MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gen Z sẽ định hình cuộc chiến văn phòng ra sao? Nơi làm việc cũng là nơi thư giãn, không có kiểu làm việc "8-5" hay chờ thang máy 15 phút để quẹt vân tay rồi đi ăn sáng!

15-07-2019 - 08:47 AM | Doanh nghiệp

"5" là dạng người cứ 8 giờ sáng lên văn phòng, đúng 5 giờ chiều "cắp mông" về. Ở những tòa văn phòng đông đúc, tình cảnh chờ thang máy 15 phút để chen chúc lên văn phòng quẹt vân tay rồi lại xuống ăn sáng khá phổ biến. Tuy nhiên, một làn sóng văn phòng mới đang hình thành nhằm thích ứng và níu chân các nhân tài thế hệ Z (Gen Z)…

8 giờ kém 5 phút, thang máy số 6 của một tòa nhà văn phòng trên đường Ngụy Như Kon Tum mở cửa tại tầng 1, người cầm bánh mỳ, kẻ cầm xôi, người cầm hộp đựng cơm trưa ùn ùn đẩy nhau lao vào bên trong. "Từ từ để người bên trong ra đã". "Tôi đang mang bầu. Đừng đẩy!" "Đừng đẩy" - một vài người lớn tiếng.

Khi dàn người nhung nhúc ổn định bên trong, cái thang máy kêu tít tít khô khốc, báo hiệu quá tải. Cô gái cầm cốc cà phê Highlands đang đứng ở ngoài cùng tặc lưỡi bước ra, nhìn cửa thang từ từ đóng lại. Hơn chục con người bị cái thang máy bỏ lại bên ngoài đành đợi thêm 1 chuyến, không còn kịp lên văn phòng chấm công trước 8 giờ. Có lẽ sáng suốt hơn vẫn là những người lên quẹt vân tay rồi xuống ăn sáng khi nãy…

"Thang máy vốn là vấn đề đau đầu nhất của các khách thuê (doanh nghiệp thuê văn phòng - PV). Bình thường chúng tôi đi làm, phải chờ 15 - 20ph mới bắt được thang máy để đi lên văn phòng, chẳng may đi làm muộn, chấm công bằng vân tay coi như chắc chắn "trượt"", bà Hoàng Nguyệt Minh - Quản lý Đầu tư của Savills Hà Nội - chia sẻ. Văn phòng Savills Hà Nội đặt tại Leadvisors Place, quận Hoàn Kiếm - khu CBD (Central Business District) của Hà Nội.

Với sự bùng nổ của thế hệ Z ( Gen Z ) - chiếm tới 32% tổng dân số trong tương lai, các công ty khi thuê văn phòng, ngoài vị trí phù hợp, công năng tốt, còn lưu ý thêm yếu tố khác là thiết kế văn phòng có hút được thêm nhân viên và giữ chân được nhân tài hay không.

Môi trường làm việc kiểu mới: Không chờ thang máy 15 phút, chỗ làm tích hợp chỗ ăn, ngủ, thậm chí… tắm

Gen Z sẽ định hình cuộc chiến văn phòng ra sao? Nơi làm việc cũng là nơi thư giãn, không có kiểu làm việc 8-5 hay chờ thang máy 15 phút để quẹt vân tay rồi đi ăn sáng! - Ảnh 1.

Hình minh họa. Ảnh: WeWork.

Với xu thế mới, nhu cầu thuê văn phòng còn được mở rộng thêm nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân viên, văn phòng không chỉ là nơi Làm việc (Work), mà còn là nơi để Sống (Live) và Chơi (Play)… Một trong những yếu tố được bổ sung trong các thiết kế văn phòng hiện đại là Không gian làm việc linh hoạt (Flexible Workspace).

"Tại những tập đoàn lớn chúng tôi nói chuyện, họ cũng đã có những khu không gian làm việc chung (coworking), như một phần tích hợp để các bạn có thể dành thời gian rảnh rỗi, nghỉ ngơi, thậm chí trong thời gian làm việc chuyển ra đấy ngồi, tăng tính sáng tạo, thậm chí tăng năng suất hơn", ông Bùi Trung Kiên - Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội - chia sẻ tại sự kiện " Thị trường văn phòng : Cuộc chiến về mặt bằng, nguồn nhân lực và khách thuê" mới đây.

Một không gian làm việc linh hoạt cũng giúp thay đổi thái độ làm việc, không còn tinh thần làm việc kiểu "8-5" - những con người làm việc theo kiểu 8 giờ sáng lên văn phòng, chiều 5 giờ lại đi về bất chấp công việc có hiệu quả hay không. Môi trường làm việc kiểu mới sẽ là môi trường tạo thuận lợi nhất, tạo sự thoải mái nhất cho nhân viên, qua đó tăng được năng suất làm việc của họ.

