Giá bánh mì có thể sắp tăng mạnh
Mất mùa lúa mì ở hai trong số những nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và mối lo ngại về chất lượng của 1/3 sản lượng lúa mì niên vụ này đã đẩy giá loại lương thực chủ chốt trên thế giới tăng lên mức cao nhất trong vòng gần 1 thập kỷ, làm dấy lên lo ngại về lạm phát giá lương thực - ảnh hưởng tới hàng triệu người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.
- 17-08-2021Thị trường ngày 17/8: Giá dầu và thép giảm, lúa mì gần cao nhất 8,5 năm, cacao đạt đỉnh 5 tháng
Việc giá lúa mì tăng lên mức cao nhất nhiều năm là một nghịch lý, bởi lúc này thường là mùa nguồn cung lúa mì dồi dào, khi các hầm chứa ngũ cốc ở bán cầu Bắc thường đầy ắp ngũ cốc vụ mới.
Tháng Bảy vừa qua, vụ mùa lúa mì của Canada tiếp tục bị ‘rang cháy’ do hạn hán và nắng nóng, tiếp nối sau một mùa Đông khắc nghiệt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến vụ mùa của Nga. Những thiệt hại đó dự kiến sẽ chỉ được bù đắp một phần bởi sản lượng tăng ở những nơi khác trên thế giới, trong khi đây là loại cây trồng chiếm nhiều diện tích đất nông nghiệp nhất trên toàn cầu, hơn bất cứ một loại cây nào khác, và được sử dụng để làm ra các loại thực phẩm cơ bản như bánh mì, mì ống ngũ cốc ăn sáng….
Giá lúa mì đang trong cơn ‘sốt’, nhất là sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hạ dự báo về sản lượng của Canada và Nga – nguyên nhân dẫn đến việc dự trữ và thương mại trên toàn cầu sụt giảm. Vụ mùa này của Mỹ dự kiến cũng sẽ bị giảm sút, sẽ càng làm gia tăng áp lực lên thị trường có nguy cơ thiếu cung nghiêm trọng.
Chính phủ Mỹ dự báo dự trữ toàn cầu có thể giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm, đặc biệt là khi nguồn cung từ các nhà xuất khẩu chủ chốt đang giảm dần.
Giá cao nhất gần một thập kỷ
Ngày 13/8, giá lúa mì Mỹ giao dịch trên sàn Chicago đã đạt mức cao nhất trong vòng 8 năm rưỡi, lúa mì Châu Âu cũng đồng loạt tăng do lo ngại nguồn cung bị thắt chặt.
Theo đó, lúa mì Mỹ kỳ hạn tháng 9 trên sàn Chicago lên tới 7,74-3/4 USD/bushel, cao nhất kể từ tháng 2/2013. Lúa mì vụ Xuân kỳ hạn tháng 9 trên sàn Mineapolis (Mỹ) cũng đạt 9,53 USD/bushel, cao nhất kể từ tháng 11/2012.
Phiên 16/8, giá lúa mì Mỹ trên sàn Chicago kết thúc ở mức 7,68-1/4 USD/bushel, vẫn sát mức cao kỷ lục.
Tại Châu Âu, giá lúa mì trên sàn Euronext cũng đạt mức cao nhất kể từ tháng 12/2012, trong khi lúa mì Nga cũng tăng mạnh.
Theo đó, lúa mì 12,5% protein của Nga (FOB Biển Đen) kỳ hạn giao tháng 8 phiên đầu tuần này là 287 USD/tấn, tăng 20 USD/tấn so với phiên cuối tuần trước.
"Đó là một cơn bão hoàn hảo. "Báo cáo gần đây nhất của USDA đã khiến giá lúa mì quốc tế tăng mạnh, bao gồm cả của Nga", giám đốc công ty IKAR, Dmitry Rylko, cho biết.
Giá lúa mì thế giới đồng loạt tăng mạnh
Nguồn cung lúa mì toàn cầu bị thắt chặt
Trong báo cáo vừa công bố, USDA đã hạ dự báo về sản lượng và dự trữ lúa mì toàn cầu niên vụ 2021/22, chủ yếu do thời tiết xấu ở Nga, Canada và Mỹ.
Theo đó, dự báo về sản lượng lúa mì thế giới niên vụ 2021/22 bị hạ 2% (hơn 15 triệu tấn) so với vụ mùa trước do thời tiết lạnh giá đến mức đóng băng ở Nga và hạn hán nghiêm trọng ở Bác Mỹ.
