Gen Z Trung Quốc: Chẳng cần nhà lầu xe hơi, chấp nhận 'ngồi im' cho đến khi có việc như ý
Giới trẻ Trung Quốc lựa chọn "nằm yên mặc kệ sự đời", không nhận những công việc kéo dài hàng giờ để theo đuổi sự giàu có hay những thứ vật chất có được nhờ làm việc chăm chỉ.
Thị trường lao động của Trung Quốc đang ở trong môi trường được cho là khó khăn và có ít cơ hội nhất, trong bối cảnh kinh tế suy thoái và số lượng người gia nhập lớn kỷ lục. Theo đó, việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống dường như đang có xu hướng thay đổi đối với thế hệ Z mới ra trường.
Sự biến chuyển này đi ngược lại lại tư tưởng "giấc mộng Trung Hoa" mà Chủ tịch Tập Cận Bình từng đề cập. Giờ đây, giới trẻ nước này lựa chọn "nằm yên mặc kệ sự đời", không nhận những công việc kéo dài hàng giờ để theo đuổi sự giàu có hay những thứ có được nhờ làm việc chăm chỉ.
Sophia Xie – sinh viên 22 tuổi chuẩn bị tốt nghiệp trường đại học danh giá ở Thâm Quyến mùa hè này, chia sẻ: "Trường tôi sẽ có khoảng 100 sinh viên tốt nghiệp trong năm nay. Nhưng chỉ 10 người có kế hoạch việc làm ngay sau khi tốt nghiệp."
Xie nói thêm: "Những người khác dự định học thạc sĩ ở nước ngoài hoặc trong nước, hay chuẩn bị cho kỳ thi công chức. Thậm chí, một số còn định ở nhà cho đến khi tìm được việc làm đúng ý mình. Nhiều bạn bè của tôi lựa chọn thất nghiệp, đặc biệt là ở các thành phố hạng 1 và 2."
Xie là người thuộc thế hệ Z – sinh ra từ năm 1995 đến 2009. Cô cũng nằm trong khoảng 10,76 triệu cử nhân sẽ gia nhập thị trường lao động Trung Quốc trong năm nay. Tuy nhiên, theo nền tảng tuyển dụng trực tuyến Zhaopin, cơ hội việc làm nhắm đến sinh viên mới ra trường giảm 4,5% trong quý I/2022 so với cùng kỳ năm ngoái.
Xie chia sẻ: "Dù người ta nói rằng đây sẽ là năm khó tìm việc nhất, nhưng các bạn cùng trường tôi vẫn nhận được lời mời làm việc với lương khởi điểm từ 6.000-10.000 NDT (1.500 USD) nếu họ cố gắng."
Sinh viên 22 tuổi nói: "Có thể những lời mời làm việc sẽ sụt giảm trong những năm tới. Nhưng chúng tôi tự gọi thế hệ mình là ít có hứng thú với việc kết hôn, sinh con và thu nhập cao. Đây có thể là ‘vũ khí’ hiệu quả để chúng tôi trải qua thời kỳ tăng trưởng kinh tế trì trệ và không bi quan như thế hệ Y."
Tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đã chạm mức thấp nhất trong 36 năm là 7,63 triệu người trong năm ngoái, từ mức đỉnh 13,47 triệu người trong năm 2013. Tỷ lệ sinh năm 2021 cũng giảm 11,6% xuống 10,62 triệu người, làm tăng áp lực cho cuộc khủng hoảng dân số. Tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc trong độ tuổi từ 16-24 cũng đạt mức kỷ lục là 18,2% vào tháng 4, khi con số của tháng trước là 6,1%.
Em gái sinh đôi của Sophia Xie – Susie, cũng tốt nghiệp một trường đại học ở Chu Hải (Quảng Đông) vào năm nay. Cô sẽ đến Anh để theo học chuyên ngành tâm lý học và nguồn nhân lực.
Susie nói: "Hiện tại, sinh sống ở Trung Quốc về cơ bản có thể đáp ứng nhu cầu của chúng ta về một cuộc sống tốt đẹp. Nơi này cũng có nhiều lựa chọn nghề nghiệp, tiêu dùng, giải trí tương tự hay thậm chí là hơn nhiều nước phát triển."
Đối với Sophia và những người bạn của cô, việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống là ưu tiên hàng đầu. Cô nói: "Chúng tôi không muốn làm thêm giờ vào cuối tuần, có cuộc sống cá nhân, thích nuôi thú cưng và không nghĩ tình yêu hay hôn nhân là điều bắt buộc, chứ chưa nói đến con cái."
Giống nhiều người thuộc thế hệ Z khác, Sophia không phải đối mặt với áp lực lớn từ công việc, kết hôn và kiếm đủ tiền để mua nhà, vì cha mẹ họ cũng sở hữu ít nhất 1 ngôi nhà.
Theo một báo cáo của Citic Securities, số lượng trẻ thuộc thế hệ Z trung bình của mỗi hộ gia đình là 0,94, thấp hơn mức 2,88 so với năm 1971. Điều này có nghĩa là những người ở độ tuổi này có khả năng nhận được sự hỗ trợ lớn hơn từ cha mẹ, ít phải chia sẻ với anh chị em.
