MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GDP Malaysia giảm kỷ lục 17,1%, mức suy giảm lớn nhất trong ASEAN

Kinh tế Malaysia vừa chứng kiến đợt suy giảm mạnh nhất so với các quốc gia ASEAN trong quý II vừa qua. Hiện tại, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực ghi nhận mức tăng trưởng tích cực 0,36% trong quý II.

Quý II vừa qua, Malaysia vừa chứng kiến mức sụt giảm 17,1% GDP, khiến quốc gia này trở thành nền kinh tế hoạt động kém nhất trong ASEAN.

Đây được coi là mức suy giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1998, sau khi Malaysia phải trải qua thời gian dài đóng cửa nền kinh tế để ngăn chặn sự lây sự lây lan của Covid-19.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) buộc phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 của quốc gia này xuống trong khoảng từ -3,5% đến -5,5%. Trước đó, do giả định thời gian đóng cửa nền kinh tế chỉ trong 4 tuần, BNM đã dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 của Malaysia trong khoảng từ -2% đến 0,5%. Trên thực tế, nền kinh tế đã kéo dài thời gian đóng cửa lên đến 7 tuần.

Thống đốc BNM, bà Nor Shamsiah Mohd Yunus cho biết ước tính nền kinh tế sẽ có khả năng phục hồi và đạt mức tăng trưởng từ 5,5% đến 8% vào năm 2021.

Vừa qua, Singapore cũng đã thông báo GDP quý II giảm 13,2%, đưa nền kinh tế quốc gia rơi vào cuộc suy thoái kỹ thuật đầu tiên trong 11 năm.

Theo báo cáo về kết quả hoạt động kinh tế mới nhất trong quý II năm 2020, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cũng đã điều chỉnh tăng trưởng GDP năm 2020 xuống trong khoảng từ -7% đến -5%. Trước đó, con số dự báo này nằm trong khoảng -7% đến -4%.

Nền kinh tế Indonesia hiện đã bước vào cuộc suy thoái kỹ thuật trong quý II năm 2020, sau khi GDP của quốc gia này giảm 5,32%, đánh dấu mức thấp nhất ghi nhận kể từ quý I năm 1999.

Các chuyên gia cũng cho biết khoảng 3,7 triệu người dân Indonesia đã mất việc làm trong năm nay, dự kiến con số này sẽ đạt khoảng 10 triệu vào cuối năm.

Nền kinh tế Philippines cũng rơi vào suy thoái kỹ thuật trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 khi GDP giảm 16,5%. Đây mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1981.

Đến nay, quốc gia duy nhất trong khu vực ghi nhận mức tăng trưởng tích cực là Việt Nam, với mức tăng trưởng GDP trong quý II đạt 0,36%. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh về việc phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%.

Các quốc gia khác vẫn chưa công bố dữ liệu trong quý II. Tuy nhiên, dự đoán nền kinh tế Thái Lan sẽ giảm từ 12% đến 13%, đây sẽ là mức tăng trưởng âm kỷ lục đối với xứ sở chùa Vàng.

Nhà kinh tế trưởng của Bank Islam Malaysia Bhd, ông Mohd Afzanizam Abdul Rashid cho biết nền kinh tế Malaysia dự kiến sẽ suy giảm sâu hơn vào năm 2020. Ông chỉ ra rằng đại dịch đã khiến nền kinh tế đi vào ngõ cụt khi 735 ngành công nghiệp trong nước đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong sản lượng.

Trao đổi với hãng thông tấn quốc gia Malaysia Bernama, ông nói: "Nếu nền kinh tế mở cửa và đi vào hoạt động, chúng ta có thể kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng tốt hơn trong hai quý tới". Đồng thời, ông khẳng định việc Chính phủ áp dụng các chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ sẽ giúp định hướng nền kinh tế tốt hơn trong tương lai.

Ông nhận định: "Phát triển vắc-xin cũng được đánh giá là một triển vọng đầy hứa hẹn, dựa trên các thử nghiệm gần đây do các công ty dược phẩm và công nghệ sinh học tiến hành".

Mohd Afzanizam cho biết việc cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản là hoàn toàn có thể xảy ra trong thời gian tới.

Ông cho biết thêm, trong thời gian trước mắt, một số ngành như du lịch, hàng không có thể vẫn sẽ không hoạt động được, đặc biệt khi du lịch quốc tế vẫn đang bị hạn chế.

Nhà kinh tế Izuan Ahmad của Bank Muamalat Malaysia nhấn mạnh việc phục hồi nền kinh tế quốc gia dự kiến ​​sẽ phải trải qua một chặng đường "gập ghềnh".

"Trong hai quý cuối năm 2020, cần đẩy mạnh tiêu dùng tư nhân nhằm cải thiện và nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đây là yếu tố quan trọng trong việc phục hồi kinh tế của Malaysia", ông nhấn mạnh

Ông nói thêm: "Điều này chỉ xảy ra với giả định rằng đại dịch Covid-19 được kiềm chế vào cuối năm nay và trạng thái bình thường trở lại vào năm tới".

Nhà kinh tế Izuan cũng chỉ ra các lĩnh vực ghi nhận mức giảm cao đáng kể, điển hình như xuất khẩu ròng giảm 38,6%. Điều này cho thấy hoạt động ngoại thương của Malaysia đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc đóng cửa nền kinh tế toàn thế giới và đứt đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đầu tư công cũng giảm 38,7%, do Chính phủ đã tập trung việc cung cấp viện trợ cho những nhóm người dễ bị tổn thương nhất do đại dịch Covid-19.

Malaysia đã ghi nhận mức tăng trưởng 0,7% trong quý 1 năm 2020, khiến tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2020 đạt -8,3%, giảm sâu so với mức tăng trưởng 4,7% trong cùng kỳ năm ngoái.

Q.L

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên