Giá bất động sản Bắc Giang tăng ảo, nhà đầu tư vẫn xuống tiền, người dân thắc mắc: “Không hiểu người ta mua đất để làm gì?”
Dự án đi qua mới nằm trên giấy, cơ sở hạ tầng vẫn chưa có nhiều đổi thay nhưng giá đất tăng gấp đến 2 lần chỉ trong vòng một năm tại nhiều khu vực vùng quê Bắc Giang. Dù phải trả một giá cao, nhà đầu tư từ các vùng đất khác sẵn sàng xuống tiền.
Hơn 1 năm qua, Bắc Giang trở thành "miền đất hứa" của các nhà đầu tư cá nhân đổ bộ tới. Cùng với đó là cơn "ngáo giá đất" bùng nổ với mức tăng chóng mặt. Ông D., gần 60 tuổi, ở Lục Ngạn, Bắc Giang kể, quê nhà ông xôn xao hẳn lên khi người ta chỉ truyền tai nhau về giá đất. So với thời điểm trước Tết năm 2022, giá đất quê ông tăng gấp 2 lần chỉ trong vòng 1 năm.
"Đất sốt ảo lắm. Tăng giá đến kinh hoàng. Tôi không hiểu sao giá đất lại tăng thế! Toàn ảo thôi, chứ dân quê ở đây làm gì có ai mua", ông D. nói.
Vùng quê Bắc Giang bất ngờ "dậy sóng" vì những cơn ngáo giá đất. (Ảnh: Hải Nam)
Người đàn ông ở Lục Ngạn này kể, lô đất sát trục đường chính trước đây chỉ có vài trăm triệu đồng, giờ đã lên tiền tỷ. Nhất là lô đất gần sát trục đường nhựa lớn, giá lên 2-3 tỷ đồng. "Toàn người ở vùng khác đến mua đất. Họ còn mua cả đất thổ cư trong dân. Cứ lô đất nào mà ô tô đi được vào là họ gom rồi mua. Tôi chẳng hiểu họ mua đất để làm gì? Ví dụ họ mua đất dự án để ở thì đã đành nhưng họ lại mua đất thổ cư trong dân, vùng đồng không mông quạnh. Chắc họ đợi tăng giá rồi bán lại cho người từ vùng khác đến sao?
Nhưng cũng chẳng hiểu sao đất lại bị đẩy lên tăng giá nhiều vậy. Vì tôi chưa thấy có dự án nào đang xây dựng ở xung quanh quê tôi. Có dự án thì họ duyệt quy hoạch rồi mãi chẳng có nhà đầu tư nào vào. Hay có dự án nào xuất hiện chắc cũng chỉ nằm trên giấy".
Sống cả đời gắn bó với vùng đất quê nơi này, ông D. tự nhận: Quê tôi còn quê lắm. Toàn đồi núi, đường thì xấu, gập ghềnh, dân trí vẫn chưa cao. Mỗi người dân gốc nơi đây sở hữu hàng trăm m2 đất, xây dựng nhà cửa rộng rãi. "Thế nên tôi không hiểu người ta từ nơi khác đến mua đất mà lỡ không bán được cho người ngoài thì bán cho ai? Vì dân quê tôi có ai thiếu đất ở đâu?".
Cùng một câu hỏi như ông D., anh T. nhiều lần thắc mắc: "Đất quê đắt như vậy mà vẫn có người mua". Theo anh T., ngay cả lô đất có thể kinh doanh mặt đường lớn có giá trị 2 tỷ đồng nhưng khả năng buôn bán thu về lợi nhuận rất thấp. Bởi thu nhập bình quân đầu người chưa cao, nhu cầu sử dụng dịch vụ ăn uống thấp.
Anh T. cho biết thêm, giá đất nhảy múa nhưng giao dịch chủ yếu là đến từ những người vùng khác đến. Người dân cũng chỉ kháo nhau vì giá đất tăng cao. Thực tế, lượng người dân tham gia vào buôn bán đất rất thấp. "Chỉ có lượng ít thanh niên trẻ tham gia vào làm môi giới công ty bất động sản mới đi chào mời, giới thiệu khách".
Anh T. cũng cho hay, từ thời điểm Tết đến nay, giá đất hiện đang đứng yên, không có biến động lên xuống. "Chắc thời gian tới, đất quê tôi sẽ đóng băng vì giá đã tăng quá mạnh trong thời gian ngắn. Chỉ mong giá đất trở về bình thường không quê tôi cứ náo loạn lên. Người trẻ muốn lập nghiệp mua nhà khổ sở vì giá đất tăng".