MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Gì vậy? 25 tuổi phải về nhà lúc 10 tối ư?" - Nỗi ngạc nhiên của anh chàng người Đức và câu hỏi về tính tự lập của thanh niên Đức – Việt

05-07-2021 - 18:59 PM | Sống

"Gì vậy? 25 tuổi phải về nhà lúc 10 tối ư?" - Nỗi ngạc nhiên của anh chàng người Đức và câu hỏi về tính tự lập của thanh niên Đức – Việt

Tôi đã gặp nhiều người bạn Việt Nam mà tôi muốn mời tới nhà, ở lại qua đêm hoặc đi chơi tối muộn, nhưng không thể, bởi bố mẹ các bạn ấy muốn con cái có mặt ở nhà vào một giờ cố định. Ở Đức, điều này chỉ xảy ra với trẻ em 13 hoặc 14 tuổi…

Sau gần 7 năm sống ở Việt Nam, tôi đã nhận thấy khá nhiều khác biệt giữa Việt Nam và quê hương mình, nước Đức. Sẽ không thể kể hết tất cả những điều khác biệt giữa 2 nước, nhưng trong bài viết này, tôi muốn tập trung vào một vấn đề cụ thể, đó là cách mà người trẻ ở hai nước trưởng thành.

Lần đầu tiên gặp gỡ bạn bè ở Việt Nam, tôi đã hiểu được rằng, cuộc sống của các bạn trẻ gắn bó với gia đình hạt nhân của họ thế nào. Nếu bạn gặp một người 20 tuổi ở Đức, nhiều khả năng là người đó đã sống riêng. Kể cả nếu như họ có sống chung nhà với bố mẹ, họ cũng có thể thường xuyên làm những gì họ muốn. Nhưng ở Việt Nam thì khác.

Tôi đã gặp nhiều người bạn Việt Nam (họ đều là những người đã trưởng thành), nhưng khi tôi muốn mời họ tới nhà, ở lại qua đêm hoặc chỉ là đi chơi tối muộn, thì hầu như là không thể, bởi bố mẹ các bạn ấy muốn con cái có mặt ở nhà vào một giờ cố định. Ở Đức, điều này chỉ xảy ra với trẻ em 13 hoặc 14 tuổi chứ không phải với những người đã trên 18.

Khi lần đầu biết được rằng ở Việt Nam cha mẹ có ảnh hưởng nhiều tới con cái đến mức nào, tôi đã rất ngạc nhiên. "Chuyện gì thế này? Một người 25 tuổi phải có mặt ở nhà lúc 10 giờ tối ư?!", tôi đã nghĩ vậy. Tương tự như vậy, ở Việt Nam, ngủ qua đêm ở nhà người khác là điều không thể, lý do là bố mẹ sẽ hầu như không cho phép. Ở Đức thì điều này sẽ rất lạ lùng.

Chính những chuyện như vậy đã khiến tôi tò mò và muốn tìm hiểu lý do.

Năm 2018, tôi tham gia một cuộc thi về nghiên cứu khoa học ở nơi tôi theo học là trường Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) với chủ đề "So sánh tính tự lập của thế hệ trẻ trong xã hội Đức và Việt Nam", khảo sát hơn 400 người.

Có một điều tôi muốn nói trước ngay từ ban đầu. Việc so sánh tính tự lập giữa giới trẻ Việt Nam và Đức không phải là cách để nói biện pháp giáo dục gia đình ở nước nào là tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn có những khác biệt đáng kể và bạn có thể suy nghĩ để áp dụng về việc giáo dục con cái mình sau bài viết này.

Tại Đức, thời điểm một người quyết định ra sống riêng, tự lo cho cuộc sống của mình, từ tài chính, công việc cho đến các trách nhiệm khác thường được coi như giai đoạn cuối của quá trình "Abnabeln" (dịch nôm na là cắt dây rốn), nghĩa là từ bỏ sự phụ thuộc vào gia đình và trở nên hoàn toàn độc lập. Trong nghiên cứu của tôi, hầu hết những người tham gia khảo sát ở trong độ tuổi từ 19-35. Trong số này, phần lớn rời khỏi gia đình trong độ tuổi 17-20, với lý do chủ yếu là để làm việc hoặc học hành ở một thành phố hay đất nước khác.

Trong khi đó ở Việt Nam, phần lớn cho biết họ sẽ rời khỏi nhà bố mẹ (hoặc lên kế hoạch cho việc này) vào độ tuổi 22-30, trong đó phần lớn tập trung ở độ tuổi 25. Một điều quan trọng là ở thời điểm thực hiện nghiên cứu, khoảng 92% thanh niên Đức tham gia khảo sát đã rời khỏi gia đình của bố mẹ, trong khi 74% số thanh niên Việt Nam vẫn đang sống cùng cha mẹ mình.

 Gì vậy? 25 tuổi phải về nhà lúc 10 tối ư? - Nỗi ngạc nhiên của anh chàng người Đức và câu hỏi về tính tự lập của thanh niên Đức – Việt - Ảnh 1.

Đến đây, chúng ta sẽ đặt câu hỏi liệu việc rời khỏi gia đình bố mẹ sớm sẽ là tốt hay xấu? Thực sự tôi không biết, và có lẽ sẽ không ai có thể đưa ra câu trả lời chắc chắn. Với bản thân mình, khi tôi rời khỏi gia đình vào năm 17 tuổi (lần đầu tiên), đôi khi tôi nhớ sự an toàn và ấm cúng mà chỉ có gia đình mang lại, cho dù tôi chỉ sống với cha mình và có mối quan hệ khá phức tạp với ông.

Ở các xã hội phát triển, tiền bạc đóng một vai trò quan trọng đối với sự tự do của con người trong cuộc sống hàng ngày. Tôi có công việc đầu tiên vào năm 14 tuổi, đó là phát tờ rơi cho một công ty bảo hiểm ở thị trấn nơi mình sinh sống. Ở tuổi 16, tôi đã làm bán thời gian tại một siêu thị ngoài giờ đi học. Với công việc này, tôi có thể kiếm khoảng 400 EUR một tháng, và với số tiền này, tôi có thể làm mọi việc mình thích. Dù thực tế là, hầu hết khoản tiền này đều được đổ vào mua các thứ khá vô bổ hay tiệc tùng vào cuối tuần.

Trong khảo sát, 99% người Đức nói rằng họ tự kiếm tiền và có thể sử dụng nó tuỳ thích. Tương tự, tất cả nói rằng họ có tài khoản ngân hàng riêng và có thể hoàn toàn kiểm soát nó. Mặc dù có nguồn thu nhập riêng, một số vẫn thỉnh thoảng phụ thuộc vào gia đình. Trong khi 65% nói rằng họ không phụ thuộc tài chính vào bố hoặc mẹ.

Những bạn trẻ Việt Nam tham gia khảo sát cũng tự kiếm tiền, cho dù không nhiều đến thế. Dù 82% nói rằng họ có thu nhập riêng và có thể sử dụng tuỳ thích, chỉ 12% cho rằng họ không phụ thuộc vào tài chính của gia đình. Bây giờ, ở Việt Nam, lập một tài khoản ngân hàng không còn khó khăn, nên việc 80% người trẻ tham gia vào khảo sát của tôi cho biết họ có tài khoản ngân hàng riêng không phải là điều quá ngạc nhiên.

Nhìn số liệu này bạn có thể nghĩ rằng các con số đang nghiêng về phía Đức. Nhưng tương tự như vấn đề về nhà cửa, tự lập về tài chính có thể mang nghĩa tốt và xấu. Tôi đã trải qua quãng thời gian khó khăn vì tiền bạc. Việc lo lắng liệu mình có thể trả được các hoá đơn vào cuối tháng sẽ tạo áp lực lớn lên vai bạn. Ngược lại, phụ thuộc tài chính vào gia đình có thể khá khó chịu ở nhiều thời điểm, nhưng lợi thế là họ sẽ hỗ trợ bạn những lúc cần thiết.

 Gì vậy? 25 tuổi phải về nhà lúc 10 tối ư? - Nỗi ngạc nhiên của anh chàng người Đức và câu hỏi về tính tự lập của thanh niên Đức – Việt - Ảnh 2.

Một khía cạnh mà người Việt và Đức tham gia khảo sát có sự khác biệt lớn, đó là quan hệ xã hội. Khi trưởng thành, kết bạn, yêu đương, và thậm chí là chọn vợ hay chồng, bố mẹ có thể sẽ có quan điểm khác biệt với bạn. Nhìn chung ở Đức, kết bạn là việc riêng của tôi, trong khi các bố mẹ Việt Nam có vẻ như can thiệp vào lựa chọn bạn bè của con cái, và đặc biệt là trong việc tìm kiếm người yêu và bạn đời.

Do đó, không mấy bất ngờ khi có tới 91% người Đức trong khảo sát nói rằng họ có thể chọn bạn bè mà không có sự can thiệp của bố mẹ. Ngược lại, chỉ có 55% người Việt có sự tự do tương tự. Khi chọn người yêu, sự khác biệt này thậm chí còn lớn hơn, với tỉ lệ là 92% người Đức "tự do" trong khi chỉ 44% bạn trẻ Việt được hỏi cảm thấy như vậy.

Cuối cùng, ảnh hưởng của bố mẹ Việt Nam với việc con cái lựa chọn bạn đời lớn hơn nhiều so với người Đức, với tỉ lệ 88% người Đức nói rằng bố mẹ họ không can thiệp trực tiếp vào quyết định này, và chỉ có 32% người Việt có cùng quan điểm. Điều đó có nghĩa số còn lại có vẻ như đã nghe theo ý kiến của bố mẹ khi chọn người bạn đời.

Vậy, liệu người Việt trẻ có nên trở nên độc lập hơn?

Câu trả lời là "Có" và "Không".

 Gì vậy? 25 tuổi phải về nhà lúc 10 tối ư? - Nỗi ngạc nhiên của anh chàng người Đức và câu hỏi về tính tự lập của thanh niên Đức – Việt - Ảnh 3.

Giá trị của gia đình mang ý nghĩa quan trọng tại Việt Nam, trong khi ở Đức, phần lớn khá hài lòng khi duy trì khoảng cách với cha mẹ khi họ trưởng thành. Điều này không có nghĩa là họ không còn yêu bố mẹ, chỉ là phần lớn người trẻ tuổi Đức muốn xây dựng cuộc sống riêng và phát triển cuộc sống theo cách họ muốn.

Trong khi đó ở Việt Nam, nơi hệ thống an sinh xã hội vẫn chưa đạt tới mức phát triển của Đức, mối liên hệ với gia đình có ý nghĩa lớn. Nếu bạn cần sự giúp đỡ, gia đình sẽ ở bên và hỗ trợ. Điều này cũng ảnh hưởng tới mối quan hệ của gia đình với xã hội bên ngoài. Do đó, mối quan hệ gia đình đóng vai trò quan trọng với xã hội Việt Nam và nhiều người chấp nhận ảnh hưởng của gia đình đối với nhiều vấn đề riêng tư, như bạn bè, người yêu hay bạn đời.

Tóm lại, cả hai hệ thống giáo dục gia đình đều có các điểm lợi và hại. Tuy nhiên, cả hai đều mang lại động lực để phát triển.

Trong hơn 1 thập kỉ qua, khái niệm "bố mẹ trực thăng" (helicopter parents) ngày càng trở nên phổ biến trên truyền thông Đức. Khái niệm này dựa trên ý tưởng rằng một số gia đình luôn bao bọc con cái mình, và giám sát mọi bước đi dù là nhỏ nhất của con cái, điều đã bị chỉ trích khá nhiều khi một bộ phận cho rằng con cái nên học cách tự lập. Nhìn chung, người Đức không phải lúc nào cũng thống nhất về cách dạy con cái.

Do đó, với Việt Nam, tôi không dám nói rằng gia đình Việt Nam nên làm thế này hay thế nọ. Tôi đã buộc phải tự lập từ khi còn rất sớm và đã mong có thể có thêm thời gian phát triển bản thân trong vòng tay gia đình. Tuy nhiên, điểm mạnh và những gì tôi làm được hôm nay chủ yếu đến từ việc tự lập từ lúc còn nhỏ.

Do đó, nếu bạn hỏi về ý kiến cá nhân, tôi sẽ nói rằng sẽ ủng hộ việc "tự lập có hỗ trợ" càng sớm càng tốt, nghĩa là gia đình có thể cho con cái họ có sự tự do ở mức độ nhất định - bao gồm việc có thể phạm sai lầm và rút ra bài học từ chính sai lầm - trong khi vẫn có môi trường của gia đình hỗ trợ bên cạnh.

 Gì vậy? 25 tuổi phải về nhà lúc 10 tối ư? - Nỗi ngạc nhiên của anh chàng người Đức và câu hỏi về tính tự lập của thanh niên Đức – Việt - Ảnh 4.

Theo Etienne Mahler

Tổ Quốc

Trở lên trên