Giá cà phê bật tăng mạnh trở lại
Giá cà phê nhân xô bật tăng trở lại, thu hồi xấp xỉ 1 triệu đồng/tấn đã đánh rơi 2 ngày trước, tuy nhiên sức bán tại thị trường nội địa không vì vậy mà hồi phục nhanh chóng.
- 28-03-2018Thị trường hàng hóa ngày 28/3: Giá đồng, thép và cao su tăng trở lại; dầu, vàng, bạc đảo chiều đi xuống
- 14-03-2018Niên vụ cà phê 2017- 2018 có khả năng mất mùa
- 09-03-2018Xuất khẩu cà phê “bắt tay” vượt khó
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, thứ Ba ngày 27/03, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe - London đảo chiêu tăng mạnh, kết thúc chuỗi giảm kéo dài 5 phiên liên tiếp kể từ tuần trước. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng 47 USD, tương đương tăng 2,78% so với phiên trước, lên đứng ở mức 1.735 USD/tấn, với khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York có phiên thứ hai tăng liên tiếp. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng thêm 0,8 cent, tức tăng 0,68%, lên ở mức 118,95 cent/lb, với khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 900 – 1.000 đồng/kg, lên giao dịch trong khoảng 36,3 đến 37 triệu đồng/tấn tùy theo vùng sản xuất.
Các thị trường cà phê kỳ hạn thế giới tiếp tục biến động khó lường. Chính vì vậy, các thị trường cà phê đã thu hút nhiều giới đầu cơ hàng hóa tham gia rót tiền vào, chỉ xếp sau thị trường vàng và dầu thô.
Sau biến động tài chính lớn từ sự điều chỉnh chính sách của các nước có tiền tệ mạnh và sự căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn thứ nhất và thứ nhì thế giới, các thị trường chứng khoán, thị trường hàng hóa có thanh khoản lớn chao đảo liên tục. Thậm chí, đã xuất hiện ý tưởng cho rằng không loại trừ nguy cơ toàn cầu sẽ dối diện với sự suy thoái kinh tế như đã xảy ra hồi năm 2008. Tuy nhiên, như đã lạm bàn, các nhà hoạch định chính sách và quản lý các nền kinh tế chủ chốt của thế giới không thể dễ dàng để điều này xảy ra.
Theo tin từ Bloomberg, có vẻ như Tổng thống Mỹ đã giảm bớt "cơn thịnh nộ" trước sức ép của giới thương mại Mỹ và triển vọng của một thỏa thuận với Trung Quốc trước thềm cuộc gặp của Bộ trưởng Tài Chính hai bên.
Do đó, nếu như phiên hôm nay trên bảng điện chỉ thấy một màu đỏ rực thì qua phiên kế tiếp ngày mai lại bao trùm một màu xanh bao la bát ngát. Các nhà giao dịch trên các sàn điện tử hầu như quay cuồng không hề biết chóng mặt. Việc mất – được rồi được – mất hàng tỷ, thậm chỉ hàng chục tỷ USD sao lại dễ dàng như thế.
Một lão nông sở hữu một diện tích trồng cà phê kha khá tại huyện Cư Mgar, Đắc Lắc đã nhận xét như vậy và cho biết: Hôm thứ Bảy ngày 24/03, giá cà phê đột ngột lao dốc khiến bà con mất cả triệu đồng mỗi tấn là điều không thể chấp nhận được. Và vì vậy, theo thông tin trên trang giacaphe.com, giao dịch cà phê tại thị trường nội địa Việt Nam hầu như bị đóng băng, không ghi nhận được bất kỳ một giao dịch đáng kể nào.
Biến động trên thị trường cà phê kỳ hạn phần lớn thuộc về các giao dịch của giới đầu cơ tài chính. Việc họ điều chuyển dòng vốn giữa các thị trường để tìm kiếm lợi nhuận hay để cắt giảm thua lỗ là việc làm thường xuyên diễn ra. Thị trường có biến động lớn hay càng tạo sóng nhiều thì họ càng có cơ hội kiếm lời hơn. Phiên hôm qua, giá vàng đã rơi khỏi mức đỉnh ngắn hạn và giá cà phê đã thoát đáy là điều minh chứng rõ ràng nhất.
Giá cà phê robusta bật tăng mạnh trên thị trường thế giới
Giá cà phê thế giới lên cao đã giúp cà phê nhân xô trong nước bật tăng trở lại, thu hồi xấp xỉ 1 triệu đồng/tấn đã đánh rơi 2 ngày trước. Tuy nhiên sức bán tại thị trường nội địa không vì vậy mà hồi phục nhanh chóng.
Theo các thương nhân kinh doanh cà phê Robusta tại thị trường Đông Nam Á cho biết, sản lượng cà phê Conilon Robusta của Brasil năm nay, hiện đã bắt đầu thu hoạch ở các vùng chin sớm, dự kiến không chỉ đáp ứng khoảng 12 triệu bao cho nhu cầu của ngành công nghiệp giá trị gia tăng của nước sở tại và nhu cầu của các khách hàng truyền thống khu vực Bắc Mỹ mà còn dư khoảng 4 triệu bao có thể được đưa ra xuất khẩu cạnh tranh trên thị trường tiêu dùng toàn cầu. Trong khi đó, cà phê Robusta Indonesia vụ mới năm nay cũng bắt đầu thu hoạch nhưng các thương nhân quốc tế vẫn chưa thể cạnh tranh mua với nhà công nghiệp trong nước do họ phải gom hàng dự trữ để đủ nhu cầu nguyên liệu sản xuất trong năm tới.
Giá cà phê Arabica trên sàn New York cũng tăng liên tiếp 2 phiên vừa qua. Nhưng giới quan sát cho rằng xu hướng tăng trên sàn này chưa thể khẳng định do vẫn còn nguyên sức ép của vụ "được mùa" năm nay và việc tham gia bán phòng hộ lên sàn kỳ hạn New York của người Brasil ngày càng tăng.
Rõ ràng lúc nay các thị trường cà phê rất cần những cú huýt để hỗ trợ bên ngoài yếu tố cung – cầu.
Báo cáo của ngành Nông nghiệp & PTNT Việt Nam cho thấy xuất khẩu cà phê tháng 3/2018 ước đạt 190.000 tấn (khoảng 3,17 triệu bao), đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 3 tháng đầu năm 2018 ước đạt 520.000 tân, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Con số xuất khẩu ước báo xấp xỉ với dự kiến của giới thương mại và cũng giúp giảm bớt một phần căng thẳng của nhu cầu cà phê Robusta cho thị trường tiêu dùng toàn cầu, trong khi Việt Nam là nguồn cung chủ lực hiện nay.