Giá bất động sản đã giảm nhưng vì sao người mua vẫn chần chừ chưa xuống tiền?
Sự trầm lắng của thị trường địa ốc chưa có tín hiệu dừng lại mà ngày càng lan rộng. Ghi nhận nhiều khu vực, một số chủ đất đã bắt đầu “cắt lỗ”. Nhưng lượng thanh khoản lại rất èo uột.
Hơn 1 tháng trở lại đây, lượng hàng gửi bán mà anh Nguyễn Thanh (môi giới ở Hải Dương) nhận được tăng mạnh. Cùng với đó là mức giá cũng giảm nhiệt mạnh. So với thời điểm thị trường ấm, một số lô đất đẹp từng không có người chào bán thì hiện tại mức giá giảm tới 30%.
Nếu mua ở mức giá mà chủ đất rao bán, anh Thanh dự đoán, chắc chắn 2-3 năm, người mua sẽ có lời. Thế nhưng, điều đáng nói, dù nguồn hàng gửi bán giảm giá sâu, người mua vẫn thờ ơ. “Chỉ có vài khách đi xem nhưng tâm lý dửng dưng, không ai mặn mà”.
Trong trường hợp tương tự như anh Nguyễn Thanh, anh Đức Toàn (môi giới Hà Nội) cho biết, so với cách đây 2 tháng, giá bất động sản đã hạ. Nhiều chủ bất động sản chấp nhận giảm từ 10-15%. Nhưng người mua đều không mặn mà.
Ảnh minh hoạ.
“Trước đó 2 tháng, có khách cần tìm nhà gấp. Nhưng đến khi tìm được căn nhà đất đúng tiêu chí đặt ra, thậm chí giá giảm nhưng họ lại chần chừ khất nhiều lần không muốn xem. Nhìn chung, tâm lý của người mua đang đợi chờ giá giảm sâu thêm”, anh Toàn nói thêm.
Theo số liệu thống kê của Batdongsan.com.vn cho thấy, sơ bộ 9 tháng đầu năm nay, có hơn 32.200 sản phẩm mới được chào bán, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, 36% số người được hỏi cho biết rào cản lớn nhất là khách hàng lo sợ thị trường tiêu cực nên không dám đầu tư vào bất động sản, 23% chia sẻ giao dịch không thể chốt thành công do khách hàng bị hạn chế trong vay vốn để mua bất động sản, 19% nhận thấy trở ngại chính là giá bất động sản quá cao so với khả năng tài chính của người mua.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thị trường bất động sản chiết khấu đến 50% thì người dân bình thường cũng khó mà mua được. Ông Võ cho rằng, cần phải giảm nữa như giá trị ngôi nhà tạo dựng được phải trờ về đúng với giá trị thực của vật liệu xây dựng. Và 1-2 năm tới mới giảm được giá đất. Lúc đó, tiền nhà và đất mới vừa túi tiền của người mua. Các nhà đầu tư quen với hưởng lãi lớn khi thị trường nóng thì cũng phải biết chấp nhận lỗ khi thị trường lạnh.
Một số nhà đầu tư kỳ cựu cũng cho rằng, tâm lý chung của người mua hiện tại đang kỳ vọng giá tiếp tục giảm. Dự tính cuả họ xuống tiền vào năm 2023. Họ lựa chọn gửi tiết kiệm ngân hàng 3-6 tháng để đảm bảo vốn và gia tăng dòng tiền nhờ lãi suất cao.
Với họ giá bất động sản hiện tại chưa giảm mạnh, vẫn ở ở mức cao. Bên cạnh đó, việc lãi suất tăng quá cao, khó tiếp cận với vốn vay ngân hàng, cùng với nỗi lo kinh tế biến động khiến người mua cũng rất dè chừng, cẩn trọng khi mua. Họ chấp nhận thuê nhà để chờ đợi mà không dám đánh cược.
Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa, ở thời điểm hiện tại, giá chưa phải “đáy” dù đã có giảm. Ông Quang dự đoán, tháng 12, giá bất động sản còn giảm tiếp.
Trường hợp có hỗ trợ sớm thì tháng 3/2022, thị trường phục hồi. Nhưng ngược lại, thị tường vẫn gặp khó thì khả năng giá bất động sản sẽ tiếp tục đi xuống.
Cũng theo vị này, mỗi nhà đầu tư có “khẩu vị” riêng. Nếu quan sát trên thị trường, ai chấp nhận rủi ro thì mua.
Ông Quang đưa ra khuyến nghị, 3 nguyên tắc khi xuống tiền: đầu tư các loại bất động sản có pháp lý hoàn chỉnh, tính thanh khoản cao, vị trí gần trung tâm, hoặc kết nối thông thoáng về khu trung tâm; chọn sản phẩm mà mình có kinh nghiệm đầu tư để dễ dàng mặc cả, mua vào giá tốt; săn các sản phẩm của dự án có chính sách giảm giá nhiều bằng chiết khấu kỹ thuật.
Ông Quang cũng khuyên người mua sử dụng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ phù hợp và xác định tầm nhìn đầu tư trung – dài hạn.
Nhịp sống thị trường