Sản lượng giảm nghiêm trọng nhất là ở Canada, nơi dự trữ đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, trong khi hạn hán tiếp diễn trên diện rộng khắp nhiều tỉnh như ở Prairie. Xuất khẩu lúa mì của Canada niên vụ này dự kiến sẽ giảm hơn 1/3, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011/12. Nguồn cung lúa mì cứng toàn cầu năm nay dự kiến sẽ rất thấp, bởi không chỉ xuất khẩu lúa mì của Canada sụt giảm mà của Mỹ cũng xuống mức thấp nhất kể từ niên vụ 1964/65. Sản lượng lúa mì vụ Đông của Nga giảm dự báo sẽ được bù đắp một phần bởi sản lượng vụ Xuân tăng và lượng dự trữ gối từ vụ 2020/21 sang cũng như chính sách hạn chế xuất khẩu, nhưng cũng không đủ bù đắp hoàn toàn cho mức độ thiệt hại. Sản lượng của Liên minh Châu Âu và Ukraina dự báo sẽ tăng và xuất khẩu cao kỷ lục, trong khi xuất khẩu của Australia gần mức cao kỷ lục, giúp thu hẹp khoảng cách thiếu hụt nguồn cung do những nhà sản xuất lúa mì hàng đầu thế giới gây ra, bởi sản lượng của một số nước sản xuất như Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan… cũng giảm.
Riêng về khu vực Liên minh Châu Âu, công ty phân tích Strategie Grains cũng cho biết thời tiết bất lợi ở khu vực này đã làm giảm mạnh triển vọng sản lượng lúa mì, khiến cho thị trường ngũ cốc toàn cầu có nguy cơ "bùng nổ". Còn về vụ mùa của Nga, Công ty tư vấn nông nghiệp Nga, Sovecon, đã hạ giảm 0,3% dự báo về sản lượng lúa mì vụ 2021/22 so với dự báo trước. Đây là lý do khiến Nga đưa ra những biện pháp nhằm hạn chế xuất khẩu để bình ổn giá trong nước.
Giá lúa mì Nga - nước xuất khẩu hàng đầu thế giới - tăng mạnh do mất mùa
Trong báo cáo mới nhất, Strategie Grains đã hạ dự báo sản lượng lúa mì mềm của 27 quốc gia EU xuống 131,5 triệu tấn, giảm 1,5 triệu tấn so với dự báo trước đây. Công ty này dự đoán sản lượng lúa mì toàn cầu bao gồm cả lúa mì cứng và mềm, niên vụ này sẽ chỉ đạt 750,3 triệu tấn, giảm 14 triệu tấn so với dự báo trước. Strategie Grains cho rằng xuất khẩu lúa mì mềm của EU trong năm 2021/22 sẽ tăng 1,7 triệu tấn so với dự báo trước, lên 32,7 triệu tấn, trong đó tỷ trọng lúa mì dùng làm thức ăn chăn nuôi sẽ tăng so với năm ngoái.
Trong khi đó, theo USDA, tiêu thụ lúa mì toàn cầu vẫn duy trì ở mức cao, bởi nhu cầu mạnh không chỉ ở lĩnh vực thực phẩm mà cả để làm hạt giống cũng như sử dụng trong công nghiệp và thức ăn chăn nuôi.
Kết quả là, USDA dự trữ lúa mì toàn cầu dự báo sẽ giảm 5% xuống mức thấp nhất 5 năm. Do giá cao, các nhà nhập khẩu vốn nhạy cảm với giá cả sẽ tìm cách đối phó bằng việc rút hàng dự trữ ra sử dụng, khiến lượng dự trữ giảm mạnh, đồng thời cũng sẽ khiến thương mại lúa mì toàn cầu trong niên vụ 2021/22 sẽ giảm gần 3,5 triệu tấn so với dự báo trước đây.
Strategie Grains cũng dự đoán tỷ lệ tiêu thụ/dự trữ lúa mì ở các nước xuất khẩu lớn sẽ giảm xuống mức thấp gần nhất kể từ năm 2012/13, do nhu cầu lúa mì toàn cầu sẽ tiếp tục tăng lên, bất chấp Covid-19.
Chất lượng lúa mì kém đi
Không chỉ sản lượng giảm, chất lượng lúa mì thế giới niên vụ 2021/22 dự báo cũng sẽ kém đi do thời tiết xấu.
Theo USDA, chất lượng lúa mì ở Bắc Mỹ năm nay sẽ giảm sút do thời tiết khô hạn vào những thời điểm quan trọng trong quá trình sinh trưởng của cây.
Strategie Grains cũng cho biết thời tiết ẩm ướt ở EU trong thời gian chuẩn bị thu hoạch cũng làm giảm chất lượng lúa mì ở Pháp và Đức, trong khi nhiệt độ cao hồi tháng 6 đã làm giảm năng suất ở Ba Lan và Bắc Âu. Khảo sát sơ bộ cho thấy, chỉ khoảng 35% lúa mì Pháp đủ tiêu chuẩn để xay xát làm thực phẩm.
