Geleximco muốn cùng đối tác Trung Quốc xây sân bay Long Thành: Bộ Giao thông nói gì?
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc chọn nhà đầu tư sẽ được tiến hành sau khi được Quốc hội, Chính phủ thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Còn giai đoạn hiện tại vẫn chưa tiến hành tuyển chọn nhà thầu...
- 02-08-2017"Đột nhập" tâm chấn cơn sốt đất xung quanh sân bay Long Thành, chóng mặt với ma trận giá
- 01-08-2017Ủy ban Kinh tế QH làm việc với Đồng Nai về dự án sân bay Long Thành
- 31-07-2017Đất quanh sân bay Long Thành 'sốt vì cò'
Mới đây, Tập đoàn Geleximco của đại gia Vũ Văn Tiền đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải về việc hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng sân bay Long Thành trong 3-5 năm.
Trao đổi với BizLIVE sáng 25/8, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết đây mới chỉ là đề xuất từ phía doanh nghiệp.
Ông Thọ khẳng định bất kỳ doanh nghiệp nào có quan tâm cũng có thể đề xuất, tuy nhiên việc chọn nhà đầu tư sẽ phải được thực hiện đúng quy trình, thủ tục đấu thầu công khai, minh bạch.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang thực hiện chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ trong việc thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, chưa đến giai đoạn tuyển chọn nhà thầu, Thứ trưởng Thọ cho biết.
Theo ông Thọ, việc chọn nhà đầu tư sẽ được tiến hành sau khi được Quốc hội, Chính phủ thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Trong báo cáo dự án sẽ có quy định rõ về về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, các doanh nghiệp có thể căn cứ vào đó để tìm hiểu...
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa đã thay mặt Chính phủ báo cáo tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV về tình hình triển khai dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo đó, công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho giai đoạn 1 của dự án, Chính phủ cho biết đã giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư và cho phép sử dụng nguồn vốn từ Quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp để đấu thầu tư vấn quốc tế, thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của dự án.
Dự án cảng hàng không Long Thành có diện tích sử dụng đất 5.000 ha. Tổng mức đầu cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó, giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).
Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.
Quy mô dự án là đầu tư xây dựng cảng hàng không đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và năm triệu tấn hàng hóa/năm. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Doanh nghiệp đề xuất xây sân bay Long Thành là ai?
Liên danh vừa đề xuất Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải xây sân bay Long Thành đó là CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) và một doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo đó, liên danh này đề xuất với Thủ tướng thực hiện dự án sân bay Long Thành theo hình thức đối tác công tư (PPP) và cam kết đưa dự án vào vận hành trong thời gian xây dựng từ 3-5 năm với giá thành đầu tư thấp nhất cho một sân bay mới hiện đại.
Trước đó, Tập đoàn Geleximco cùng đối tác Hồng Kông là Công ty TNHH Hong Kong United Investors Holding (HUI) cũng đã từng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông lớn tại Việt Nam.
Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một trong số những dự án từng được đề nghị xây dựng bên cạnh các dự án như đường cao tốc Bắc Nam đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh và TP.HCM đến Khánh Hòa; Dự án đường bộ cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam.
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Geleximco cho biết, HUI là doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh và có mối quan hệ tốt, được tài trợ vốn từ các công ty quản lý quỹ đầu tư tài chính lớn của Hồng Kông như Huarong Oversea Investment; China Minsheng Financial; China Orient Asset Management International... HUI cũng có nhiều kinh nghiệp đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông và các cảng hàng không quốc tế.
Theo giấy đăng ký kinh doanh, HUI là doanh nghiệp của Hồng Kông có tên là Công TNHH Hong Kong United Investors Holding. Công ty này mới được thành lập hồi đầu năm 2016 và để chuẩn bị lộ trình đầu tư tại Việt Nam, HUI đã thành lập Công ty TNHH MTV Hong Kong United Investoer Holding Việt Nam vào ngày 15/8/2016.
Công ty có vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng, chuyên ngành xây dựng, đường sắt, đường bộ và hoàn thiện các công trình xây dựng. Trụ sở công ty con này được đặt tại tòa nhà 36 Hoàng Cầu (Hà Nội) của Geleximco Tổng giám đốc là ông Gao Xiang Ping, sinh năm 1969, quốc tịch Trung Quốc.
BizLive