MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gelex chờ đợi gì ở Viglacera?

17-06-2020 - 09:30 AM | Doanh nghiệp

Một khi hoàn tất chi phối và hợp nhất, Viglacera sẽ là dư địa rất lớn để Gelex giải quyết hai bài toán về cấu trúc hoạt động: tài chính và lĩnh vực kinh doanh.

Sớm hoàn tất "deal" khủng

Tổng công ty CP Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex) ngày 18/6 tới đây sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. Một nội dung đáng chú ý được trình bày trong báo cáo của cả HĐQT lẫn Tổng giám đốc là Gelex dự kiến hoàn tất mua chi phối Tổng công ty CP Viglacera vào cuối năm nay.

Với kịch bản hợp nhất được Viglacera từ quý IV, Gelex tính toán doanh thu toàn tập đoàn trong năm là 19.600 tỷ đồng, tăng 28% so với thực hiện năm 2019.

Hiện nay Gelex nắm 24,97% cổ phần Viglacera, thông qua sở hữu trực tiếp (5,54%) và gián tiếp qua công ty con Gelex Electric (19,43%). Cổ đông lớn nhất vẫn là Bộ Xây dựng với tỷ lệ 38,85%.

Gelex chờ đợi gì ở Viglacera? - Ảnh 1.

Kể từ khi Bộ Công thương thoái vốn chi phối vào cuối năm 2015, Gelex đã và đang kiên định với chiến lược M&A những doanh nghiệp đầu ngành, có hiệu quả kinh doanh cao, dòng tiền tốt, như Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh, Nước sạch Sông Đà, Sotrans, Cảng Đồng Nai, gia tăng tỷ lệ sở hữu trong các công ty thành viên Cadivi, Thibidi.

Dễ hiểu là M&A các doanh nghiệp này đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Vốn cổ phần mặc dù đã được tăng đều đặn các năm qua (từ 1.550 tỷ đồng lên 4.882 tỷ đồng), tuy nhiên vẫn không thể khoả lấp nhu cầu đầu tư trên thực tế. Và tất yếu là Gelex phần nào phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính.

Tới cuối quý I/2020, nợ phải trả chiếm 62% tổng nguồn vốn của Gelex, so với 59% cuối năm ngoái và 39% cuối năm 2015. Trong đó, vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn là 9.695 tỷ đồng, nếu cộng cả LC phải trả ngân hàng thì lên tới gần 11.200 tỷ đồng, bằng một nửa tổng tài sản của Gelex và gấp tới 21,5 lần số dư vay nợ tài chính so với cuối năm 2015.

Sử dụng đòn bẩy tài chính dẫn tới chi phí lãi vay tăng mạnh và ăn mòn lợi nhuận của Gelex. Năm 2019, biên lãi gộp trên doanh thu của tổng công ty này ở mức cao kỷ lục: 17,9%, tuy nhiên biên lãi trước thuế trên doanh thu giảm về 7,2%, là năm giảm thứ 3 liên tiếp từ mức đỉnh 13,7% năm 2017.

Tất nhiêu, ưu thế thấy rõ của Gelex là thường xuyên huy động được vốn vay giá rẻ cả trong và ngoài nước. Đơn cử, cuối năm ngoái, Tập đoàn của Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn đã phát hành thành công 1.150 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm với lãi suất cố định 6,95%/năm, được bảo lãnh thanh toán bởi CGIF - một quỹ đầu tư tín thác uy tín thuộc ADB. Hay cuối tháng 5 mới đây là lô trái phiếu 500 tỷ đồng kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định chỉ 6,5%/năm, bên thu xếp là Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam.

Dù vậy, khoản nợ tài chính cả chục nghìn tỷ (chưa có dấu hiệu dừng lại) vẫn là sức ép không nhỏ đối với Gelex. Áp lực trả nợ, lãi và áp lực bài toán hiệu quả từ các cổ đông. Tại Đại hội tới đây, Gelex dự kiến trình phương án không chia cổ tức năm 2019, chắc hẳn sẽ là chủ đề được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.

Gelex chờ đợi gì ở Viglacera? - Ảnh 2.

Tính toán của Gelex

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2019, ông Nguyễn Văn Tuấn và một đại diện khác của Gelex là bà Đỗ Thị Phương Lan được bầu vào HĐQT Viglacera, doanh nhân sinh năm 1984 ngay sau đó ngồi luôn ghế Chủ tịch HĐQT Viglacera, trong khi Bộ Xây dựng với vai trò cổ đông lớn nhất có "chân" Tổng giám đốc.

Với viễn cảnh Bộ Xây dựng thoái vốn theo lộ trình của Thủ tướng, Gelex ngay trong năm 2019 đã đặt ra mục tiêu mua chi phối Viglacera. Việc "ông lớn" này không hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm ngoái, một phần nguyên nhân được cho là bởi chưa hoàn tất được thương vụ Viglacera.

Báo cáo thường niên 2019 và các báo cáo của TGĐ, HĐQT dự kiến trình ĐHĐCĐ thường niên tới đây tiếp tục đề ra kế hoạch mua chi phối Viglacera. Với xấp xỉ 25% sở hữu chính thức, Gelex cần 26%, tương đương 116 triệu cổ phần nữa để trở thành công ty mẹ của Viglacera, xét theo giá thị trường là khoảng 2.200 tỷ đồng. Không loại trừ khả năng nhóm Gelex trên thực tế đã và đang mua gom được một lượng đáng kể cổ phiếu VGC trên sàn và đi "đường tắt", không cần mua lại lô 38,85% của Bộ Xây dựng để sở hữu Viglacera. Lưu ý rằng trên sàn HoSE, mã VGC đã tăng tới 42% từ mức đáy 13.400 đồng/CP cuối tháng 3/2020.

Vậy thì, câu hỏi lớn cần đặt ra đối với cổ đông Gelex, là vì sao tổng công ty này phải hao tài tốn của với mục tiêu Viglacera. Hay trọng tâm hơn, Viglacera có gì hấp dẫn Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn cùng các cộng sự.

Câu trả lời có thể bao gồm hai vế: là tài chính và lĩnh vực hoạt động.

Gelex chờ đợi gì ở Viglacera? - Ảnh 3.

Về tài chính, Viglacera và Gelex có quy mô khá tương đồng, lần lượt là 20.303 tỷ đồng và 22.506 tỷ đồng tổng tài sản; 4.484 tỷ đồng và 4.882 tỷ đồng vốn cổ phần tính tới cuối quý I/2020.

Điểm khác biệt cơ bản nhất là trong khi Gelex đang sử dụng đòn bẩy tài chính khá lớn, thì Viglacera lại có sức khoẻ tài chính ở trạng thái lành mạnh, với vay nợ tài chính tới cuối tháng 3/2020 chỉ là 2.250 tỷ đồng, chỉ tương đương 11% tổng tài sản. Nếu hợp nhất được Viglacera, Gelex sẽ trở thành một tập đoàn với quy mô tài sản ngót nghét 2 tỷ USD, và quan trọng hơn cả, tỷ lệ vay nợ lúc này sẽ giảm mạnh về chỉ còn khoảng 30%, đồng nghĩa với mở ra dư địa tiếp tục sử dụng đòn bẩy tài chính nếu cần thiết.

Về cấu trúc hoạt động, Gelex mới đây đã thông qua chủ trương bán mảng logistics và dự thu về khoảng 1.800 tỷ đồng, bên cạnh thu xếp vốn cho thương vụ Viglacera, thì cũng để hoàn thiện tái cấu trúc hoạt động. Nếu như trước đây, Gelex thành lập 4 subholdings là Công ty TNHH Thiết bị điện Gelex (Gelex Electric), Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex (Gelex Energy), Công ty TNHH MTV Gelex Land và Công ty TNHH MTV Gelex Logistics, để phụ trách 4 mảng tương ứng là thiết bị điện, năng lượng, bất động sản, và logistics, thì nay chỉ còn hai nhánh chính là sản xuất công nghiệp và hạ tầng.

Sản xuất công nghiệp được phụ trách bởi subholdings Gelex Electric, gồm sản xuất thiết bị điện và vật liệu xây dựng; subholdings Gelex Energy chịu trách nhiệm quản lý các mảng nước sạch, năng lượng, bất động sản và khu công nghiệp.

Hợp nhất Viglacera sẽ giúp Gelex tạo ra giá trị cộng hưởng lớn xuất phát từ quy mô và lợi thế của các bên, mà rõ nhất là thực hiện chiến lược phát triển khu công nghiệp và các tiện ích đi kèm, phát triển bất động sản giá rẻ, nhà ở xã hội mà Viglacera đã "lận túi" được không ít kinh nghiệm cũng như uy tín trong cả hai lĩnh vực này.

Trương Lương

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:
Trở lên trên