MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gen Z tuyệt vọng và chìm trong nợ nần: “Tôi và cả thế hệ của tôi không có cơ hội xây dựng tương lai giống như cha mẹ và ông bà của chúng tôi đã từng”

07-12-2022 - 19:27 PM | Tài chính quốc tế

Ảnh: The Shaver House

Ảnh: The Shaver House

Nhiều Gen Z đang vật lộn với cuộc sống đầy nợ nần và mù mờ về những ngày tháng sau này.

Khao khát kiếm tìm thêm một người bạn cùng phòng

Chàng trai 26 tuổi đến từ Pittsburgh hiện đang thất nghiệp, nợ 50.000 USD và không trả nổi tiền gas và điện. Để giảm bớt gánh nặng tài chính và trả được tiền thuê nhà hàng tháng là 800 USD cũng như các loại hoá đơn, Strain cho biết anh và bạn cùng phòng muốn tìm một người khác chuyển đến sống cùng họ.

Anh nói: “Chúng tôi làm vậy để giảm thiểu chi phí trung bình cho mỗi người sống ở đây. Ba người có thể chia nhỏ chi phí thuê nhà, tiện ích và chi phí đăng ký các nền tảng phát trực tuyến.”

Hiện tại, Strain không phải là thanh niên Mỹ duy nhất gặp khó khăn về tài chính. Số người nợ thẻ tín dụng và tỷ lệ quá hạn đang gia tăng, đặc biệt là ở những người từ 18 đến 29 tuổi. Điều đó xảy ra khi hầu hết các nhà kinh tế dự đoán sẽ có một cuộc suy thoái vào năm 2023, do lạm phát tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2021 và do giá thuê nhà vẫn tăng cao, chỉ bắt đầu giảm ở một số ít thành phố.

Tình hình này khiến thanh niên Mỹ mắc nợ nhiều hơn, cần nhiều bạn cùng phòng hơn và phải nhận nhiều công việc hơn.

Chắc chắn rằng không phải tất cả Gen Z đều gặp khó khăn. Khi các công ty tăng lương để thu hút lao động, người Mỹ từ 16 đến 24 tuổi đã chứng kiến mức tăng lương 13% trong năm qua, cao hơn nhiều so với mức lạm phát 7,7% trong cùng kỳ năm ngoái. Nhưng nếu suy thoái xảy ra, Gen Z có thể là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nợ nần chồng chất, ít tiền tiết kiệm và dễ bị sa thải.

Những người mà Insider đã nói chuyện đều không có nhiều hy vọng cho tương lai phía trước.

“Chúng tôi cố gắng chịu đựng, nhưng bản thân tôi không biết liệu chúng tôi có qua được mùa đông một cách bình an vô sự hay không,” Strain nói.

Anh cho biết rằng việc tạm dừng thanh toán khoản vay sinh viên trong hơn hai năm đã giảm bớt gánh nặng nhưng anh vẫn phải vật lộn với các khoản vay tư nhân và nợ thẻ tín dụng.

Tổng nợ thẻ tín dụng của Mỹ đã tăng 38 tỷ USD từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay, theo Fed New York. Mức tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái là mức tăng lớn nhất trong hơn hai thập kỷ. Mặc dù các khoản nợ quá hạn tổng thể vẫn ở dưới mức trước đại dịch, nhưng tất cả các nhóm tuổi đều ghi nhận tỷ lệ chậm thanh toán tăng lên trong quý vừa qua. Đối với Thế hệ Z lớn tuổi hơn, tỷ lệ nợ quá hạn đã tăng lên hơn 6%, mặc dù vẫn thấp hơn tỷ lệ khoảng 9% trước đại dịch.

Không thể chịu nổi hiện tại, lo gì chuyện tương lai

Một người California 24 tuổi yêu cầu giấu tên nói với Insider rằng cô đã phải tiêu đến cạn kiệt số tiền tiết kiệm để hỗ trợ tài chính cho bản thân khi theo học chương trình thạc sĩ tài chính ở Paris. Cô cho biết mình làm việc với tư cách là một thực tập sinh nhưng có thể kiếm được 1.250 USD/tháng.

Cô cũng đã nhận công việc trông trẻ để kiếm thêm thu nhập. Nhưng ngay cả như vậy, cô nói rằng tài khoản ngân hàng của mình hàng tháng vẫn chỉ “bằng 0 hoặc thấp hơn.” Cô hy vọng rằng việc vay vốn sinh viên để học thạc sĩ cuối cùng sẽ được đền đáp và có được sự hỗ trợ về mặt tài chính. Thế nhưng, cô gái này cũng không quá lạc quan với điều đó.

"Thành thật mà nói, tôi không nghĩ rằng bất kỳ nền giáo dục nào có thể cứu tôi hoặc những người khác khỏi những gì đang xảy ra. Tôi và cả thế hệ của tôi không có cơ hội xây dựng tương lai giống như cha mẹ và ông bà của chúng tôi đã từng.”

Trong số những sinh viên tốt nghiệp năm 2019 và 2020, những người đi vay trung bình có tổng nợ vay sinh viên là hơn 28.000 USD. Mặc dù chính quyền Biden muốn kéo dài chương trình ân hạn các khoản vay sinh viên và có thể làm giảm số dư cho một số người vay lên tới 20.000 USD nhưng kế hoạch này hiện đang bị tạm dừng sau khi các phe đối thủ phản đối trước toà.

Là một sinh viên ngành tài chính, cô biết mình phải bắt đầu tiết kiệm để nghỉ hưu càng sớm càng tốt. Nhưng đây là một thách thức với các khoản chi phí và khoản thanh toán khoản vay sinh viên đang đè nặng lên vai cô: “Tôi không biết khi nào mình mới có khả năng tiết kiệm để nghỉ hưu nữa. Bây giờ tôi gần như còn không thể nuôi sống bản thân mình.”

Laurence Kotlikoff, một nhà kinh tế tại Đại học Boston, đã từng nói với Insider rằng do những thách thức về tiết kiệm và chi phí gia tăng, hơn một nửa Gen Z có thể nghỉ hưu mà không có đủ tiền tiết kiệm.

Một Gen Z khác yêu cầu giấu tên chia sẻ rằng anh đã kiếm được hơn 50.000 USD vài năm trước thông qua các hợp đồng giáo dục và lập trình tự do. Tuy nhiên, chàng trai 23 tuổi cho biết anh đã bị sa thải khỏi vị trí vốn mang lại phần lớn thu nhập cho mình và khiến tình hình tài chính dần sụp đổ chỉ trong mấy năm ngắn ngủi.

Hiện tại, anh đang nợ hơn 20.000 USD. Giữa tình trạng ấy, anh cảm thấy mình thật may mắn khi có 5 USD trong tài khoản vãng lai vào cuối tháng. “Tại thời điểm này, tôi gần như không thể dành dụm để tiếp tục nổi mất,” anh nói.

Theo báo cáo của Fed tiểu bang New York, số dư thẻ tín dụng trung bình của những người từ 18-29 tuổi đã tăng từ 1.500 USD vào năm trước lên khoảng 2.000 USD trong quý ba. Giá cả tăng cao là một trong những lý do gây ra việc này. Lạm phát giảm nhẹ trong tháng 10 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed.

Tham khảo Insider

Minh Phương

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên