Gen Z mới đi làm, “năm mới chỉ đặt mục tiêu kiếm 20 triệu đồng/tháng"
Còn bạn, bạn đặt mục tiêu kiếm được bao nhiêu tiền mỗi tháng?
- 10-02-2024Gặp nhau đầu năm với sếp Hoàng Nam Tiến: Gen Z + Gen AI = X Human - một thế hệ CON NGƯỜI MỚI!
- 04-02-2024Gen Z "đốt sức” để kiếm 100 triệu/tháng: Vài điều ngộ ra từ áp lực tiền bạc để bước vào 2024 vững bước hơn
- 24-01-2024Hé lộ dàn line-up đầu tiên sẽ trình diễn tại Gala WeChoice Awards 2023: Đỉnh lưu hội tụ, Gen Z rất mê!
Sang năm mới, đặt ra cụ thể mục tiêu kiếm được bao nhiêu tiền hàng tháng là một ý tưởng tốt để hướng đến hành trình làm giàu và đạt tự do tài chính. Trong số đó, kiếm được 20 triệu đồng/tháng trở thành mục tiêu ưa thích của những bạn trẻ độc thân trước tuổi 25. Bởi với họ, đây không phải là con số quá khó kiếm, tuy nhiên cũng không phải dễ dàng để họ buông lơi việc trau dồi bản thân và tiết kiệm tiền.
Nghỉ làm “bà chủ" cửa hàng để tìm công việc văn phòng lương 20 triệu/tháng
Đó là KPI mà Thu Huyền (24 tuổi) đặt ra trong danh sách cần làm trong năm mới. 2023 là một năm nhiều biến động với Thu Huyền khi cô nàng rời công việc văn phòng trong lĩnh vực Tài chính ở Hà Nội, để chuyển về quê nhà Hải Phòng trở thành “con buôn", tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình.
Năm vừa qua là sự biến động không chỉ về mặt tài chính mà còn là cảm xúc của Thu Huyền. Cô gọi đó là một chuyến tàu “cảm xúc", lúc lên lúc xuống đi cùng với sự tăng giảm của thu nhập.
Tháng 3/2023, Thu Huyền chia tay bạn bè và người thân để chuyển về quê nhà Hải Phòng buôn bán. Nguyên nhân là bởi cô cảm thấy “ngột ngạt" với cuộc sống văn phòng làm việc từ 9h sáng - 5h tối và khó tìm thấy sự kết nối với đồng nghiệp. Thêm nữa, từ lâu cô hiểu mình lên Hà Nội học tập và đi làm văn phòng để lấy kiến thức, kỹ năng cuộc sống, sau này phục vụ công việc kinh doanh.
Trở về quê nhà Hải Phòng, cô tiếp quản một cửa hàng tạp hoá của gia đình với quy mô tương đối lớn. Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người bạn cho rằng Thu Huyền trở thành “bà chủ” sẽ nhàn lắm. Nhưng thực tế, khối lượng công việc và áp lực của Thu Huyền lớn hơn gấp bội so với thời điểm làm văn phòng.
Thu Huyền nói: “Đầu tiên về khối lượng công việc. Trước kia làm dân văn phòng mình không áp lực gì, 5h chiều tan làm là dẹp hết công việc sang một bên. Tuy nhiên, giờ mình chuyển sang kinh doanh, làm từ 8h sáng đến 10h tối mới xong hết việc. Công việc và cuộc sống ‘hoà nhập' vào làm một, không còn ranh giới.
Áp lực cũng nhiều hơn. Bởi giờ mình làm công việc nghiêm túc, chứ không ‘cho vui' giống như trước. Mọi người thường nghĩ mình làm cho người nhà thì áp lực nỗi gì? Tuy nhiên nếu doanh số giảm thì mẹ mình sẽ nhắc nhở ngay, chứ không phải vì mình làm mà mọi thứ sẽ được nhẹ nhàng hơn".
Sở dĩ Thu Huyền làm nhiều việc hơn bởi ngoài quản công việc buôn bán tại cửa hàng, Thu Huyền còn cùng mẹ livestream bán hàng trên TikTok. Có những ngày, cô làm đến 2 phiên livestream bán hàng liên tục. “Mẹ mình chính là người gợi ý làm livestream bán hàng, chứ không phải người trẻ tuổi như mình đâu. Phận làm con, mình tự ý thức không được lười biếng và phải update kiến thức, nhạy bén không kém mẹ", Thu Huyền nói.
Công việc buôn bán ổn định, do đó Thu Huyền kiếm được 20 - 25 triệu đồng/tháng từ lợi nhuận kinh doanh. Tiền lương tăng, được làm công việc đam mê từ lâu. Nhưng Thu Huyền vẫn thấy… chán và dự tính sẽ quay lại công việc văn phòng như trước vào năm mới - một điều mà trước khi nghỉ việc, cô chưa bao giờ tính đến.
Cô gái giải thích: “Vì mình dành trọn thời gian cho buôn bán nên mình chỉ có thể ở cửa hàng. Hàng ngày, ngoại trừ gia đình, mình chỉ nói chuyện xã giao với người mua hàng và các đối tác làm ăn. Nhất là khi có phiên livestream, ngồi ở trong phòng, mình cảm thấy bản thân bị cô lập bởi 4 bức tường.
Mình thấy chán, muốn quay lại cuộc sống ở Hà Nội để giao tiếp lại với đồng nghiệp và bạn bè. Nhưng mình cũng phân vân, nếu quay lại cuộc sống văn phòng, liệu mình có thể hòa nhập được với chúng? Và việc đi làm văn phòng có thể ngăn cản sự nghiệp kinh doanh riêng của mình hay không?