Người tiêu dùng bị ảnh hưởng nhiều nhất
Việc giá lúa mì tăng mạnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới người tiêu dùng, nhất là ở những nước nghèo và phụ thuộc vào nhập khẩu, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành.
Chi phí cho bánh mì – bữa ăn của tỷ lệ lớn dân số thế giới - tăng lên sẽ làm gia tăng áp lực lên chuỗi cung ứng thực phẩm vốn đang phải căng mình trong tình trạng thiếu lao động và gián đoạn logistics, kể cả ở Mỹ.
James Doyle, phó chủ tịch điều hành của King Milling Company ở Lowell, Michigan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn của Bloomberg rằng: "Người tiêu dùng sẽ cảm nhận ảnh hưởng từ việc giá tăng lên", "Bất kể giá lúa mì trên sàn giao dịch kỳ hạn tăng ít hay nhiều thì mức tăng đó cũng sẽ chuyển sang giá bột khi người thợ làm bánh".
Carlos Mera, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa nông nghiệp của Rabobank cho biết: "Thị trường hiện đang xem xét mức thâm hụt lúa mì toàn cầu", "Điều này làm dấy lên lo ngại về lạm phát giá lương thực. Lúa mì là một thực phẩm thiết yếu. "
Chỉ số giá xuất khẩu lúa mì, được tính toán bởi Hội đồng ngũ cốc quốc tế - trụ sở tại London, năm nay đã tăng 46%. Trong khi đó, chỉ số giá nông sản toàn cầu của Liên hợp quốc đang ở mức cao nhất trong hàng thập kỷ.
Là nguyên liệu của rất nhiều thứ, từ bánh mì baguette của Pháp đến bánh mì dẹt Trung Đông cho đến mì châu Á, giá lúa mì có tác động trực tiếp đến người tiêu dùng nhiều hơn so với các loại cây trồng như ngô và đậu nành, vốn chủ yếu được dùng làm thức ăn cho động vật.
Nhiều quốc gia luôn sẵn sàng dự trữ ngũ cốc để giữ cho nguồn cung không bị cạn kiệt, vì tình trạng thiếu lương thực thường là dấu hiệu của bất ổn xã hội. Các nước nhập khẩu cũng cần dự trữ để có hàng dùng lúc giá cao, tránh ảnh hưởng nhiều đến ngân sách nhập khẩu.
Tổng thống Ai Cập gần đây đã thúc giục tăng giá bánh mì trợ cấp cho người dân của mình, một phần trong nỗ lực giảm chi tiêu của chính phủ. Trong khi đó, một loạt hợp đồng bán lúa mì của các nước từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Jordan gần đây đã bị hủy bỏ hoặc bên mua yêu cầu hạ giá vì các nhà nhập khẩu không chịu nổi cú "sốc" giá mới.
Sự biến động của hàng hóa có thể mất nhiều thời gian để đi vào chuỗi cung ứng. Giá bán lẻ cũng có thể cao và trong một số trường hợp, chi phí thực phẩm được chính phủ trợ cấp. Nhưng chi phí tăng cao như hiện nay có nghĩa là giá ngũ cốc có thể vẫn ở mức cao cho đến khi bán cầu Nam vào mùa thu hoạch, đầu năm 2022, khi đó mới có thể giảm bớt áp lực về thiếu cung.
Chi phí vận chuyển ngũ cốc trên khắp thế giới cũng đang tăng đáng kể. Nhìn chung, vấn đề này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến những quốc gia nghèo, phụ thuộc vào nhập khẩu và đang quay cuồng đối phó với Covid-19.
Nhập khẩu lúa mì nước ta năm nay tăng mạnh
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu gần 2,31 triệu tấn lúa mì, trị giá gần 641,54 triệu USD, giá trung bình 278 USD/tấn, tăng lần lượt 26,3%, 35,7% và 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường Australia cung cấp tới 75% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của Việt Nam, với 1,72 triệu tấn, tương đương 482,08 triệu USD, giá 280,6 USD/tấn, tăng rất mạnh 278% về lượng, tăng 281% về kim ngạch và tăng 0,8% về giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, nhập khẩu từ các thị trường khác nhìn chung sụt giảm. Theo đó, nhập khẩu lúa mì từ Brazil 6 tháng đầu năm nay ở mức 226.597 tấn, trị giá 54,11 triệu USD, giảm trên 8% cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu từ Mỹ 151.215 tấn, trị giá 44,93 triệu USD, giảm 26% về lượng và giảm 21% kim ngạch; nhập khẩu từ Nga 36.627 tấn, trị giá 10,42 triệu USD, giảm mạnh 89% cả về lượng và kim ngạch; từ Canada 34.905 tấn, trị giá 9,72 triệu USD, giảm 88% cả về lượng và kim ngạch.
Tham khảo: Bloomberg, Reuters