MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

George Soros: Từ đứa trẻ chạy trốn phát xít Đức, lớn lên từ đáy xã hội đến ông vua đầu cơ mạo hiểm kiếm 1 tỷ USD trong 24 giờ

01-03-2019 - 13:45 PM | Tài chính quốc tế

Mỗi ngày trôi qua đều là một cuộc chiến cân não giữa lằn ranh cái chết và sự sống mong manh dưới sự áp bức của Đức Quốc Xã, cha của George Soros đã nói: "Nếu không có rủi ro, sẽ chẳng có sự sống".

Theo một thống kê năm 2016, Người Do Thái Mỹ là nhóm dân tộc mạnh nhất và có ảnh hưởng nhiều nhất nước Mỹ. Tổng dân số người Do Thái rất ít ỏi chỉ có 2% tổng dân số Hoa Kỳ. Nhưng 40% tỷ phú ở nước này là người Do Thái.

CafeBiz xin trân trọng giới thiệu series bài viết về "Những doanh nhân Do Thái nổi bật". Họ là những người phần lớn đi lên từ bàn tay trắng trở thành những tỷ phú tự thân nổi tiếng trên thế giới.

Vật lộn sinh tồn dưới đáy xã hội

George Soros sinh năm 1930 trong một gia đình Do Thái tại Hungary. Tuổi thơ của ông gắn liền với những chuỗi ngày trốn chạy kinh hoàng khi Đức Quốc Xã lùng bắt và tàn sát người Do Thái trong Thế chiến II. Cha mẹ của Soros đã phải dùng mọi thủ đoạn, kể cả làm giả giấy tờ để trốn chạy và chính điều này đã hun đúc nên tinh thần ưa mạo hiểm của Soros sau này trong phong cách đầu cơ.

Đến năm 1947, Soros trốn chạy được sang Anh một mình và bắt đầu cuộc đời khốn khó của một kẻ nhập cư Do Thái. Để có tiền sinh sống, Soros chấp nhận làm đủ mọi nghề, từ bồi bàn, hái táo thuê, sơn nhà thuê… Năm 18 tuổi, với số tiền dành dụm ít ỏi, ông vào học tại Học viện Kinh tế - Chính trị London.

George Soros: Từ đứa trẻ chạy trốn phát xít Đức, lớn lên từ đáy xã hội đến ông vua đầu cơ mạo hiểm kiếm 1 tỷ USD trong 24 giờ - Ảnh 1.

Để có tiền đóng học phí và sinh hoạt, Soros phải làm người gác đêm ở một nhà ga tàu hỏa sau giờ học. Sau khi tốt nghiệp, ông đã cố gắng viết thư xin việc tại hàng loạt ngân hàng với niềm đam mê tài chính, nhưng đáp lại là những cái im lặng, thậm chí là những cuộc phỏng vấn đầy khinh bỉ từ các ngân hàng.

Cực chẳng đã, Soros buộc phải làm một nhân viên bán hàng cho một nhà phân phối tạp hóa. May mắn thay, một đồng hương Hungary làm giám đốc ngân hàng thương mại Singer & Friedlander chi nhánh London đã tuyển ông làm thư ký.

Đối với tỷ phú Soros, đây là quãng đời đen tối nhất khi ông gần như nằm dưới đấy xã hội và tìm mọi cách để vật lộn sinh tồn. Tuy nhiên nhờ quãng thời gian khó khăn này mà Soros học được nhiều bài học để đạt được những thành công về sau.

Kiếm 1 tỷ USD trong 24 giờ

Năm 1956, Soros sang Mỹ đoàn tụ với gia đình và nhập quốc tịch Mỹ. Lúc đầu, ông làm việc cho F.M. Mayer. Ông bắt đầu khởi nghiệp với 5.000 USD. Phương châm của Soros khá đặc biệt: "Trong thế giới đầu tư, việc đúng hay sai không quan trọng, cái quan trọng là nếu đúng sẽ có được bao nhiêu tiền, và nếu sai sẽ mất bao nhiêu tiền".

Sau nhiều năm làm việc với tư cách là một nhà phân tích và môi giới tại nhiều công ty khác nhau, ông thành lập Quỹ Quản lý Soros vào năm 1970 với số vốn 17 triệu USD. Ba năm sau sau đó, ông đã tăng ngân sách của mình lên 100 triệu USD.

Nếu ai đó ghét từ "đầu cơ" thì George Soros được coi là một trong những nhà đầu cơ quyền lực và thành công bậc nhất. Một trong những thương vụ nổi tiếng của Soros là vụ đầu cơ vào đồng bảng Anh.