Mình từng stress một thời gian vì chuyện này. Cho đến khi mẹ khuyên mình hãy quay lại Hà Nội, làm việc 2-3 năm, sau đó mới quay lại Hải Phòng để tiếp tục kinh doanh. Mẹ nói cửa hàng vẫn luôn ở đây. Nhưng ở độ tuổi mình, mình cần phải chọn công việc cho mình được gặp những người cùng tuổi và tăng kỹ năng sống".
Do có thu nhập dư dả nên khi quay lại môi trường công sở trong lĩnh vực Tài chính, Thu Huyền đặt mục tiêu kiếm được lương tháng 20 triệu đồng từ công việc này. Cô nghĩ với tiềm năng phát triển của ngành và năng lực bản thân, chỉ cần cố gắng thì sau 1 năm quay lại nghề, mức lương này hoàn toàn có thể đạt được. Tuy nhiên, cô cũng lo ngại kinh tế suy giảm có thể khiến quá trình kiếm tiền từ công việc văn phòng gặp nhiều trở ngại.
Đặt mục tiêu tăng gấp đôi thu nhập
Trái ngược với Thu Huyền, Nguyễn Nam (25 tuổi, Bắc Ninh) lại không có kế hoạch rõ ràng khi hướng đến mục tiêu đạt tổng thu nhập 20 triệu đồng hàng tháng. Hiện Nguyễn Nam đang làm hành chính nhân sự cho một công ty ở Hà Nội với mức lương 10 triệu đồng/tháng.
“Mình mong muốn đa dạng thu nhập hơn để có kiếm được tổng thu nhập 20 triệu đồng. Đó bao gồm tiền lương hàng tháng và khoản gia tăng từ đầu tư, hoặc công việc freelancer”, Nguyễn Nam nói.
So với đầu năm 2023, tiền lương của Nguyễn Nam đã giảm 1/3 so với trước đây và điều này khiến anh chàng tương đối căng thẳng. Nam hiểu, với nhiều người, cột mốc kiếm được 20 triệu đồng/tháng không phải con số quá to tát. Tuy nhiên, Nam muốn bắt đầu từ mục tiêu tài chính mà anh có thể đạt được, tránh cảm giác “vỡ mộng" về bản thân. Điều này càng ý nghĩa hơn với Nam giữa thời điểm suy thoái kinh tế như hiện nay.
Hiện nay, nhiều người cho rằng làm một nghề khiến họ luôn cảm thấy không đủ. Nam đồng tình với quan điểm này. Anh chàng quan điểm: “2023 dạy mình một bài học, rằng làm một nghề sẽ ‘đói’. Mình từng thích sự ổn định, chỉ làm dân công sở rồi nhận lương hàng tháng.
Nhưng việc cắt giảm tiền lương và hoàn toàn không có thưởng Tết vừa qua khiến mình ý thức sâu sắc, làm công ăn lương sẽ không thể làm chủ được cuộc đời. Chỉ có một nguồn thu nhập sẽ khiến mình không yên tâm được nếu có biến cố tài chính nào ập đến”.
Làm sao để hướng đến mục tiêu kiếm 20 triệu đồng/tháng?
Với Thu Huyền, đó là trau dồi kiến thức chuyên môn trong công việc văn phòng. Được biết, hiện tại dù Thu Huyền vẫn chưa tìm thấy công việc mới nhưng cô tin với tiềm năng kiếm tiền từ công việc của mình.
“Mình chấp nhận ban đầu sẽ chỉ kiếm được 10-13 triệu đồng từ công việc văn phòng. Nhưng mình tin với tiềm năng của ngành, cuối năm sau mình có thể chạm mốc 20 triệu đồng/tháng”, cô nàng nói.
Thu Huyền cũng xác định, cô đi làm văn phòng không phải để tìm kiếm hướng đi lâu dài trong ngành Tài chính. Mà cái cô muốn học đó là kỹ năng quản trị doanh nghiệp, kiến thức về dòng tiền và gia tăng kỹ năng mềm. Song song với công việc văn phòng, cô muốn tìm hiểu thêm về livestream - một lĩnh vực mà cô tin sẽ có lợi cho cửa hàng kinh doanh của mình trong tương lai.
“Trước mắt, kiếm được 20 triệu đồng/tháng là mức thu nhập tạm ổn với mình. Còn trong tương lai, mình muốn kiếm được tổng thu nhập khoảng 30-40 triệu đồng/tháng sau 2 năm nữa, khi vẫn còn làm việc tại Hà Nội", Thu Huyền nói thêm.
Trong khi đó, để hướng đến cột mốc 20 triệu đồng/tháng, Đỗ Nam muốn trau dồi kiến thức kiến thức chuyên môn, đồng thời nhận thêm công việc tư vấn bên ngoài. Bên cạnh đó, anh muốn tích lũy được 40% thu nhập hàng tháng để mang đi đầu tư.
“Một công việc kinh doanh nhỏ lẻ là ý tưởng khá thú vị. Tuy nhiên, mình thấy chưa sẵn sàng với kinh doanh và cũng chưa đủ vốn. Thay vào đó, việc học làm Affiliate Marketing và xây dựng thương hiệu cá nhân có thể là lựa chọn phù hợp với mình hơn", Đỗ Nam bày tỏ.
Phụ nữ số