Ghé thăm làng "biến" cỏ dại thành sản phẩm nổi tiếng hơn 400 năm ở Hà Nội
Với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, những nghệ nhân làng nghề Lưu Thượng (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã biến loài cây dại như bèo tây, cỏ tế, xơ chuối... thành những sản phẩm độc đáo, có giá trị kinh tế cao.
Chỉ từ loài cây cỏ dại, nhưng với bàn tay khéo léo và sự sáng tạo, người dân làng nghề Lưu Thượng đã tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Những sản phẩm truyền thống của làng nghề với hàng nghìn mẫu mã khác nhau như khung tranh, con giống, đèn trang trí, khay, tủ quần áo, giỏ mây... được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên. Đây là những mặt hàng thân thiện với môi trường nên được rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước tin dùng.
Làng nghề đan “cỏ dại” hơn 400 năm ở thôn Lưu Thượng (Hà Nội). Ảnh: Lan Nhi
Cỏ tế, dây rừng, bèo tây, xơ chuối... sau thu lượm về sẽ được người dân phân loại và phơi khô ít nhất 3 nắng để đạt độ dẻo dai, rắn chắc nhất định. Trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ như làm sạch, tước vỏ, nhúng qua lớp dầu keo, sấy khô, sản phẩm mới có thể lên màu tự nhiên, bền và đẹp.
Với những nguyên liệu bình dị, dân dã, nhưng sản phẩm ở làng nghề Lưu Thượng vẫn toát lên vẻ độc đáo, hiện đại từ chính những loài cây cỏ hoang dại ấy.Tuy nhiên tước sợi cỏ là công đoạn tốn nhiều công sức nhất trong quá trình làm sản phẩm.Bà Nguyễn Thị Hải (sinh năm 1973) thôn Lưu Thượng, xã Phú Túc cho biết: Nghề đan này yêu cầu người làm phải có tính tỉ mỉ và kiên nhẫn. Cỏ tế, dây rừng, bèo tây sau khi sơ chế sợi sẽ rất mềm và dai vì vậy sản phẩm thường có tuổi sử dụng rất cao, gần 20 năm mới có dấu hiệu hỏng. Sản phẩm bền, đẹp thân thiện với môi trường nên được nhiều khách hàng trong và ngoài nước đặt mua với số lượng lớn.
“Tôi gắn bó với nghề đan này đã gần 30 năm nay. Cũng nhờ nghề này mà gia đình tôi có thu nhập ổn định hơn. Đối với lao động có tay nghề, mỗi tháng thu nhập khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng. Nghề đan này không khó nhưng lại cần những người thợ khéo léo thì sản phẩm mới đẹp được. Trẻ em ở đây mới học lớp 5, lớp 7 là có thể phụ bố mẹ làm nghề rồi” - bà Đào Thị Huệ (sinh năm 1955) chia sẻ.
Bà Đào Thị Huệ đã gắn bó với nghề từ khi còn nhỏ.Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Viễn - Trưởng thôn Lưu Thượng, xã Phú Túc cho hay, làng nghề đan cỏ ở thôn Lưu Thượng đã tồn tại cách đây khoảng 400 năm. Trải qua nhiều quãng thời gian khó khăn nhưng đến nay làng nghề vẫn đứng vững và phát triển.
Sản phẩm của làng Lưu Thượng được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong và ngoài nước.
Theo ông Viễn, người dân ở đây gắn bó với nghề đã lâu, nhờ kỹ thuật đan điêu luyện và sự chuyên nghiệp trong sản xuất, sản phẩm của làng đã đạt đến độ tinh xảo và ngày càng có uy tín trên thị trường. Ngoài ra, làng nghề còn thu hút hàng trăm lao động và giải quyết vấn đề việc làm cho người dân địa phương.
"Hiện nay, các sản phẩm của làng Lưu Thượng nói riêng và xã Phú Túc nói chung chủ yếu được dùng làm hàng xuất khẩu. Sản phẩm của địa phương được tiêu thụ rộng rãi tại nhiều nước/khu vực lớn như Nhật Bản, Đài Loan, các nước Đông Âu..." - ông Viễn thông tin.
Lao động