MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gen Z: Hy vọng hay lực cản đối với tham vọng hùng cường của Trung Quốc

01-08-2022 - 09:38 AM | Tài chính quốc tế

Tỷ lệ người trẻ thất nghiệp tại khu vực thành thị Trung Quốc ngày một cao, hiện gấp hai lần so với Mỹ.

Thế hệ trẻ của Trung Quốc được kỳ vọng giúp hiện thực hóa tham vọng đưa quốc gia đông dân nhất thế giới trở thành một nền kinh tế phát triển, mạnh về công nghệ và giàu sức sáng tạo. Tuy nhiên, khoảng 15 triệu người trẻ tại quốc gia này đang rơi vào cảnh thất nghiệp, trong đó phần lớn đang dần hạ thấp tham vọng nghề nghiệp của mình.

Một loạt các yếu tố tác động đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm công dân có độ tuổi từ 16 tới 24 tại khu vực đô thị tăng lên ngưỡng cao kỷ lục 19,3%, gấp hai lần so với Mỹ. Chiến lược phòng dịch zero Covid hà khắc của chính quyền Trung Quốc khiến cho nhiều người trẻ phải nghỉ việc, trong khi đó, chiến dịch siết chặt các lĩnh vực công nghệ, bất động sản và giáo dịch khiến cho nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này điêu đứng. Cùng thời điểm đó, 12 triệu sinh viên tốt nghiệp đang chuẩn bị gia nhập thị trường lao động mùa hè này. Lượng nhân lực “khổng lồ” này càng làm trầm trọng hơn tình trạng mất cân xứng giữa số lượng việc làm có sẵn và kỳ vọng của người tìm việc.

Kết quả là, những người trẻ “vỡ mộng” đánh mất niềm tin vào những doanh nghiệp tư nhân và sẵn sàng chấp nhận mức thu nhập thấp hơn trong lĩnh vực nhà nước. Nếu xu hướng này tiếp diễn, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số hai thế giới chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Số lượng lớn người dưới 25 tuổi rơi vào tình trạng thất nghiệp đồng nghĩa với việc lực lượng lao động Trung Quốc sụt giảm từ 2-3%. Thất nghiệp và tình trạng thiếu việc làm sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới kỳ vọng thu nhập của người lao động trong nhiều năm tới.

Gen Z: Hy vọng hay lực cản đối với tham vọng hùng cường của Trung Quốc - Ảnh 1.

Tỷ lệ người trẻ thất nghiệp tại Trung Quốc so với một số quốc gia khác trên thế giới. Ảnh: Bloomberg.

“Nền kinh tế Trung Quốc cần nhiều hơn doanh nhân để phát triển đất nước, theo Zeng Xiangquan, Viện trưởng viện nghiên cứu lao động. Kỳ vọng suy giảm “đang làm tổn hại tới sự phát triển của lực lượng lao động trẻ. Đó không phải là tín hiệu tốt đối với nền kinh tế”.

Trước đại dịch, Xu Chaoqun, 22 tuổi, háo hức với dự định theo đuổi các lĩnh vực việc làm mang tính sáng tạo cao. Tuy nhiên, sau bốn tháng tìm kiếm công việc trong vô vọng, anh dần hiểu được bản chất vấn đề. “Khi đại dịch bùng nổ, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân trở nên bất ổn. Đó là lý do tại sao tôi đã chuyển hướng sang làm việc trong lĩnh vực nhà nước.

Xu không phải trường hợp cá biệt. Có khoảng 39% sinh viên tốt nghiệp chọn các doanh nghiệp nhà nước là ưu tiên sự nghiệp hàng đầu trong năm 2021, theo dữ liệu của công ty tuyển dụng 51job Inc, tăng cao hơn so với con số 25% trong năm 2017.

Đó là phản ứng dễ diểu khi đại dịch có những tác động to lớn tới thị trường việc làm. Nền kinh tế nói chung chịu ảnh hưởng nặng nề từ các đợt phong tỏa và cách ly nghiêm ngặt, nhưng các doanh nghiệp tư nhân có xu hướng sa thải nhân viên nhiều hơn. Trong khi đó, chính sách của Bắc Kinh lại hướng tới việc đẩy mạnh tuyển dụng trong lĩnh vực nhà nước.

Trong chuyến viếng thăm một trường đại học tại tỉnh Tứ Xuyên trong tháng 6, Chủ tịch Tập Cận Bình khuyên những người trẻ nên tránh bỏ qua những công việc có xuất phát điểm thấp vì không ai có thể trở nên giàu có và nổi tiếng chỉ sau một đêm.

Dường như thông điệp đó đang phát huy tác dụng: Kỳ vọng mức lương khởi điểm của các sinh viên mới tốt nghiệp tại Trung Quốc giảm 6% xuống 6.295 nhân dân tệ (tương đương 932 USD/tháng), theo kết quả một cuộc khảo sát của công ty tuyển dụng Zhilian. Các doanh nghiệp quốc doanh thu hút được sự quan tâm lớn từ những người trẻ, công ty này cho biết.

Tuy nhiên, kỳ vọng thu nhập thấp và hiện tượng người trẻ “quay lưng” với lĩnh vực kinh tế tư nhân sẽ là “cơn gió chướng” đối với tăng trưởng trong dài hạn, thách thức mục tiêu tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế Trung Quốc tới năm 2035, đồng thời vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế số một thế giới.

Trào lưu “nằm yên” lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội Trung Quốc trong năm ngoái. Câu khẩu hiệu này khuyến khích người trẻ đứng ngoài cuộc đua việc làm khốc liệt và làm những điều tối thiểu nhất để có thể tồn tại. Nó cũng phản ánh mong muốn đạt được sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc của người trẻ, dù nền kinh tế số hai thế giới đang tăng trưởng chậm lại.

Quan điểm đó “là một sự xoa dịu về mặt tâm lý”, theo Hu Xiaoyue, 24 tuổi, một thạc sĩ tâm lý học. “Khi đó, ngay cả khi bạn thất bại, bạn cũng cảm thấy ít áp lực hơn”. Khu Hu bắt đầu quá trình tìm việc trong tháng 8 năm ngoái, cô có thể dễ dàng được mời tới phỏng vấn. “Nhưng mọi chuyện thay đổi nhiều khi bước sang năm 2022. Tôi chỉ nhận được một lời mời phỏng vấn sau khi đã ứng tuyển vào 10 công ty. Tôi cảm thấy suy sụp”.

Gen Z: Hy vọng hay lực cản đối với tham vọng hùng cường của Trung Quốc - Ảnh 2.

Một hội chợ việc làm tại tỉnh Hà Nam. Ảnh: Getty.


Các doanh nghiệp quốc doanh (SOE) không hẳn tất cả đều kinh doanh thua lỗ. Nhưng nhìn chung, họ hoạt động kém hiệu quả và ít sáng tạo hơn so với những doanh nghiệp tư nhân. Quá trình bùng nổ kinh tế tại Trung Quốc chứng kiến sự suy giảm mạnh trong thị phần tuyển dụng của các SOE tại khu vực đô thị, từ 40% trong năm 1996 xuống hơn 10% trước đại dịch. Tuy nhiên, xu hướng này có thể đã đảo chiều.

Trong năm 2021, Trung Quốc khởi động chiến dịch “thanh trừng” một loạt các lĩnh vực đang trong giai đoạn thăng hoa và sở hữu nhiều doanh nghiệp tầm cỡ thế giới. Theo thông tin thu thập được, top 5 doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực giáo dục đã sa thải 135.000 nhân sự trong năm ngoái. Các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu hầu như không gia tăng tuyển dụng. Sức hấp dẫn của lĩnh vực công nghệ đang ngày một phai tàn.

Là một sinh viên tốt nghiệp từ trường Đại học quốc gia Bắc Kinh danh tiếng, Hu ban đầu nhắm tới lĩnh vực công nghệ và thực tập tại một số doanh nghiệp lớn trong đó có Beijing Kuaishou Technology Co. Nhưng cô đã thay đổi quyết định. “Những người làm việc trong các công ty công nghệ đều lo lắng về tương lai của mình, vì họ có thể bị sa thải bất cứ lúc nào. 

Lĩnh vực quốc doanh tuyển dụng khoảng 80 triệu lao động và con số này có thể tăng thêm 2 triệu người trong năm nay, theo Lu Feng, Chuyên gia kinh tế lĩnh vực lao động tại trường Đại học Bắc Kinh. “Nhưng so với tổng thị trường việc làm, đây vẫn là một con số tương đối nhỏ. Các doanh nghiệp tư nhân vẫn cần phải đẩy mạnh tuyển dụng”.

Nhưng điều đó chỉ xảy ra khi nền kinh tế phát triển. Để hoàn thành mục tiêu tuyển dụng, các chuyên gia kinh tế nhận định GDP của Trung Quốc cần tăng trưởng từ 3-5% trong năm nay. Họ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc có thể đạt 4% nhưng con số này hoàn toàn có thể sụt giảm trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chiến lược zero Covid.

Bắc Kinh cũng đã xây dựng một loạt các chương trình thúc đẩy thị trường lao động, tương tự như ở châu Âu trong suốt đại dịch thông qua việc miễn, giảm hoặc hoãn thuế, thậm chí hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các doanh nghiệp cam kết tuyển dụng nhiều người lao động. Tuy nhiên, con số trợ cấp cho mỗi người lao động mới tại Trung Quốc chỉ dừng lại ở ngưỡng 1.500 nhân dân tệ. Khoản tiền hỗ trợ từ chính quyền các địa phương dành cho các sinh viên khởi nghiệp cũng đương đối hạn chế, ví dụ, 10.000 nhân dân tệ tại tỉnh Quảng Đông.

Ngay cả khi Trung Quốc có thể bứt phá mạnh mẽ trong nửa cuối nay, tình trạng người trẻ thất nghiệp vẫn sẽ tiếp diễn. Tỷ lệ này liên tục tăng từ năm 2017 và chạm ngưỡng 12% trước khi đại dịch bùng phát.

Số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm tại Trung Quốc tăng lên gấp 10 lần trong hai thập kỷ vừa qua, nhanh nhất trên toàn thế giới. Tỷ lệ người trẻ Trung Quốc theo học tại các trường đại học, cao đẳng hiện ở ngưỡng 60%, tương đương các quốc gia đang phát triển trong khi số lượng người trẻ tốt nghiệp các trường đào tạo nghề thấp hơn rất nhiều.

Gen Z: Hy vọng hay lực cản đối với tham vọng hùng cường của Trung Quốc - Ảnh 3.

Số lượng sinh viên theo học tại các trường đại học chính quy và tốt nghiệp ngày càng cao. Ảnh: Bloomberg.


Đó là nguyên nhân doanh nghiệp sản xuất liên tục phàn nàn về tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề. “Không có nhiều ứng cử viên vào các vị trí công việc như thợ điện, thợ hàn”, theo Jiang Cheng, chủ một đại lý đồ điện tử.

Trong khi đó, một số lĩnh vực khác lại có quá đông người trẻ quan tâm. Theo một khảo sát thực hiện trong năm 2021 đối với 20.000 người tìm việc, 43% trong số họ muốn làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, lĩnh vực chỉ chiếm 16% nhu cầu tuyển dụng trên toàn thị trường. Có tới 50% số lượng ứng viên có bằng cử nhân nhưng chỉ có 20% công việc yêu cầu tiêu chí đó.

Trung Quốc đang nới lỏng chiến dịch “thanh trừng” và thông qua bộ luật nhằm nâng cao tiêu chuẩn đào tạo chuyên môn trong năm nay nhằm giải quyết tình hình.

Tuy nhiên, sự thay đổi trong tư tưởng của người trẻ là điều khó có thể được cải thiện.

Kay Lou, 25 tuổi, ứng cử viên lý tưởng cho bất cứ công việc hàng đầu nào trong lĩnh vực kinh tế tư nhân khi sở hữu bằng thạc sĩ luật của trường Đại học Thanh hoa và từng thực tập cho một công ty luật, một ông lớn công nghệ, một công ty môi giới chứng khoán và một tòa án. Nhưng cuối cùng, cô ấy lại chọn một công việc nhà nước tại tỉnh Chiết Giang.

“Tôi cảm thấy những công việc trước đó của tôi không nhiều ý nghĩa. Tôi cảm thấy không thỏa mái với mô hình làm việc tư bản, do đó, tôi chọn trở thành một công chức”.

Theo Trọng Đại

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên