tượng nào khiến các cán bộ gặp khó khăn nhất trong tuyên truyền?
TS Nguyễn Nhật Cảm: Hiện nay có khu vực nguy cơ mắc bệnh cao nhất đó là, các khu cho người lao động ngoại tỉnh và sinh viên cho thuê trọ. Thứ 2 là khu vực có nhiều công trường xây dựng.
Đối với vấn đề sinh viên và nơi cho thuê trọ, chúng tôi đã phối hợp với các trường ĐH, CĐ, THCN nhằm tuyên truyền vận động sinh viên phòng chống SXH
Còn các hộ cho thuê trọ phải ký cam kết với UBND phường về việc đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Nếu họ không hợp tác và không thực hiện sẽ xử phạt. Hiện chúng tôi đã có danh sách các nhà cho thuê trọ trên toàn thành phố.
Riêng với công trường xây dựng, UBND đã có hướng dẫn cụ thể cho các chủ đầu tư về phòng chống SXH. Nếu họ không thực hiện nhiều lần sẽ thực hiện xử phạt. Thực tế mới tuần trước phía quận Hoàng Mai đã xử phạt 1 công trường xây dựng ở với mức phạt 1,5 triệu đồng.
Hỏi: Hiện dịch SXH ở Hà Nội đang phức tạp, gia tăng cả ca mắc và tử vong, liệu ngành y tế Hà Nội có nghĩ đến phương án công bố dịch?
TS Nguyễn Nhật Cảm: Vấn đề công bố dịch hay không, không phải vấn đề quan trọng trong lúc này. Bởi chỉ khi nào chúng ta không huy động được nguồn lực để phòng chống dịch, thì chúng ta phải công bố dịch để huy động tối đa mọi nguồn lực để phòng chống.
Nhưng hiện nay, từ thành phố đến các quận huyện xã phường vẫn đang chủ động được mọi nguồn lực để phòng dịch.
Hỏi: Hiện các bệnh viện đang trong tình trạng quá tải, vậy ông có khuyến cáo nào để người dân không mắc bệnh, tử vong vì SXH?
TS Nguyễn Nhật Cảm: Để giảm nguy cơ tử vong, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Thực tế mắc SXH không phải đều nặng, hầu hết là nhẹ, chỉ có khoảng 5% là nặng cần phải đến bệnh viện chuyên khoa tuyến trên, còn trường hợp nhẹ thì có thể ở các cơ sở y tế địa phương.
Hơn nữa, người dân không được chủ quan khi có các biểu hiện mắc bệnh. Bởi vậy, khi nào có biểu hiện sốt cao đột ngột cần đến ngay cơ sở y tế khám.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Trí thức trẻ