Giá cả hàng hoá đảo chiều, cổ phiếu Thép, Dầu khí, Phân bón, Chăn nuôi sẽ diễn biến ra sao trong nửa cuối năm?
Theo Agriseco Research, giá hàng hóa đang dần hạ nhiệt từ đầu tháng 6 tới nay báo hiệu xu hướng đảo chiều sau khi đã tăng mạnh bất thường trong 2 năm qua. Điều này cũng tạo ra một số cơ hội đầu tư cổ phiếu trong trung và dài hạn theo xu hướng giá hàng hóa.
Hai năm vừa qua, giá hàng hóa cơ bản đã trải qua giai đoạn tăng mạnh mẽ. Một số hàng hóa cơ bản như dầu mỏ, khí đốt, than đá đã tăng và lập đỉnh trong vòng nhiều năm trở lại đây. Nguyên nhân chính của đà tăng giá này chủ yếu đến từ nhu cầu phục phục hồi mạnh mẽ khi các nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường hậu đại dịch và nguồn cung hàng hóa trên toàn cầu đang bị ảnh hưởng do đứt gãy chuỗi cung ứng bởi Covid 19 và căng thẳng địa chính trị toàn cầu.
Mặc dù vậy, từ đầu tháng 6 tới nay, chỉ số CRB đang có xu hướng hạ nhiệt trước những nỗ lực kiềm chế lạm phát, hạ nhiệt giá hàng hóa của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương các quốc gia trên thế giới. Điều này báo hiệu xu huớng đảo chiều của giá hàng hóa sau khi đã tăng mạnh bất thường trong 2 năm qua.
Giá nhiều mặt hàng có xu hướng hạ nhiệt
Báo cáo mới đây của Agriseco Research nhận định giá dầu mặc dù vẫn đang ở mức cao tuy nhiên đã có sự điều chỉnh từ đầu tháng 6. Hiện nay, giá dầu Brent đang giao dịch ở mức 103,86 USD/thùng, giá dầu WTI là 96,35 USD/thùng. Đội ngũ phân tích cho rằng đây vẫn là mức cao nhưng đã có sự chững lại trong đà tăng của giá dầu. Giá dầu từ giờ tới cuối năm có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ, và tiếp tục hạ nhiệt trong năm 2023 khi nguồn cung được bù đắp bởi sự gia tăng sản lượng của OPEC+ và Mỹ.
Đối với giá lương thực, kể từ khi bùng phát đại dịch Covid 19, chỉ số giá lương thực toàn cầu đã không ngừng tăng cao do sự đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Mặc dù vậy, chỉ số giá lương thực đã có xu hướng hạ nhiệt, song vẫn neo ở mức khá cao so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Agriseco Research, giá nông sản sẽ hạ nhiệt nhưng khó giảm mạnh từ giờ tới cuối năm do nhu cầu toàn cầu lớn, thời tiết bất lợi ở một số nước; chi phí sản xuất và vận chuyển cao và gián đoạn chuỗi cung ứng vì Covid-19 và cuộc xung đột Nga – Ukraine. Theo đó, đội ngũ phân tích cho rằng giá nông sản sẽ hạ nhiệt nhưng khó giảm mạnh từ giờ tới cuối năm 2022. Có thể từ năm 2023, giá nhiều loại nông sản sẽ hạ nhiệt mạnh hơn do các chính sách hạn chế xuất khẩu dần hết hiệu lực.
Giá heo đã trải qua chu kỳ tăng giá rất mạnh từ giữa năm 2019-2020 do dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Từ đầu năm 2022 tới nay, giá heo lại bắt đầu chu kỳ tăng giá mới trước tình trạng giá nguyên liệu TACN tăng mạnh dẫn đến nhiều hộ nuôi heo phải chịu thua lỗ và cắt giảm tái đàn. Đội ngũ phân tích giá heo có thể tiếp tục tăng từ giờ tới cuối năm 2022 do thiếu hụt nguồn cung bởi tỷ lệ tái đàn đầu năm thấp khi giá nguyên liệu tăng cao, nhiều hộ nông dân thua lỗ.
Giá phân bón thế giới đã hạ nhiệt từ tháng 5 trở lại đây mặc dù vẫn ở mức cao so với mặt bằng của những năm trước. Giá ure tại Bắc Mỹ đã giảm hơn 33% từ đỉnh, hiện đang giao dịch dưới 600 USD/tấn. Cũng theo xu hướng này, giá ure tại Việt Nam đã giảm xuống còn 15.000 đ/kg từ mức 18.500 đ/kg.
Hiện nay, giá nguyên liệu đầu vào như than, khí tự nhiên đảo chiều giảm làm giảm áp lực lên giá phân bón. Lượng phân bón tồn kho trên thế giới, đặc biệt ở châu Mỹ, đang tăng mạnh khi nông dân hạn chế mua vì giá quá cao cũng là yếu tố cho thấy giá phân bón nhiều khả năng sẽ tiếp tục hạ nhiệt.
Giá các loại hóa chất như phốt pho vàng hay xút đều đảo chiều giảm kể từ đầu tháng 6 trở lại đây cùng với xu hướng chung của nhóm hàng hóa khác. Nguyên nhân do nguồn cung đã cân bằng trở lại khi Trung Quốc mở cửa và bắt đầu nối lại các hoạt động sản xuất hóa chất. Sản lượng phục hồi tại Trung Quốc có thể khiến giá hóa chất tiếp tục hạ nhiệt.
Triển vọng các nhóm cổ phiếu ra sao?
Cổ phiếu Dầu khí thường có xu hướng đi theo giá dầu, vậy nên việc giá dầu chững lại cũng sẽ khiến nhóm này khó thu hút dòng tiền. Agriseco Research đánh giá sẽ có sự phân hóa theo triển vọng kinh doanh đối với cổ phiếu dầu khí trong bối cảnh giá dầu không còn tăng nóng. Nhóm thượng nguồn sẽ có triển vọng tích cực với các dự án thăm dò, khai thác được kích hoạt khi mặt bằng giá dầu ở mức cao. Mặt khác, nhóm trung, hạ nguồn KQKD sẽ suy giảm do không còn hưởng lợi từ hàng tồn kho giá rẻ và giá bán đầu ra tăng cao.
Đối với cổ phiếu Thuỷ sản, Agriseco Research đánh giá tiêu cực do nhiều yếu tố hưởng lợi đã không còn. Theo đó, giá cá tra đang giảm từ vùng đỉnh, giá cá tra nguyên liệu đã giảm từ 32.000 đồng/kg về 29.000 đồng/kg. Kết hợp thêm yếu tố lạm phát tăng cao tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ hay EU làm ảnh hưởng tới sức cầu tiêu thụ. Nhiều khả năng nhóm ngành thủy sản đã bước qua đỉnh của chu kỳ.
Nhóm cổ phiếu Phân bón - Hoá chất cũng không hấp dẫn khi giá phân bón, hoá chất đang có xu hướng tạo đỉnh và hạ nhiệt trong nửa cuối năm. Riêng nhóm phân bón, đội ngũ phân tích cho rằng hai năm qua giá phân bón tăng mạnh là do yếu tố nguồn cung thiếu hụt và nguyên liệu đầu vào tăng cao. Khi các yếu tố đó không còn nữa thì giá có thể hạ nhiệt và trở thành thách thức với nhóm ngành này.
Đối với nhóm cổ phiếu Thép, Agriseco Research cho rằng ngành thép đang ở trong chu kỳ giảm khi giá thép (bao gồm giá thép xây dựng và giá thép HRC) đã liên tục giảm mạnh kể từ đầu năm 2022 trở lại mức trước đại dịch Covid 19. Với việc đã giảm trước nhiều loại hàng hóa khác, giá thép có thể sẽ khó giảm mạnh nữa mà thiên về khả năng đi ngang, thậm chí có thể nhích tăng nhẹ khi Trung Quốc mở cửa, thị trường nhà ở sôi động trở lại dẫn đến nhu cầu xây dựng vật liệu xây dựng tăng. Giá than cốc (nguyên liệu đầu vào chính phục vụ luyện kim) đang giảm mạnh cũng là điểm tích cực đối với các doanh nghiệp sản xuất thép.
Nhóm cổ phiếu Chăn nuôi được cho là "sáng cửa" đầu tư khi ngành chăn nuôi đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong nửa đầu năm 2022 bởi giá nguyên liệu đầu vào TACN như giá ngô, giá lúa mỳ tăng rất mạnh, trong khi giá đầu ra như giá heo lại không tăng đáng kể. Tuy nhiên kể từ tháng 6 trở lại đây, diễn biến này đã có sự đảo chiều khi giá nguyên liệu TACN có sự hạ nhiệt với giá ngô và giá lúa mỳ bắt đầu giảm, ngược lại giá heo hơi đã tăng trở lại khi nhiều hộ nông dân treo chuồng trước tình cảnh thua lỗ đầu năm dẫn đến thiếu hụt nguồn cung.
Với nhận định rằng giá nông sản tiếp tục hạ trong cuối năm 2022 khi tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng được kiểm soát, cùng với đó giá heo đầu ra có thể duy trì đà tăng khi nguồn cung thiếu hụt, nhóm ngành chăn nuôi kỳ vọng có sự cải thiện trong KQKD so với nửa đầu năm 2022.