Giá bất động sản cuối năm 2022 sẽ giảm 30%
Nhận định về thị trường bất động sản thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, giá sẽ giảm đi 30% nhưng không sụp đổ và sau đó sẽ phục hồi.
Tại Hội thảo "Xu hướng thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm 2022" diễn ra mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay đang ở mức “chân không tới đất, đầu không tới trời”.
Phần lớn giao dịch bất động sản trong 2 năm vừa rồi đều là giao dịch của nhà đầu tư, ít giao dịch mua để ở. Số lượng giao dịch mua để ở chỉ chiếm 0,26 phần nghìn. Thị trường bất động sản hiện nay là sân chơi của nhà phát triển dự án và nhà đầu tư thứ cấp.
Nhận định về thị trường bất động sản thời gian tới, ông Nghĩa chia sẻ nhận định của một nhóm chuyên gia: giá sẽ giảm đi 30% nhưng không sụp đổ và sau đó sẽ phục hồi.
“Năm 2008, giá bất động sản giảm tới 60 - 70%. Chúng ta đang có nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, tăng trưởng kinh tế cao, lãi suất tăng ít. Nền tảng này giúp cho nhận định giá bất động sản có thể giảm 30% và sau đó có thể phục hồi trở lại như trên là đúng”, ông Nghĩa nói.
Giá bất động sản cuối năm 2022 sẽ giảm 30%.
Đồng quan điểm, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Công ty Soho Việt Nam cũng cho hay, thị trường bất động sản đã trải qua cuộc khủng hoảng 2008 - 2010, vấn đề đặt ra là các hoạt động của thị trường bất động sản hiện nay có đều gì giống và khác so với cuộc khủng hoảng của giai đoạn trước?
Dưới góc nhìn của một người làm trong lĩnh vực bất động sản, ông Cần nhận thấy vào giai đoạn trước thị trường bất động sản rất phát triển, giá tăng, dự án nhiều, tăng trưởng tín dụng đẩy bất động sản phát triển từ 30-37%.
Tuy nhiên 2022, tín dụng bất động sản siết, trái phiếu bị siết, nguồn cung thiếu, thực tế dòng tiền tín dụng không đổ vào nữa khiến giá bất động sản chững lại, đi xuống. Các nhà đầu tư đang nghe ngóng tình hình, lo tiền trả trái phiếu, ngân hàng trong khi lượng bán ra chậm, thị trường chưa đổ vỡ nhưng giá chững và giảm giá 15- 20%.
Hiện, các dự án bị rà soát, nhiều dự án đình trệ do thiếu thủ tục hồ sơ pháp lý nên thiếu nguồn cung, đặc biệt tại các thị trường lớn và sôi động như TP. HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Hà Nội…
“6 tháng cuối năm với nền lãi suất như hiện nay, nếu người vay cần bán thì giá bất động sản mới giảm. Với những người không cần vay tiền khi nguồn cung bất động sản lớn, nhu cầu về bất động sản ở thực tế cao thì giá bất động sản khá chắc”, ông Cần nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong nửa đầu năm 2022, thị trường bất động sản bị tác động bởi hàng loạt các yếu tố như lạm phát phủ bóng lên nền kinh tế, dòng tiền có những dấu hiệu chậm lại; thanh khoản giảm rõ rệt; chính sách siết tín dụng và hạn chế nguồn cung làm cho giá nhà bị đẩy lên, vượt quá sức mua của phần lớn người dân. Các kênh huy động vốn yếu và thiếu. Nhà đầu tư dần mất niềm tin…
Chính những điều đó đã ảnh hưởng tới thị trường bất động sản Việt Nam. Cụ thể, đối với nhà ở, dòng tiền dễ chủ yếu phân bố vào các dạng bất động sản đầu cơ nên đẩy giá nhà tăng quá nhanh. Nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp không được chú trọng, dẫn đến thiếu nguồn cung cho phân khúc mà nhu cầu để ở thực rất cao.
Trong 6 tháng cuối năm, ông Đính cho rằng, thị trường bất động sản đang trải qua thời kỳ tái cân bằng. Giá nhà sẽ chịu áp lực tăng do chi phí tăng: lạm phát, nhu cầu nhà ở cao và nguồn cung thấp tiếp tục khiến chi phí tăng vọt. Thanh khoản sẽ giảm, dòng tiền dễ không còn. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng cho dòng tiền nghỉ ngơi và trở nên thận trọng hơn.
“Giá bất động sản sẽ giảm giá nhưng ở nhóm được “thổi giá” trong giai đoạn gần đây, bất động sản bị đẩy giá cao có tính ảo. Những bất động sản khác có nhu cầu thực rất khó giảm giá đặc biệt là đất đai”, ông Đính nhấn mạnh.
Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư, bà Nguyễn Thị Cúc - Nguyên Phó tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, hiện nay, vẫn có tình trạng cố tình thổi giá bất động sản nên các nhà đầu tư cần tỉnh táo.
“Nếu như chúng ta không nắm chắc, minh bạch được thì sẽ rất dễ bị “vạ lây”. Ngoài ra, do cơ sở dữ liệu giá nhà đất chưa đồng bộ và chưa sát với giá thị trường nên nhiều trường hợp đẩy lên hoặc ghi thấp xuống để né thuế theo mục đích của cuộc giao dịch”, bà Cúc chia sẻ.
VTC