MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GDP quý I thấp, tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại?

Dù tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I đạt 6,79%, nhưng để đạt mục tiêu cả năm 2019 tăng trưởng 6,6-6,8% vẫn còn nhiều khó khăn.

Động lực tăng trưởng đang tới hạn

Trái ngược với sự lo ngại, cho dù có nhiều ngành kinh tế giảm tốc, tăng trưởng kinh tế quý I đã cao hơn kỳ vọng (đạt 6,79%). Mặc dù thấp hơn mức tăng trưởng của quý I/2018 nhưng đây vẫn mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2017 và cao hơn mức tăng trưởng dự kiến trước đó của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê, GDP quý I năm 2019 thấp hơn cùng kỳ năm 2018 do ngành khai khoáng và công nghiệp chế biến chế tạo suy giảm. Với ngành khai khoáng, quý I năm 2019 giảm 2,1% trong khi năm 2018 tăng 0,2%. Đây là xu hướng chung và đã được báo trước bởi tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, chi phí khai thác và sản xuất cao. Ngành chế biến chế tạo dù tăng 11,7% nhưng vẫn thấp hơn năm 2018 tới 4,6% vì ngành mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao là sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính, quang học không có mức tăng đột biến.

GDP quý I thấp, tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại? - Ảnh 1.

Tăng trưởng kinh tế quý I/2019 đạt 6,79%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (Ảnh minh họa: KT)

Về tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu quý I chỉ đạt 58,5 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với năm 2018, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, nguyên nhân chính do sự suy giảm thương mại toàn cầu. Việt Nam có 9 mặt hàng xuất khẩu trị giá “tỷ USD” nhưng chỉ có 2 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao gồm giày dép và đồ gỗ. Một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực là điện thoại di dộng giảm tới 4,6% cũng khiến chỉ số xuất khẩu không được như kỳ vọng. Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như: gạo giảm trên 26%; hạt điều giảm trên 15%, cà phê trên 15%...“Năm 2019, quy mô ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính, quang học ổn định, không còn yếu tố tăng đột biến cho thấy ngành đã bắt đầu chững lại”, ông Phạm Đình Thuý cho hay.

Còn theo ThS. Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế, sở dĩ GDP quý I năm 2019 thấp hơn cùng kỳ năm 2018 xuất phát từ nguyên nhân chính là do năm 2018 nền kinh tế ghi nhận những doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) lớn như Samsung, Formosa...bắt đầu vận hành một số tổ hợp sản xuất, giúp cho GDP quý I/2018 tăng cao. Đến nay, khi những tổ hợp này đi vào sản xuất ổn định thì phần gia tăng không còn, do đó không có yếu tố đột biến để tăng trưởng cao hơn, hay nói cách khác là động lực tăng trưởng đang tới hạn.

“Hiện động lực tăng trưởng tương tự như Samsung hay Formosa hoặc những dự án “khủng” là chưa có, do đó, nền kinh tế không có con đường nào khác hơn là sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố chính đó là nhu cầu tiêu thụ của nước ngoài (tức là xuất khẩu) và tăng tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế thế giới đang có xu hướng chững lại và giảm, điều đó có nghĩa xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó có được kỳ vọng tăng trưởng tốt như 2017-2018; trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước thì dư địa để tăng tiêu dùng là hạn chế. Đây là yếu tố ảnh hưởng, hạn chế đến tốc độ tăng trưởng chung”, ông Minh phân tích.

Triển vọng tăng trưởng không “sáng” như năm 2018

Đánh giá về triển vọng kinh tế năm 2019, báo cáo Đánh giá kinh tế thường niên 2018 do Trường Đại học Kinh tế quốc dân công bố mới đây dự báo, kinh tế năm 2019 có thể không đạt được tốc độ tăng trưởng tốt như năm 2018, trong khi lạm phát năm 2019 có thể cao hơn năm 2018 do có sức ép gia tăng.


GDP quý I thấp, tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại? - Ảnh 2.

PGS. TS. Tô Trung Thành, Trưởng khoa Quản lý khoa học, Đại học Kinh tế quốc dân

“Kinh tế Việt Nam năm 2019 sẽ đối diện với nhiều thách thức, do môi trường kinh doanh chưa có nhiều cải thiện đáng kể và thực chất. Tăng trưởng của kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào khu vực FDI trong khi khu vực tư nhân được coi là động lực của tăng trưởng nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, rào cản phát triển. Bên cạnh đó, tác động của chính sách tài khóa, thâm hụt ngân sách và nợ công cũng có thể ảnh hưởng đến dư địa của không gian tài khóa và chính sách của Chính phủ, từ đó có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế năm nay”, PGS. TS. Tô Trung Thành, Trưởng khoa Quản lý khoa học, Đại học Kinh tế quốc dân nhận định.

PGS. Tô Trung Thành cho rằng, năm 2018 sản lượng thực tế đã vượt quá sản lượng tiềm năng. Sản lượng tiềm năng hiện chỉ ở mức 6,6-6,8% GDP nên nếu tiếp tục dựa vào quản lý tổng cầu để gia tăng tăng trưởng thì trong năm 2019 và các năm tiếp theo có thể sẽ có sức ép đối với tỷ giá và lạm phát. Do đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể sẽ ko “sáng” như năm 2018.

Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong năm 2019, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với khá nhiều trắc trở. Trước hết, đó là sự biến động của kinh tế thế giới như cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung chưa kết thúc; giá cả nhiên liệu thế giới phụ thuộc vào nguồn cung, giá dầu tăng do hiện nay các nước OPEC đang siết nguồn cung; đồng thời, dự trữ của các nước Âu Mỹ thấp dẫn tới dầu tăng cao, cản trở tăng trưởng GDP.

GDP quý I thấp, tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại? - Ảnh 3.

PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế 

“Sự bất ổn của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố ổn định lãi suất… cũng có thể ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam... Trong khi đó, trong nước đang diễn ra Dịch tả lợn châu Phi, đây là nguồn thực phẩm quan trọng trong chuỗi lương thực thực phẩm của Việt Nam, tạo ra hạn chế sản lượng rất lớn, khả năng tăng giá thời gian tới sẽ cao và phát triển sẽ tăng chậm lại. Những hạn chế này dự báo sẽ tạo ra thách thức lớn cho tăng trưởng kinh tế năm 2019 trong việc đạt được chỉ tiêu của Quốc hội đề ra”, PGS. Ngô Trí Long chỉ rõ.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hiện động lực, tiềm năng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều, nhưng vấn đề là chúng ta phải làm sao để khai thác hết các tiềm năng tăng trưởng đó. Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng, muốn đạt đạt tăng trưởng cao, tăng trưởng nóng thì phải tạo ra yếu tố đột biến nhân tạo, nghĩa là phải kích cầu thông qua đầu tư, các gói kích thích tín dụng của Chính phủ,... tuy nhiên, điều này lại đối mặt với nguy cơ lạm phát.

“Nếu không có kích thích nhân tạo thì buộc phải kiên trì đi theo con đường trọng cung, tập trung vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), tăng tốc cổ phần hóa, thu hút đầu tư... Đơn cử, DNNN tìm được cách thức để thu hút đầu tư FDI, qua đó Nhà nước có thể rút vốn đó ra đầu tư hạ tầng để thúc tăng trưởng. Đây là con đường căn cơ, không kích thích lạm phát nhưng tốc độ chậm. Nếu kiên trì thì có thể đẩy được mức tăng trưởng cao hơn một chút so với tăng trưởng tiềm năng hiện nay là 6,4-6,5% lên mức 6,6-6,7%”, ông Đinh Tuấn Minh khuyến nghị./.

Theo Cẩm Tú

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên