Gen Z ở penthouse, lái Porsche và giàu hơn sếp vẫn miệt mài làm việc 8 tiếng/ngày giữa lúc công ty sa sút
Bản thân có kỹ năng và tư duy, gia đình có điều kiện nhưng những người này vẫn chọn đi làm thuê, chấp nhận ở vị trí để người khác giao việc. Vì sao vậy?
- 07-11-2023Nở rộ phong trào nhờ huấn luyện cuộc đời: Rốt cuộc Gen Z đang phải sống trong xã hội áp lực đến mức nào?
- 07-11-2023Gen Z đầu tư dù chưa tốt nghiệp, đặt mục tiêu tiết kiệm 3 triệu USD để nghỉ hưu trong 20 năm
- 26-09-2023Nỗi khổ không ngờ của Gen Z sau đại dịch: Phải chi hàng chục triệu đồng để 'mua vui'
Rich kid xin làm nhân viên quèn vì muốn tự lập nghiệp
Trần Minh là trưởng nhóm ở công ty kinh doanh công nghệ. Trong một lần tuyển dụng nhân viên bán hàng, anh đã gặp ứng viên sinh năm 2000. Khi người này giới thiệu lý lịch gia đình, anh rất ngạc nhiên, tại sao một người có bố mẹ giàu có như vậy vẫn phải tự mình đi tìm việc?
Anh đem thắc mắc này trực tiếp hỏi ứng viên và nhận được câu trả lời: "Em có cuộc sống của riêng mình. Từ lúc 15 tuổi, mọi quyết định trong cuộc đời đều do em tự chọn và tự chịu trách nhiệm. Đồng thời, em tin mình có khả năng lập nghiệp mà không cần sự giúp đỡ của gia đình, người thân và khiến bố mẹ phải kinh ngạc".
Câu trả lời này thực sự rất thú vị, thể hiện sự quyết tâm và tư duy độc lập của những người vẫn được gọi là con nhà giàu. Ngay sau đó, ứng viên này đã được nhận vào công ty.
Đây không phải là lần đầu tiên Trần Minh gặp người có hoàn cảnh gia đình rất tốt vẫn chọn đi làm thuê. Phần lớn những người bạn là con nhà giàu của anh đều không làm việc cho công ty gia đình, kể cả khi giám đốc hay chủ tịch là bố mẹ đẻ.
Khi hỏi tại sao, anh nhận về những lý do cơ bản sau:
1/ Muốn đạt được thành quả trong công việc hoàn toàn dựa vào khả năng của chính mình. Đây chính là trường hợp giống với ứng viên được đề cập ở trên.
2/ Khi làm việc ở công ty của người thân, nếu làm không tốt, người khác có thể nói bạn làm mất mặt của gia đình và họ hàng. Nếu làm tốt, người khác có thể nói là do quan hệ.
3/ Do mối quan hệ gia đình nên ngại trao đổi về các điều kiện khi làm việc (lương, phúc lợi,...)
4/ Cơ hội do người thân mang đến có khi không tốt bằng cơ hội do chính mình tìm thấy.
Giàu hơn sếp nhưng tại sao vẫn chọn đi làm thuê?
Thực ra đây không phải là thắc mắc của riêng Trần Minh hay bất kỳ ai. Bằng chứng là trên MXH từng có một chủ đề được chú ý thế này: Tại sao nhiều người là con nhà giàu vẫn đi làm?
Phía dưới bài đăng, rất nhiều câu trả lời được đưa ra, có dài có ngắn, có trải nghiệm cá nhân lẫn quan sát từ những người xung quanh. Và dưới đây là một số bình luận nhận về nhiều lượt tương tác:
- Một người bạn của tôi là rich kid xịn. Công ty anh ấy làm việc đang trên đà suy thoái, nhiều nhân viên bắt đầu nghỉ việc, “bỏ của chạy lấy người” nhưng anh ấy vẫn ở lại. Mục đích là để tìm hiểu xem tại sao công ty lại sa sút và phải xử lý vấn đề thế nào trong giai đoạn này. Bằng cách này anh ta có thể có kinh nghiệm để tránh hoặc giải quyết tình huống tương tự trong ngành kinh doanh của gia đình mình.
- Bố tôi là chủ một nhà máy cỡ trung bình, mẹ tôi điều hành chuỗi 5 siêu thị và một số cửa hàng thực phẩm. Còn tôi là một nhân viên văn phòng.
Khi còn học đại học và cao học, tôi dùng xe Audi Q7 và Porsche Cayenne. Bây giờ đi chơi với bạn bè tôi lái Porsche Panamera, BMW 740i, Audi RS6, Toyota Land Cruiser,... còn đi làm thì lái chiếc Volkswagen Magotan khoảng 850 triệu. Thẻ lương ở văn phòng chưa bao giờ được sử dụng. Penthouse mà tôi đang ở so với văn phòng có thể nói là một trời - một vực.
Nếu bạn hỏi tại sao vẫn đi làm 8 tiếng/ngày, tôi chỉ có thể trả lời: muốn làm một người bình thường.
- Đó là vì muốn học đi, trước tiên phải học bò. Sau khi vật lộn ở những vị trí khác nhau, có kinh nghiệm và kiến thức thực tiễn thì khi ngồi ở vị trí cao hơn, bạn mới không đưa ra những quyết định mù quáng, xa rời thực tế.
- Tôi nghĩ có 2 lý do: Không phải con nhà giàu nào cũng muốn tiêu tiền của gia đình và họ muốn trải nghiệm cuộc sống, cảm nhận cảm giác khi đối đầu với sóng gió ngoài xã hội.
- Vì cuộc sống cần nội dung và trải nghiệm, không phải tiền có thể mang lại tất cả.
- Đồng nghiệp của tôi có thể không phải rich kid nhưng gia đình ở trên mức bình thường. Một ngày nọ, bị khách hàng phản hồi tệ, cô ấy liền mua chiếc túi bằng cả tháng lương để bớt buồn. Lý do cô ấy đến giờ vẫn đi làm thuê chỉ là vì thấy làm việc với sếp và chúng tôi thoải mái hơn về làm ở công ty gia đình.
Không có của cải hay mối quan hệ vĩnh cửu, chỉ có nỗ lực vĩnh cửu
Đọc xong những câu trả lời này, hẳn mỗi người sẽ có một suy nghĩ khác nhau. Có thể phía sau một nhân viên giàu có là một gia đình có điều kiện, là các mối quan hệ hay cuộc sống mà bao người mơ ước. Nhưng đổi lại, có những điều mà không phải ai cũng dễ dàng nhìn thấy.
Họ phải đối mặt với rất nhiều áp lực như gánh nặng kế nghiệp gia đình, duy trì và phát triển các mối quan hệ trong giới giàu có,... Đôi khi áp lực này nặng nề đến mức nhiều người thà đi làm thuê chứ không về làm chủ cơ ngơi mà bố mẹ tốn công gây dựng.
Song song với đó, cũng có con nhà giàu đi làm thuê khiến người ta phải công nhận, đáng sợ nhất trên đời là những người giàu hơn bạn làm việc chăm chỉ hơn bạn.
Hơn ai hết, họ hiểu rằng các mối quan hệ, ngay cả gắn bó ruột thịt cũng chỉ có thể đem đến thành công nhất thời, không thể đảm bảo sự thành công liên tục. Khi một người càng dựa vào người chống lưng, vào gia đình hay các mối quan hệ để có được thành công thì sẽ càng dễ đánh mất chúng. Vì vậy chỉ có cách tốt nhất là dựa vào năng lực và nỗ lực của bản thân để ngày càng phát triển hơn nữa, tiến xa hơn nữa.
Bởi lẽ trên đời này không có của cải hay mối quan hệ vĩnh cửu, chỉ có nỗ lực vĩnh cửu!
(Nguồn: Toutiao)
Phụ nữ số