MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GDP quý III vượt xa kỳ vọng, vì sao chứng khoán vẫn đỏ rực?

Nhiều cổ phiếu tiếp tục giảm sâu

Nhiều cổ phiếu tiếp tục giảm sâu

Dù có thông tin tích cực khi tăng trưởng GDP quý III/2022 của Việt Nam được công bố ở mức rất cao 13,67% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thị trường chứng khoán vẫn đỏ rực, rơi xuống mức thấp nhất từ tháng 2-2021, hàng loạt cổ phiếu hôm nay lại nằm sàn...

Trái ngược với kỳ vọng của các nhà đầu tư về một phiên giao dịch tăng điểm mạnh, VN-Index ngày 29-9 tiếp tục giảm thêm 17,55 điểm xuống còn 1.126 điểm, đục thủng đáy tháng 7-2022 một cách dễ dàng. Thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức thấp khi đạt hơn 11.232,78 tỉ đồng.

Hàng loạt nhà đầu tư cá nhân hoảng loạn, không biết chuyện gì đã xảy ra khi tài khoản của ngày càng âm nặng, cổ phiếu giảm một mạch 20%-30% mà chưa có dấu hiệu hồi phục.

Báo Người Lao Động đã trao đổi nhanh với ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI), để tìm hiểu lý do thị trường ngày càng giảm sâu bất chấp những thông tin tích cực của nền kinh tế.

GDP quý III vượt xa kỳ vọng, vì sao chứng khoán vẫn đỏ rực? - Ảnh 1.

Ông Đỗ Bảo Ngọc

- Phóng viên Báo Người Lao Động: Thị trường đóng cửa với phiên giảm điểm thứ 5 liên tiếp gây bất ngờ với các nhà đầu tư vì trái ngược với kỳ vọng phục hồi nhất là trong bối cảnh tăng trưởng GDP Quý III/2022 vừa được công bố ở mức rất cao 13,67%?

- Ông Đỗ Bảo Ngọc: Thị trường chứng khoán hiện nay phụ thuộc rất lớn vào tâm lý của các nhà đầu tư. Trong khi đó, tâm lý nhà đầu tư đang khá tiêu cực, nhiều người thua lỗ lớn nên mất niềm tin vào thị trường, chỉ muốn bán hết cổ phiếu để thu tiền về. Vì vậy. xu hướng thị trường rất khó dự báo và giá cổ phiếu liên tiếp, chưa thấy điểm dừng.

Khối ngoại cũng tác động tiêu cực tới thị trường khi họ tiếp tục bán ròng 158 tỉ đồng, nối dài chuỗi bán ròng 7 phiên liên tiếp. Trong điều kiện tâm lý yếu, dòng tiền bị bó hẹp càng khiến thị trường thêm xấu.

Việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành gần đây và các ngân hàng tăng lãi suất huy động cũng khiến một số nhà đầu tư rút tiền ra khỏi chứng khoán để gửi tiết kiệm cho an toàn. Hạn mức (room) tín dụng hạn chế cũng ảnh hưởng đến dòng tiền vào thị trường, dòng tiền mua mới khá thận trọng, hạn chế. Niềm tin của nhà đầu tư ở mức thấp.

Do đó, ngay cả thông tin kinh tế tốt ra cũng không phản ánh và lan tỏa tới thị trường.

- Chỉ số VN-Index tới thời điểm hiện tại đang phá vỡ hết các dự đoán trước đó, vậy mốc tiếp theo sẽ có thể giảm về bao nhiêu?

Mốc hỗ trợ sắp tới sau khi VN-Index thủng mốc 1.140 điểm, theo tôi, sẽ là vùng 1.080 - 1.100 điểm, tương ứng với vùng MA 200 tuần (mức bình quân của 200 tuần, khoảng 4 năm nay).

- Theo ông, có sự mâu thuẫn không khi các chuyên gia cả trong và ngoài nước đều đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại đang ở mức hấp dẫn nhưng nhà đầu tư lại mất niềm tin và chỉ số VN-Index tiếp tục phá đáy mới?

- Không hẳn có sự mâu thuẫn. Bởi với những người đầu tư dài hạn thì thị trường hiện tại là hấp dẫn nhưng trong ngắn hạn thị trường có thể giảm thêm nên sẽ là rủi ro. Nhà đầu tư cá nhân đa số lại giao dịch ngắn hạn nên họ sẽ cân nhắc khi nào thị trường tạo đáy xong mới tham gia; trong khi nhà đầu tư dài hạn lại nhìn vào doanh nghiệp tốt, cổ phiếu hôm nay đã về vùng giá hấp dẫn, chiết khấu đủ chưa… để mua dần. Nhà đầu tư tổ chức thường mua dần những cổ phiếu tốt từ giờ cho đến khi thị trường tạo đáy đi lên, vì họ mua với số lượng lớn.

Các nhà đầu tư tổ chức họ có phương pháp đầu tư khác với những nhà đầu tư ngắn hạn. Đồng thời, ở thời điểm này, tâm lý thận trọng chung của nhà đầu tư có thể là chờ mức chiết khấu đủ hấp dẫn thì dòng tiền mới trở lại.

Thực tế, số dư tiền mặt trong tài khoản của các nhà đầu tư chứng khoán tính đến cuối tháng 8-2022 lên tới 90.000 – 100.000 tỉ đồng. Vấn đề là niềm tin để họ trở lại thị trường hay chưa thì chưa rõ, trong khi tâm lý của đa số nhà đầu tư là chờ mua ở vùng giá thấp hơn. Và khi dòng tiền chưa đủ mạnh thì thị trường sẽ chưa rõ đáy trung hạn ở đâu.

Còn quan điểm cá nhân của tôi, mức 1.080 – 1.100 điểm có thể là vùng hỗ trợ đủ mạnh.

Xin cám ơn ông!

Theo Thái Phương

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên