MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GDP Trung Quốc suy giảm lần đầu tiên kể từ những năm 1970

17-04-2020 - 15:58 PM | Tài chính quốc tế

Kể từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước, kinh tế Trung Quốc chưa bao giờ rơi vào tình trạng này.

Đại dịch virus corona đã đẩy nền kinh tế Trung Quốc vào quý suy giảm lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ. Với kinh tế thế giới vẫn đang bị Covid-19 tàn phá, Trung Quốc giờ phải dựa vào lực cầu nội địa mong manh để tìm kiếm đà hồi phục.

Theo số liệu thống kê chính thức vừa được công bố sang nay, GDP quý I giảm 6,8% so với 1 năm trước, tệ nhất kể từ năm 1992, khi số liệu bắt đầu được thống kê và giảm mạnh hơn so với con số dự báo giảm 6% được đưa ra trước đó. Kể từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước, kinh tế Trung Quốc chưa bao giờ rơi vào tình trạng này.

Doanh số bán lẻ giảm 15,8% trong tháng 3 do người tiêu dùng vẫn e dè, trong khi đầu tư giảm 16,1% trong 3 tháng đầu năm. Dấu hiệu tươi sáng hơn là sản lượng công nghiệp giảm nhẹ hơn dự báo do các nhà máy đã hoạt động trở lại.Tỷ lệ thất nghiệp cũng đã giảm từ mức kỷ lục 6,2% trong tháng 2 xuống còn 5,9% trong tháng 3, cho thấy Trung Quốc đã tránh được làn sóng sa thải như ở Mỹ, nơi 22 triệu người đã mất việc kể từ khi cuộc khủng hoảng diễn ra.

GDP Trung Quốc suy giảm lần đầu tiên kể từ những năm 1970 - Ảnh 1.

Giới phân tích nhận định cả hai lĩnh vực bán lẻ và công nghiệp cho thấy kinh tế Trung Quốc đã hồi phục nhẹ so với 2 tháng đầu năm quá tồi tệ. Có vẻ hoạt động kinh tế đã ổn định trở lại.

Theo Louis Kuijs, chuyên gia của Oxford Economics, đà hồi phục sẽ tiếp tục nhưng diễn ra khá chậm chạp do lực cầu yếu ớt và nhu cầu của thị trường nước ngoài giảm mạnh. Mặc dù xuất khẩu giảm nhẹ hơn dự báo trong tháng 3 và năng lực sản xuất dần hồi phục, những cơn gió ngược vẫn chờ ở phía trước do nhiều nước trên toàn thế giới vẫn đang phong tỏa.  

Để giảm thiểu thiệt hại, Trung Quốc đã tung ra một loạt biện pháp hỗ trợ cả về tài khóa và tiền tệ, dù ở quy mô khiêm tốn hơn các nước khác.

Giờ điều quan trọng nhất đối với kinh tế Trung Quốc là liệu người tiêu dùng có sẵn sàng chi tiêu hay không trong mối lo ngại virus có thể bùng phát trở lại khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh dần được nới lỏng. Những gì diễn ra ở tâm dịch Vũ Hán cho thấy quá trình hồi phục sẽ khá chậm chạp. Mặc dù các nhà máy ở Vũ Hán chạy 24/7, người tiêu dùng rất dè dặt xuống phố và hạn chế mua sắm.


Tú Anh

Trở lên trên