Trong khi đó, Gen Z xứ cờ hoa vẫn khá nhiệt huyết với việc theo đuổi "giấc mơ Mỹ". Benjamin Kapelke – học sinh trung học năm nhất tại Bay Area, San Francisco, cho biết: "Nếu độc thân, tôi có thể làm việc từ 60-70 giờ/tuần. Tôi cần làm việc chăm chỉ hơn một chút khi còn trẻ để có thể chăm gia đình sau này." Kapelke đặt mục tiêu làm việc cho một nhà phát triển bất động sản trong tương lai.
Động lực chính của Kapelke vẫn là sống một cuộc sống sung túc. Anh dự định sẽ có mức thu nhập 6 con số mỗi năm, đặc biệt là khi vẫn sống ở San Francisco – thành phố có chi phí sinh hoạt khá đắt đỏ.
Ở phần lớn bang California, rất nhiều biển hiệu tuyển người được treo trên tường và cửa sổ để tìm kiếm nhân sự trong ngành dịch vụ. Audrey Choi – một học sinh năm nhất tại trường trung học Alameda, dự định sẽ mở một công ty công nghệ riêng, chuyên về phần mềm hoặc dịch vụ.
Thần tượng của Choi là nhà sáng lập Apple – Steve Jobs, nhưng mong muốn chỉ làm việc 8 tiếng/ngày và chỉ làm thêm khi cần thiết. Choi nói: "Ban đầu, đó chỉ là câu nói đùa nhưng tôi nghĩ lại thì ý tưởng đó khá hay. Thế giới ngày nay có sự gắn kết mạnh mẽ giữa công nghệ và những thứ khác."
Nixon Wu – một học sinh 16 tuổi tại San Francisco, cũng định hướng sẽ làm việc theo phong cách "du mục kỹ thuật số" – tức là chỉ cần máy tính và wifi. Anh muốn làm việc 8 giờ/ngày khi bắt đầu sự nghiệp để tạo dựng tên tuổi, kiếm tiền thông qua một số kênh thụ động. Wu cũng mong đợi mức lương 6 con số/năm khi các nguồn thu nhập được mở rộng.
Mức lương trung bình hàng tháng ở Trung Quốc tại 38 thành phố lớn là 10.014 NDT (1.502 USD) trong quý I/2022, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 10,5% so với cùng kỳ 2020. Theo Zhaopin, mức lương trung bình hàng tháng đối với người có bằng cử nhân đã tăng 1,8% so với năm trước lên 12.033 NDT.
Yu Qian (24 tuổi) đã vay bố mẹ 100.000 NDT (15.000 USD) vào năm 2020 để mở lớp dạy vẽ cho trẻ em ở quê hương của mình là thị trấn Trú Mã Điếm (Hà Nam). Các bác và chú của Yu đã rời khu phố này vào đầu những năm 2000 để đến các thành phố ven biển, mong muốn kiếm đủ tiền nuôi cha mẹ, mua nhà và kết hôn ở đó.
Yu chia sẻ: "Tôi không có dự định sống ở các thành phố hạng 1. Quê tôi giờ đã được đô thị hóa khá nhiều, những ứng dụng tôi sử dụng đều giống với các thành phố lớn. Tàu cao tốc cũng rất thuận tiện khi muốn di chuyển đến bất cứ nơi nào." Dù công việc bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng Yu vẫn có kế hoạch sinh 1 con trong tương lai.
Gen Z Trung Quốc có cha mẹ là lao động nhập cư thường lớn lên ở các thành phố, chứ không phải nông thôn. Họ có trình độ học vấn cao hơn, có nghĩa là các nhà máy muốn tuyển dụng họ. Tuy nhiên, công việc họ mong muốn là dịch vụ ở các thành phố vì được trả lương cao hơn.
Yu nói thêm: "Nếu kết hôn, hầu hết thanh niên ở các thành phố lớn có ít nhất 1 ngôi nhà, 1 ô tô và ‘tài sản riêng’ khoảng 200.000 NDT. Thông thường, cha mẹ sẽ là những người sắm sửa phần lớn những thứ đó."
Việc Gen Z có ít áp lực hơn Gen Y đã giúp họ theo đuổi những công việc tự do, khác với truyền thống.
Wang Ang – 19 tuổi, đến từ Quảng Châu đang có một công việc bán thời gian, chia sẻ: "Có lẽ, tác động kinh tế của đại dịch sẽ sớm ảnh hưởng đến chúng tôi. Nhưng tôi thích sống với bố mẹ và chú mèo cưng của mình. Bố mẹ tôi cũng rất đồng ý với việc trở thành một KOL huấn luyện viên."
Năm 2020, Trung Quốc đã mở rộng định nghĩa "có việc làm", trong đó bao gồm cả các sinh viên mới tốt nghiệp bán hàng online, game thủ hay sở hữu blog riêng. Theo Bộ Giáo dục nước này, sinh viên mới tốt nghiệp mở trang web thương mại điện tử sẽ được xếp vào nhóm "đã có việc", miễn là họ cung cấp đường link và thông tin đăng ký.
Annie Wang – điều hành một công ty cung cấp nội dung quảng cáo và marketing thương hiệu, cho biết: "Gen Z có cảm giác an toàn và tin tưởng hơn vào công việc, cũng như thu nhập của họ. Họ không còn phải chịu áp lực tài chính của gia đình và có thể tập trung vào làm những gì mình thích."
Tham khảo SCMP