MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GDP tăng cao nhưng nhiều bất ổn

Việt Nam thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh trong khu vực và thế giới. Theo các chuyên gia kinh tế, GDP là thước đo quy mô một nền kinh tế nhưng không phải tất cả. Việt Nam cần cải thiện chất lượng tăng trưởng, giảm phụ thuộc khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, nâng cao hiệu quả đầu tư công…

TS. Võ Trí Thành
TS. Võ Trí Thành
Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương
111 bài viết

GDP phụ thuộc vào đâu?

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2018 đạt mức hơn 7% (cao nhất kể từ năm 2008). GDP 9 tháng đầu năm 2019 tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong 9 năm trở lại đây. Trong các yếu tố cấu thành tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2019, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp ít nhất, do hạn hán, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng cây trồng.

Tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chính của tăng trưởng toàn nền kinh tế với mức tăng 11,3%. Sau nhiều năm giảm, năm 2019 ngành khai khoáng tăng cao trở lại do tăng cường khai thác than để bù lại sự sụt giảm sản lượng khai thác dầu khí.

“Điểm bất cập của GDP chỉ nói được sức sản xuất trong “lòng biên giới” quốc gia, không phân tách được khoản thu nhập mà nhà đầu tư nước ngoài thu được tại Việt Nam rồi chuyển ra nước ngoài; hay việc đào đường lên rồi lại lấp xuống cũng được tính vào GDP”, Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

Dù kinh tế đạt mức tăng trưởng cao trong 9 tháng đầu năm 2019, nhưng đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cảnh báo những bất ổn bên trong động lực tăng trưởng vừa qua. “Công nghiệp chế biến- chế tạo đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng tính theo điểm phần trăm, nhưng tôi nhìn thấy vai trò của khai khoáng đã trở lại đáng kể sau 3 năm tăng trưởng âm và tồn kho tăng nhanh. Có nghĩa là, các doanh nghiệp sản xuất nhiều nhưng chưa tạo được sức mua trên thị trường. Tốc độ tăng trưởng nhanh chưa có nhiều dấu ấn từ gia tăng chất lượng”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) nhìn nhận.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM cũng cảnh báo, cả 3 động lực chính của tăng trưởng là xuất khẩu, đầu tư nhà nước và đầu tư nước ngoài đều đang bộc lộ những mối lo, thậm chí là bất ổn. Ông Cung dẫn ví dụ, xuất khẩu giữ đà phục hồi tăng trưởng, thặng dư thương mại vượt hơn cùng kỳ năm 2018 và Mỹ là thị trường cứu cánh cho xuất khẩu Việt Nam với mức tăng 26,6%. Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường EU giảm 1,9%; Trung Quốc giảm 2,9%... Điều này khiến kinh tế Việt Nam rơi vào thế bất định và rủi ro nhất. Ông Cung cho rằng, khi phân tích xuất khẩu, không thể nhìn chung chung, mà phải nhìn rõ vào từng thị trường để thấy, tình trạng này không thể kéo dài.

Tăng trưởng nhưng chậm phát triển

Theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, nền kinh tế Việt Nam còn đối mặt nhiều thách thức như “điểm nghẽn” chậm giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư công giải ngân được 247.000 tỷ đồng, đạt khoảng 60% vốn kế hoạch được giao.

“Vốn đầu tư công tăng 1% sẽ giúp GDP tăng 0,6%. Những tháng cuối năm 2019, Tổng cục Thống kê đề nghị cơ quan chức năng tập trung xử lý điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2019, góp phần vào tăng trưởng kinh tế”, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Tổng cục Thống kê) kiến nghị.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho biết, theo thông lệ quốc tế, GDP hiện nay được tính theo 3 phương pháp. Đó là phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng và phương pháp thu nhập. Trước đây, GDP của Việt Nam được tính theo phương pháp sản xuất nhưng sau đó đã thay đổi cách tính, dùng cả phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng. Tuy nhiên, Việt Nam chưa phản ánh chính xác bức tranh kinh tế qua cách tính này khi nhiều khoản như phân bổ trả lãi tiền gửi, trợ cấp cho sản phẩm... chưa được trừ trong bảng cân đối liên ngành.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, GDP được tính theo phương pháp nào thì cũng có ý nghĩa và hàm ý chính sách riêng có. Ông Thành chỉ ra, điểm bất cập của GDP chỉ nói được sức sản xuất trong “lòng biên giới” quốc gia, không phân tách được khoản thu nhập mà nhà đầu tư nước ngoài thu được tại Việt Nam rồi chuyển ra nước ngoài; hay việc đào đường lên rồi lại lấp xuống cũng được tính vào GDP.

Bất cập của GDP có thể thấy rõ qua việc tính toán nguồn vốn đầu tư công vào GDP. Tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội quý 3/2019, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, đầu tư vào dự án chậm tiến độ như đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đều được tính vào GDP.

Theo ông Lâm, trị giá thi công của các dự án đầu tư công có vốn đầu tư lớn đều được tính vào GDP. Dù đã đầu tư số tiền lớn từ ngân sách nhà nước vào các dự án đầu tư công như đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2 nhưng các dự án này đều chưa đi vào hoạt động. Một lượng vốn đầu tư công lớn đổ vào các dự án dở dang đều được tính vào GDP và được đánh giá tăng trưởng. Tuy nhiên, những đồng vốn đầu tư vào dự án như vậy không thúc đẩy quá trình phát triển, cải thiện cuộc sống người dân.

Theo Ngọc Linh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên