MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GenZ vượt bão giá: cắt giảm chi tiêu, hạn chế tụ tập bạn bè, chọn nấu ăn tại nhà thay vì ăn hàng để tiết kiệm

17-07-2022 - 20:04 PM | Thị trường

GenZ vượt bão giá: cắt giảm chi tiêu, hạn chế tụ tập bạn bè, chọn nấu ăn tại nhà thay vì ăn hàng để tiết kiệm

Bão giá là một vấn đề không “tha” bất kì ai, từ giá xăng dầu, đồ dùng thiết yếu cho đến những đồ ăn thức uống thân thuộc với giới trẻ hiện nay như coffee, đồ ăn, trà sữa…đều rơi vào tình trạng tăng giá. Nhiều người trẻ đã phải giải lại bài toán chi tiêu, cân nhắc chọn lựa giữa sở thích và tiết kiệm.

Lời giải cho bài toán chi tiêu

Là một người độc thân xa gia đình đang sinh sống tại Hà Nội, Ngọc Hà, 24 tuổi, nhân viên văn phòng cho biết trước đây cô chỉ từng nghe về những khái niệm như lạm phát, bão giá trên báo đài. Còn giờ đây khi sinh sống 1 mình và phải thuê nhà, cô chưa bao giờ cảm nhận được bão giá lại ở gần mình đến như vậy. Giá xăng là thứ mà cô cảm nhận được rõ nhất.

"Mình ở trọ cách công ty 3km, trước đây mình đổ đầy bình xăng thì có thể đi được trong vòng 1 tuần, đầy bình sẽ hết khoảng 80.000 đồng, giờ đây khi giá xăng vượt mốc 30.000 đồng/lít, số tiền mình phải bỏ ra là 120.000 đồng. Điều này đồng nghĩa với việc quỹ chi tiêu hàng tháng của mình dành cho xe cộ cũng tăng lên."

Giá xăng tăng đồng nghĩa với việc mọi mặt hàng khác cũng lâm vào tình cảnh tăng giá theo. Từ giá gas, giá thực phẩm cho đến nguyên liệu chế biến như dầu ăn. Hà thường xuyên tự đi chợ và nấu ăn, cô chia sẻ dạo gần đây những thực phẩm như thịt, rau, trứng đều đã tăng giá, điều này làm cô phải cân đối lại chi tiêu nhiều hơn. Thay vì đi siêu thị như trước đây, cô chọn dậy sớm để đi chợ mua đồ vì mua ngoài chợ rẻ hơn mua trong siêu thị. Các khoản chi tiêu không cần thiết cũng được cô cắt bỏ để tiết kiêm. Ngoài ra cô cũng hạn chế ăn hàng, và mang cơm đi làm vào bữa trưa.

Cắt giảm sở thích, thói quen

Vũ Diệu Hương, 25 tuổi, nhân viên văn phòng cho biết bão giá cũng đang “đổ bộ” đến sát sườn mình. Trước đây từ một người lười nấu ăn, giờ cô cũng bắt đầu tự nấu ăn và mang cơm đi làm.

"Trước đây mình hay đặt đồ ăn trưa tại công ty bởi mình không có nhiều thời gian để chuẩn bị. Gần đây giá đồ ăn tại những nơi mình hay đặt hầu hết hoặc tăng giá, hoặc nếu không tăng thì số lượng cũng ít đi, phí ship cũng cao hơn trước nhiều nên mình đã "vượt lười" để nấu ăn. Buổi tối mình thường nấu đồ ăn và trữ trong tủ lạnh, mình nấu cho 2 ngày nên cũng không quá tốn nhiều thời gian."

Genz vượt bão giá: cắt giảm chi tiêu, hạn chế tụ tập bạn bè, chọn nấu ăn tại nhà thay vì ăn hàng để tiết kiệm - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Khi được hỏi về lạm phát có ảnh hưởng đến những thói quen sinh hoạt hay gặp gỡ bạn bè không, cô chia sẻ trước đây có thói quen ăn uống bên ngoài, tụ tập bạn bè. Nhưng gần đây khi giá cả mọi thứ đều tăng chóng mặt, cô chỉ đi ăn ngoài hay ngồi cà phê với bạn bè vào dịp cuối tuần hay những dịp đặc biệt. "Mình phải hạn chế lại để tiết kiệm chi phí, chỉ chi tiêu những khoản thực sự cần thiết." Những khoản mua sắm như quần áo, mỹ phẩm, làm móng cũng được Hương cắt giảm đáng kể, với những món cần phải mua, cô cũng chịu khó "săn sale" hơn, dù ít nhưng khi cả tháng cộng lại cũng giúp cô giảm chi phí sinh hoạt một cách đáng kể.

Không giống như Hà hay Hương, Trung Hiếu, 25 tuổi chia sẻ bão giá mà anh gặp phải lại ở một khía cạnh khác. "Mình có sở thích chơi game nên trước đây mình dành khá nhiều thời gian để đi đến những tiệm net để chơi game. Gần đây tiệm net yêu thích của mình đã tăng giá giờ chơi cũng như đồ uống nên mình cũng cắt giảm kha khá thời gian chơi game, chủ yếu là cuối tuần để chơi cùng bạn bè. Thay vào đó mình chơi ở nhà, tuy không được thoải mái như ở ngoài nhưng giúp mình tiết kiệm hơn nhiều trong thời kì bão giá như hiện nay."

Đối với dân văn phòng, những đồ uống như cà phê, trà sữa là những món đồ uống ban chiều không thể thiếu. Ngọc Tú, nhân viên văn phòng cho biết buổi chiều cô và đồng nghiệp thường xuyên gọi đồ uống và trước đây cô chi tiêu khá thoải mái cho khoản này. 

"Kể từ khi bão giá, mình cảm thấy cần phải tiết kiệm hơn và chỉ đặt những ngày nào có mã giảm giá và cắt giảm tối đa tần suất trong tuần để tiết kiệm."

Theo Tổng Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6.2022 tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 3,18% so với tháng 12.2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 6/2022 tăng 0,8% so với tháng trước, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,65%.

https://cafef.vn/genz-vuot-bao-gia-cat-giam-chi-tieu-han-che-tu-tap-ban-be-chon-nau-an-tai-nha-thay-vi-an-hang-de-tiet-kiem-20220717155725459.chn

Như Quỳnh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên