Ghi nhớ 13 CÂU NÓI của kẻ thao túng để giữ vững lòng tin, tránh xa những mối quan hệ độc hại trong cuộc sống, tìm đến sự bình yên
Việc nhận ra các hành vi thao túng tâm lý sẽ giúp bạn không phải trải qua những tổn thương.
- 24-04-2022ĐH Harvard: 45-59 tuổi là giai đoạn quan trọng của cuộc đời, duy trì 5 thói quen đẩy lùi bệnh tật, tuổi thọ nâng cao
- 24-04-2022Vui nhưng đừng vui quá: Thấu hiểu 5 quy luật đối lập của đời người để sống tự tại chân chính, hạnh phúc hay không do bạn quyết định!
- 23-04-2022Cô gái chia sẻ mức học phí đào tạo tiếp viên hàng không, nhiều người bảo “với số tiền đó đi đầu tư còn nhanh lời hơn?”
Việc thao túng tâm lý của người khác thường xảy ra trong những mối quan hệ độc hại, khi người đối diện luôn có những hành động xem nhẹ cảm xúc của bạn.
Tuy nhiên, vẫn có cách để có thể nhận ra được liệu bạn có đang vướng vào một mối quan hệ như vậy hay không thông qua một số câu nói điển hình như: “Bạn đang làm quá mọi thứ lên”, “Ý của tôi không phải là như vậy”, hoặc “Bạn điên rồ thật đấy”. Nếu bạn từng phải nghe những lời nói như vậy nhiều đến mức tự nghi ngờ về bản thân và cho rằng mình là người có lỗi, thì bạn đã trở thành nạn nhân của việc thao túng tâm lý.
Bác sĩ Danielle Hairston, giáo sư tâm thần học đồng thời cũng là giám đốc đào tạo nội trú chuyên khoa tâm thần tại đại học Howard đã từng nói: "Khi ai đó cố gắng khiến một người hoặc nhóm người nghi ngờ về điều gì đó mà họ tin tưởng, hay thậm chí là chính bản thân họ thì đó là một chiến thuật thao túng lòng người".
Cô cũng nói thêm rằng những người thực hiện hành vi thao túng người khác thường đổ tội cho nạn nhân rằng họ đã quá phóng đại hoặc hiểu sai một sự việc, đôi khi có thể phủ nhận một sự thật đã xảy ra. Chính điều này đã khiến nạn nhân nghi ngờ về tình huống và hành động của bản thân trong tình huống ấy.
Vậy thì việc thao túng tâm lý chính xác là gì?
Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), thao túng tâm lý là một hình thức lạm dụng tình cảm, trong đó nạn nhân bị thao túng để “nghi ngờ nhận thức, kinh nghiệm và sự hiểu biết của bản thân”. Trước đây, việc thao túng quá nghiêm trọng có thể dẫn tới bệnh tâm thần, nhưng hiện nay nó đã trở nên phổ biến hơn nhiều.
Từ ngữ này bắt nguồn từ một vở lịch của Patrick Hamilton (1938) và bộ phim chuyển thể Gaslight (1994). Trong phim, người chồng đã chi phối vợ mình bằng việc thay đổi những thứ xung quanh và ngăn cô tiếp xúc với mọi người, nhưng mỗi khi cô vợ nhắc đến những dấu hiệu thì người chồng đều phủ nhận và nói rằng cô cư xử quá kỳ quặc.
Nói cách khác, thao túng là hành vi khiến ai đó đánh mất niềm tin và sự tự tin của bản thân hoặc cảm thấy bối rối về thực tế. Bác sĩ Hairston phát biểu rằng: “Hành động này sẽ đánh lạc hướng, khiến bạn cảm thấy tội lỗi và phải chịu trách nhiệm cho việc gì đó, thậm chí là gây tổn thương và mài mòn lòng tự trọng của bạn”.
Dưới đây là 13 câu nói biểu hiện của một kẻ thao túng mà bạn cần phải biết:
1. “Bạn điên rồi”
Theo bác sĩ Hairston, đây là cụm từ phổ biến mà những người thao túng dùng để trốn tránh trách nhiệm hoặc thực hiện mục đích của bản thân. Nó khiến nạn nhân nghi ngờ khả năng phán đoán và sự tỉnh táo của mình.
2. “Điều đó không bao giờ xảy ra đâu”
Khiến người khác nghi ngờ về ký ức cũng như thực tại là một chiến thuật bị động nhưng mang lại ảnh hưởng nặng nề. Việc nói với ai đó rằng điều gì đó đã không xảy ra sẽ khiến cảm xúc của người nghe giảm sút, và câu nói này sẽ đặc biệt có hại nếu nó xoay quanh một sự kiện đau buồn.
3. “Ý của tôi không phải như vậy”
Khi sử dụng câu này, người nói đang muốn phủi bỏ hoàn toàn trách nhiệm. Tiến sĩ Douglas cho biết: "Người phát ngôn câu nói này muốn làm mất uy tín của nạn nhân, đả kích kinh nghiệm hoặc trí thông minh của họ".
4. “Nếu thật sự quan tâm đến tôi, bạn sẽ…”
Trong mối quan hệ yêu đương, người thao túng sẽ lợi dụng tình yêu của đối phương như một phương tiện để bào chữa cho hành vi xấu của mình, họ có thể đổ tội cho đối phương rằng đã gian dối hoặc gây ra các vấn đề trong mối quan hệ. Những người như vậy thường nói một số câu như: “Nếu anh quan tâm em thì anh sẽ để cho em xem điện thoại của anh”, từ đó buộc nạn nhân phá bỏ những ranh giới cá nhân của mình.
5. “Ai cũng biết là bạn thật điên rồ”
Đây là chiến thuật quan trọng của những kẻ thao túng, họ sẽ cố gắng cô lập và khiến bạn cảm thấy đơn độc. Thông thường, thay vì sử dụng những cái tên cụ thể thì họ sẽ nói một cách chung chung như “mọi người đều nghĩ rằng bạn có vấn đề” hoặc “tất cả bạn bè đều biết bạn có vấn đề”.
6. “Bạn luôn luôn làm quá mọi thứ lên”
Một số từ mang nghĩa tuyệt đối như: Luôn luôn, không bao giờ, tất cả mọi người hoặc chẳng ai là những “báo động đỏ” của một kẻ thao túng. Việc buộc tội ai đó đang làm quá mọi việc sẽ khiến họ cảm thấy nhận định của mình về sự kiện nào đó là sai.
7. “Đây là lý do tại sao bạn không có bạn bè”
Mục đích của câu nói này là tấn công vào giá trị của người nào đó và khiến họ nảy sinh ý muốn xa lánh người khác, đồng thời phụ thuộc vào người thao túng nhiều hơn vì cảm thấy chỉ có người đó mới xem mình là bạn bè. Những kẻ thao túng này thậm chí có thể đề nghị bạn tránh xa một số người nhất định. Theo bác sĩ Hairston, đây được xem là một kiểu thao túng khá tinh vi.
8. “Đừng quá bận tâm về điều này”
Tương tự như việc nói với ai đó rằng họ bị điên hoặc phản ứng thái quá, câu nói này làm mất uy tín hoặc giảm thiểu trí thông minh, cảm xúc hoặc độ tin cậy của nạn nhân - Tiến sĩ Douglas cho hay. Về cơ bản, câu nói này sẽ khiến người nghe lo lắng rằng phản ứng của họ đối với sự việc không đúng.
9. “Bạn chẳng biết đùa gì cả”
Những kẻ thao túng thường nói điều này kèm theo các câu nói gây tổn thương, họ cũng có thể soi mói người khác dưới dạng những câu đùa cợt để không bị gán tội nói xấu.
10. “Chính bạn đã khiến tôi phải làm thế”
Những người muốn thao túng người khác thường nói rằng nạn nhân là người đã khiêu khích và nếu có chuyện gì xảy ra, họ sẽ đổ hết mọi tội lỗi lên đầu nạn nhân. Những lúc này, người bị hại sẽ cảm thấy họ cần phải xin lỗi ngay cả khi biết rằng mình không làm gì sai.
11. “Bạn nghĩ họ sẽ tin ai?”
Những câu nói thế này thường đến từ cấp trên hoặc nửa kia của nạn nhân, họ là những người có ảnh hưởng lớn và dễ khiến bạn cảm thấy bất lực, ví dụ như: “Nếu nói ra, bạn nghĩ họ sẽ tin ai, tôi hay một kẻ điên”.
12. “Bạn nhạy cảm quá đấy”
Khi bạn thể hiện sự tổn thương cảm xúc của mình, những kẻ thao túng sẽ dùng câu nói này để phủ nhận những cảm xúc ấy. Vì vậy, cách ứng xử tốt nhất trong trường hợp này là giữ vững quan điểm của bạn. Bác sĩ Hairston gợi ý: “Bạn nên đáp lại rằng: Tôi không cảm thấy mình là người nhạy cảm, chỉ là tôi đang cố gắng để thể hiện quan điểm của bản thân”.
13. “Bạn đang thao túng tôi đấy”
Đổ lỗi là một chiến thuật thường thấy trong trường hợp này. Tiến sĩ Sarkis phát biểu rằng việc buộc tội nạn nhân là kẻ thao túng sẽ gây ra sự nhầm lẫn, khiến họ xao lãng khỏi thực tế rằng bản thân họ mới là người bị hại.
Những biểu hiện tâm lý nào cho thấy bạn đang bị thao túng trong cuộc đối thoại?
Bác sĩ Hairston đã liệt kê một số biểu hiện như sau:
- Nghi ngờ cảm xúc, niềm tin, suy nghĩ của chính mình.
- Đặt câu hỏi về nhận thức và phán đoán của bản thân.
- Cảm thấy đơn độc và bất lực.
- Cảm thấy bối rối.
- Thường xuyên xin lỗi dù không phải lỗi của mình.
- Nghi ngờ về quyết định của bản thân.
- Lo lắng rằng bản thân quá nhạy cảm hoặc có vấn đề.
- Gặp khó khăn khi đưa ra quyết định.
- Nghĩ rằng người khác không thích mình.
Vậy làm cách nào mà quá trình thao túng diễn ra?
Hành vi này có thể diễn ra trong bất kỳ một mối quan hệ nào như vợ chồng, bạn bè, anh chị em, đồng nghiệp hoặc mối quan hệ giữa sếp và nhân viên.
Theo báo cáo của Tiến sĩ Jennifer Douglas, giáo sư lâm sàng về tâm thần học và khoa học hành vi tại Trường đại học Y Stanford, việc thao túng bắt nguồn từ “sự bất bình đẳng xã hội”, trong đó bao gồm cả bất bình đẳng về chủng tộc, giới tính và thường xảy ra trong những trường hợp có sự chênh lệch về quyền lực.
Ví dụ như trong một môi trường làm việc khắc nghiệt, nơi công nhân liên tục bị coi thường và phải làm quá nhiều, việc người quản lý nói rằng họ đối xử với nhau như “gia đình” sẽ có thể thao túng cảm xúc của nhân viên.
Bác sĩ Hairston cũng nói thêm rằng những kẻ thao túng đôi khi sẽ cô lập nạn nhân khỏi gia đình và bạn bè để không ai nhận ra tình trạng của họ, chính sự cô lập này sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc của nạn nhân và hạ thấp lòng tự trọng của họ.
Vậy chúng ta nên làm gì khi nhận ra mình đang bị thao túng?
Việc giao tiếp với kẻ thao túng có thể rất khó khăn vì bạn sẽ luôn bị họ làm cho bối rối và nghi ngờ bản thân, tuy nhiên hãy chú ý và lưu lại những bằng chứng như tin nhắn hoặc email. Chúng ta có thể không ngăn được họ, nhưng ít ra chúng ta sẽ thể hiện rằng mình đã biết được âm mưu của họ. Trong trường hợp này, việc truyền đạt bằng văn bản sẽ tốt hơn là lời nói.
Tuy nhiên, mọi chuyện có thể không thuận lợi như ta tưởng tượng. Tiến sĩ Sarkis cho rằng: “Khi bạn đối đầu với kẻ thao túng, việc không làm chủ được bản thân là hết sức bình thường. Bạn không thể chiến thắng trong cuộc tranh cãi với kẻ có khả năng thao túng mạnh mẽ”.
Vậy nên đôi khi, việc từ bỏ mối quan hệ độc hại là cách tốt nhất. Bác sĩ Hairston khuyên mọi người rằng: “Nếu bạn cảm thấy mối quan hệ này không thoải mái, khiến bạn nghi ngờ bản thân, ảnh hưởng đến lòng tự trọng và sự tự tin của bạn thì hãy tránh xa nó”.
Pháp luật và bạn đọc