Một ví dụ cho không gian làm việc kiểu mới được bà Minh đưa ra là Capital Palace - một tòa nhà cung cấp 121.000 m2 sàn văn phòng trong năm tới. Tòa nhà cao 37 tầng, mỗi tầng được bố trí 16 thang máy.

Một điểm thú vị là tòa nhà bố trí phòng tắm (Executive Bathroom) ở tất cả các tầng. Bên cạnh đó, vì muốn khuyến khích mọi người đi bộ và tập thể dục nhiều hơn, cho nên tòa nhà KHÔNG cho phép các công ty sử dụng thang máy đi giữa các tầng với nhau, việc này đồng thời giúp giảm traffic cho thang máy trong giờ cao điểm.

Lượng thang máy lớn, không cho phép sử dụng thang máy giữa các tầng, giúp cho thời gian chờ thang máy dự kiến ở mức 30 giây trong giờ cao điểm, giờ thấp điểm, thời gian chờ còn 23 - 25 giây.

Giờ không phải nhân viên thuê nhà cho gần công ty, mà công ty thuê văn phòng cho gần… nhà nhân viên

Gen Z sẽ định hình cuộc chiến văn phòng ra sao? Nơi làm việc cũng là nơi thư giãn, không có kiểu làm việc 8-5 hay chờ thang máy 15 phút để quẹt vân tay rồi đi ăn sáng! - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Nguồn: Archdaily.

"Việc các công ty đang phát triển hiện nay nghĩ tới khi chuyển văn phòng là việc có khả năng mất đi nhân sự… Vị trí chúng tôi nhìn thấy các nhân viên ở tập trung chủ yếu là khu vực các quận Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy".

"Vị trí Ba Đình, Đống Đa hiện nay đang là điểm thu hút bởi tại đây, các nhân viên đều có thể đi làm thuận tiện trong bối cảnh giao thông ngày càng trở nên tắc nghẽn. Hoàn Kiếm không còn là vị trí tối ưu cho nhân viên khi đi làm buổi sáng và trở về buổi chiều nữa", ông Kiên nói.

Hoàn Kiếm cũng là quận đang đặt trụ sở của Savills Hà Nội. Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội - cho biết hàng ngày nhân viên Savills phải mất tới 30 phút - 1 tiếng di chuyển.

"Nếu đặt văn phòng tại khu vực Midtown (các quận Đống Đa, Ba Đình…) sẽ thuận tiện hơn rất nhiều. Savills Hà Nội cũng đang cân nhắc việc chuyển văn phòng đến khu vực này", ông Matthew cho biết.

Lấy ví dụ cho việc di chuyển, buổi sáng và chiều, vào giờ cao điểm, khu vực tắc nhất là quận Ba Đình - Đống Đa. Nếu văn phòng đặt tại khu vực này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, khu Midtown khi ấy như một cái hub ở trung tâm, di chuyển về các hướng đều thuận tiện về mặt địa lý.

"Ví như chúng tôi di chuyển từ Hoàn Kiếm về Keangnam - Mỹ Đình có khi mất đến 45ph, thậm chí 1 tiếng, vào giờ tắc đường. Chưa nói đến vấn đề nhân viên hết giờ di chuyển thế nào, mà bản thân các công ty khi đi giao dịch với các khách hàng, đều bất tiện. Nếu công ty tôi lựa chọn thuê văn phòng ở khu giữa thì về mặt địa lý, di chuyển đến các khu vực khác sẽ hợp lý hơn rất nhiều".

"Giả sử văn phòng tôi ở Liễu Giai, đi đến khu vực Cầu giấy mất 15-20ph, về trung tâm cũng mất 15-20ph thì riêng thời gian đi - về cũng đã tiết kiệm được rất nhiều", bà Minh nói.

Theo Savills, trong nửa đầu năm 2019, phân khúc văn phòng cho thuê tại Việt Nam ghi nhận công suất cao kỷ lục với nhu cầu thuê lớn, nguồn cung mới hạn chế và giá thuê tăng trưởng nhanh. Dự báo đến năm 2020, phân khúc văn phòng cho thuê tại Hà Nội sẽ đón nhận thêm khoảng 392.000m² mặt sàn. Hiện nay, khách thuê đang có xu hướng di chuyển từ khu vực Trung tâm cũ (Hoàn Kiếm) đến các khu vực kinh tế mới – phía Tây.

Theo Bảo Bảo

Trí thức trẻ

Trở lên trên