George Soros: Từ đứa trẻ chạy trốn phát xít Đức, lớn lên từ đáy xã hội đến ông vua đầu cơ mạo hiểm kiếm 1 tỷ USD trong 24 giờ - Ảnh 2.

Những tay đầu cơ tiền tệ luôn đánh cược vào nhược điểm của các nền kinh tế. Năm 1992, Soros vận dụng nguyên lý này đến mức cực điểm, khi "quật đổ" cả Ngân hàng Trung ương Anh (BoE). Kinh tế Anh năm ấy thiệt hại mất 1 tỷ USD chỉ trong 24 giờ và số tiền này dĩ nhiên đã chảy vào túi Soros. Thành tích này của ông đã khiến giới tài chính phải nể phục.

Không những làm mất giá đồng bảng Anh, chiến dịch đầu cơ của Soros còn gây ảnh hưởng hàng chục đồng tiền châu Âu khiến EU phải hoãn đến 5 năm mới có thể đưa đồng Euro vào lưu hành.

Trong suốt quãng thời gian từ năm 1969 đến năm 2009, Soros đưa Quỹ của ông tăng trưởng ngoạn mục với tốc độ trung bình hàng năm 26,3% - từ một khoản đầu tư 10.000 USD ban đầu đã tăng trưởng thành 143,7 triệu USD.

Mức tăng trưởng này được giới chuyên môn đánh giá thậm chí còn tốt hơn cả mức lợi nhuận đầu tư của tỷ phú Warren Buffet trong cùng thời kỳ đó, với khoản đầu tư trị giá 10.000 USD chỉ tăng trưởng thành 28,4 triệu USD.

"Nếu không có rủi ro, sẽ chẳng có sự sống"

Một số người vinh danh tỷ phú Soros là nhà tiên tri của thị trường tài chính, đa số lại cho rằng ông là kẻ tung hứng thị trường tài chính một cách nhẫn tâm. Bản thân Soros tự nhận là một nhà từ thiện, giúp đỡ các chính phủ xác định được những điểm yếu kém để họ có thể loại bỏ các thiếu sót và chỉ "nhân tiện" tận dụng những lỗ hổng đó để hưởng lợi.

Có thể nói quan điểm đầu tư của Soros hoàn toàn trái ngược với cây đại thụ đầu tư khác là Warren Buffet. Nếu như Buffet nổi tiếng với hai nguyên tắc "1. Không để mất tiền; 2. Không quên nguyên tắc 1" thì Soros sẵn sàng mạo hiểm.

George Soros: Từ đứa trẻ chạy trốn phát xít Đức, lớn lên từ đáy xã hội đến ông vua đầu cơ mạo hiểm kiếm 1 tỷ USD trong 24 giờ - Ảnh 3.

Người con trai Tivadar của George Soros đã từng phác họa những hồi ức về việc ông nội của mình mạo hiểm làm giả giấy tờ tùy thân cho những người Do Thái để trốn thoát khỏi Đức quốc xã, trong đó có cậu con trai George Soros lúc đó mới 14 tuổi.

Mỗi ngày trôi qua đều là một cuộc chiến cân não giữa lằn ranh cái chết và sự sống mong manh dưới sự áp bức của Đức Quốc Xã, cha của George Soros đã nói: "Nếu không có rủi ro, sẽ chẳng có sự sống".

Chính điều này đã tạo nên tinh thần ưa mạo hiểm và cũng chính vì đó mà Soros đã nhiều lần chịu những tổn thất tài chính không nhỏ. Tuy có vấp váp nhưng có thể nói những thương vụ thành công của Soros đã tạo ra những khoản tài chính dồi dào đủ lấp đầy nhiều lần lỗ hổng tài chính của những lần thất bại.

Vào năm 2008, sau cuộc khủng hoảng tài chính, Soros cam kết viện trợ 50 triệu USD cho Viện đổi mới tư duy kinh tế, nhằm khuyến khích những thay đổi và tư duy mới về kinh tế. Trong những năm gần đây, Soros đã chuyển hướng sang hoạt động từ thiện để hỗ trợ người tị nạn quốc tế và nỗ lực thúc đẩy một "xã hội mở rộng" trên toàn cầu.

Soros hiện là người điều hành Công ty quản lý quỹ Soros Fund Management của gia đình. Quỹ này có quy mô tài sản 25 tỷ USD. Ông còn là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của OSF, một tổ chức từ thiện hoạt động trong các lĩnh vực như giáo dục, nhân quyền, di cư và y tế, với khoảng 40 văn phòng trên toàn cầu.


Theo AB-Tổng hợp

Nhịp Sống Kinh Tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên