GDP năm nay có thể tăng 8%
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cơ sở kết quả kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm là nền tảng cho mục tiêu tăng trưởng 8% trong...
- 01-10-2022Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025 đã đảm bảo được 80% mặt bằng
- 01-10-2022Đến năm 2030, cả nước sẽ có 28 sân bay
- 01-10-2022Báo Mỹ ca ngợi sự phát triển "thần kì và khó tin" của Việt Nam: Tương lai còn tươi sáng hơn
Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có các Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội (KTXH) tháng 9 và 9 tháng năm 2022.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tăng trưởng kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực so với cùng kỳ khi GDP quý III tăng 13,67%. tính chung 9 tháng GDP tăng 8,83%, cao nhất từ năm 2011 đến nay, phục hồi và tăng đồng đều trong cả 03 khu vực, lần lượt là 2,99%, 9,44% và 10,57%.
Bên cạnh đó, ôn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn: CPI bình quân 9 tháng tăng 2,73%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021. Trong đó, thu ngân sách nhà nước 9 tháng đã gần cán đích cả năm khi ước đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, tính chung kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đạt 558,5 tỷ USD, tăng 15,1%. Nền kinh tế tháng 9 ước xuất siêu 1,14 tỷ USD, tính chung 9 tháng xuất siêu 6,52 tỷ USD….
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tình hình doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 9 tháng đạt trên 163.000 doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
“Theo xếp hạng tháng 8 của Nikkei, Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Đánh giá chung, ông Dũng cho biết trong tháng 9 và 9 tháng, nền kinh tế có xu hướng phục hồi rất tích cực; tăng trưởng kinh tế cao, đồng thời vẫn giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát và bảo đảm được các cân đối lớn. Đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy phục hồi kinh tế và phát triển bền vững, tạo dư địa nguồn lực ứng phó với những rủi ro, thách thức của tình hình thế giới hiện nay
Trên cơ sở kết quả 9 tháng đầu năm 2022, dự báo tình hình quý IV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu đạt tăng trưởng cả năm khoảng 8%, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023. Dự báo này vượt xa so với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra 6-6,5%.
Khó khăn, thách thức phải đối mặt là rất lớn
Bên cạnh những kết quả tích cực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu rõ một số tồn tại, khó khăn, thách thức. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguy cơ suy thoái tại nhiều nước ngày càng trở nên rõ ràng hơn; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, lượng khách du lịch… có khả năng bị thu hẹp hơn, gia tăng thách thức lên tăng trưởng xuất khẩu, du lịch nước ta.
Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro. Dịch COVID-19 còn tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp.
Bên cạnh những kết quả tích cực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh khó khăn, thách thức phải đối mặt là rất lớn
“Khó khăn, thách thức phải đối mặt là rất lớn, các yếu tố rủi ro, bất định ngày càng gia tăng, nhất là áp lực lạm phát từ bên ngoài, thị trường xuất khẩu, khách du lịch quốc tế bị thu hẹp, việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn…”, ông Dũng nhấn mạnh.
Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng các cấp, các ngành cần nắm chắc tình hình, rất chủ động trong công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế xã hội
Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ, kết hợp đồng bộ chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, điều hành giá và chính sách vĩ mô khác để giữ vững thành quả về ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phù hợp theo mục tiêu đề ra
VTV