MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá bất động sản sẽ còn tăng cho đến khi nào nguồn cung được cải thiện

09-06-2022 - 10:53 AM | Bất động sản

Giá bất động sản sẽ còn tăng cho đến khi nào nguồn cung được cải thiện

Thị trường nhà ở trong nước đang và sẽ chứng kiến nhu cầu rất lớn cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh và tỷ lệ dân số vàng. Tuy nhiên, nguồn cung dự án hạn chế do nhiều vấn đề tồn tại đang khiến thị trường lệch pha cung cầu.

Thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay có nhiều biến động trước những chính sách như siết thuế chuyển nhượng bất động sản, tạm dừng phân lô bán nền, siết tín dụng và kiểm soát phát hành trái phiếu… Tuy nhiên, giá bất động sản vẫn tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Tính đến tháng 5/2022, với phân khúc căn hộ, thị trường Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh vùng ven ghi nhận giá tăng từ 5-10% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ hấp thụ cao, đạt 80-90%, theo số liệu của Datxanh Serives.

Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho biết: “Theo Báo cáo thị trường quý I của Savills, thị trường căn hộ ở TP.HCM quý I chỉ có 2.150 căn mở bán. Với dân số hơn 10 triệu người, nguồn cung đó không đủ nên khi mở bán dễ dàng được thị trường hấp thụ hết. Chúng ta sẽ thấy giá bất động sản tăng cho đến khi nguồn cung được cải thiện”.

Tại báo cáo quý I/2022 của CBRE cũng chỉ ra, nguồn cung bất động sản trên thị trường vẫn đang tình trạng khan hiếm. Riêng TP.HCM ghi nhận chỉ duy nhất một dự án hiện hữu mở bán giai đoạn tiếp theo với hơn 800 sản phẩm, con số này cho thấy lượng sản phẩm mới chào hàng ra thị trường theo quý thấp kỷ lục trong gần 10 năm trở lại đây.

Ông Neil MacGregor đánh giá thị trường nhà ở trong nước đang và sẽ chứng kiến nhu cầu rất lớn cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh và tỷ lệ dân số vàng. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra nguồn cung dự án mới hạn chế, đơn cử như ở đô thị lớn nhất cả nước là TP.HCM do nhiều vấn đề tồn tại đang khiến thị trường lệch pha và cần nhiều giải pháp thiết thực để giải quyết tình trạng này.

Chia sẻ với báo chí trước đó, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản từ đầu năm 2022 đến nay đang chịu nhiều “cú sốc”. Việc kiểm soát dòng vốn đổ vào tín dụng hay phát hành trái phiếu là một giải pháp nhằm bình ổn thị trường, đảm bảo sự phát triển lành mạnh. Tuy nhiên, kiểm soát quá chặt chẽ đang làm cho thị trường bất động sản “khó thở”, các doanh nghiệp bất động sản không dám gia nhập thị trường, triển khai dự án. Từ đó gây ra nhiều diễn biến xấu cho thị trường bất động sản.

Theo Phó Chủ tịch VARS, nguồn cung bất động sản sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, từ phân khúc căn hộ đến biệt thự du lịch nghỉ dưỡng. “Thị trường bất động sản đang hy vọng cải thiện nguồn cung trong năm 2022 sau hai năm sụt giảm do ảnh hưởng dịch bệnh. Việc thắt chặt dòng vốn đang khiến nguy cơ nguồn cung khó phục hồi. 

Khi doanh nghiệp không huy động được vốn, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ rơi vào trạng thái kinh tế khó khăn, không đủ tiềm lực để thực hiện dự án cũng như hoàn thiện dự án. Chưa kể, nhiều chủ đầu tư, doanh nghiệp đang e ngại ra hàng ở thời điểm hiện tại - thời điểm được coi là nhạy cảm của thị trường bất động sản”, ông Nguyễn Chí Thanh nhìn nhận.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, hiện thị trường bất động sản đang tồn tại tình trạng “lệch pha cung-cầu” dẫn đến rất thiếu nguồn cung dự án, rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, xảy ra tình trạng “lệch pha phân khúc thị trường” về phân khúc nhà ở cao cấp, như tại TP.HCM thì nhà ở có giá vừa túi tiền năm 2020 chỉ chiếm 1% tổng số nhà ở và năm 2021 thì không còn loại nhà ở có giá vừa túi tiền (0%), trong khi 74% sản phẩm nhà ở thuộc phân khúc cao cấp, còn lại 26% thuộc phân khúc trung cấp.

“Tình trạng khan hiếm nhà ở đã đẩy giá nhà tăng cao liên tục trong 5 năm qua vượt quá khả năng thu nhập của đa số người dân”, ông Châu nhấn mạnh.


https://cafef.vn/gia-bat-dong-san-se-con-tang-cho-den-khi-nao-nguon-cung-duoc-cai-thien-20220609085851778.chn

Linh Phong

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên