MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá cà phê đạt ‘đỉnh’ 10 năm do dự trữ cạn kiệt

10-02-2022 - 09:20 AM | Thị trường

Giá cà phê đạt ‘đỉnh’ 10 năm do dự trữ cạn kiệt

Giá cà phê một lần nữa lại vọt lên mức cao chưa từng có trong vòng hơn 10 năm trở lại đây do lượng tồn trữ giảm mạnh làm gia tăng mối lo ngại về tình trạng nguồn cung giữa bối cảnh lạm phát trên toàn cầu đang tăng mạnh.

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2022 phiên vừa qua có lúc vọt lên mức 2,5615 USD/lb, cao chưa từng có kể từ tháng 9/2011. Robusta cũng theo chân arabica và tăng lên 2.259 USD/tấn.

Trong nước, thị trường cà phê cũng đang nóng lên. Theo đó, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên n gày 9/2 tăng thêm 300 đ/kg, lên mức 40.400 - 41.000 đ/kg.

Các đại lý cho biết họ đang theo dõi sát tốc độ sụt giảm cà phê lưu kho tại các sàn giao dịch quốc tế, và cho biết thêm rằng lúc này có rất ít hợp đồng giao dịch cà phê ở Brazil – nhà sản xuất cà phê hàng đầu thế giới, bởi các nhà rang xay arabica mua hàng trao tay trong bối cảnh giá tăng từng ngày.

Theo các nhà phân tích, chuỗi ngày giá cà phê đắt đỏ sẽ chưa sớm kết thúc.

Lượng arabica – loại cà phê cao cấp được các cửa hàng và các chuỗi đồ uống như Starbucks Corp. ưa chuộng - lưu tại các kho của sàn ICE đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm, là 1,06 triệu bao tính tới 8/2/2022, giảm mạnh so với 1,54 triệu bao cuối năm 2021. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2000. Trong khi lượng tồn trữ cà phê thế giới giảm sâu thì việc giao hàng cũng giảm sút giữa bối cảnh chi phí vận chuyển cao.

Tồn trữ cà phê thế giới đã giảm kể từ tháng 9 do chi phí vận chuyển tăng cao và thời tiết bất lợi làm giảm sản lượng ở Brazil, nước trồng và xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Tồn trữ giảm là mối lo ngại lớn vì các quốc gia sẽ phải xuất kho dự trữ của mình khi không nhận đủ hàng mới từ nước ngoài. Đó là dấu hiệu cho thấy nhu cầu đang vượt quá nguồn cung, là điều kiện để giá còn tăng nữa, giữa bối cảnh lạm phát giá lương thực, thực phẩm đang gia tăng trên toàn cầu.

Nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, Brazil, năm ngoái đã chứng kiến ​​ phần lớn diện tích cà phê bị hư hại do băng giá, đẩy giá cà phê giữa năm ngoái tăng lên mức cao nhất trong vòng gần một thập kỷ.

Giá cà phê arabica giao sau, một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của quốc gia Nam Mỹ, đã tăng vọt lên hơn 2 USD/lb vào tháng 6/2021, mức cao nhất kể từ năm 2014. Chỉ trong hơn 5 tháng đầu năm ngoái, giá cà phê đã tăng 60%.

Bang Minas Gerais – nơi sản xuất 70% sản lượng arabica của Brazil – đã bị băng giá nghiêm trọng, khiến nhiều cây cà phê bị chết. Ảnh hưởng của những thiệt hại đó đến nay vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn.

Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) hôm 20/1 thông báo tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu tháng 11/2021 đã giảm 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 9,246 triệu bao. Theo ICO, trong niên vụ 2020-2021, khoảng 167,3 triệu bao (60kg) cà phê được tiêu thụ trên toàn cầu, tăng so với 164,1 triệu bao niên vụ 2019-2020, và dự báo trong giai đoạn 2021-2025, thị trường cà phê toàn cầu sẽ ghi nhận mức tăng trưởng bình quân 7,6%.

Cơ quan dự báo nông sản của Brazil – Conab, cho biết sản lượng arabica của Brazil năm 2021 đã giảm xuống 31,4 triệu bao, thấp hơn 36% so với năm 2020. Trong khi đó, ngày 18/1, Bộ Thương mại Brazil báo cáo xuất khẩu cà phê tháng 12 của nước này giảm -8,7% so với tháng liền trước và giảm 37,2% so với cùng kỳ năm trước xuống 160.000 tấn.

Cơ quan thường trú của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ở Brazil dự đoán xuất khẩu cà phê nước này năm 2021/22 sẽ giảm 27% so với năm trước, xuống 33,2 triệu bao, từ mức kỷ lục 45,67 triệu bao của năm 2020/21 do hạn hán và băng giá gây tổn thất nghiêm trọng đến sản lượng.

Thông thường chu kỳ thu hoạch cà phê được tính hai năm một lần, một năm năng suất cao xem kẽ với một năm năng suất thấp. Năm 2021 được coi là năm năng suất thấp. Nhưng ngay cả so với năm 2019, cũng là năm năng suất thấp theo chu kỳ, thì sản lượng năm 2021 cũng đang giảm hơn. Trước đại dịch, Brazil đã thu hoạch 49,3 triệu bao cà phê. Theo Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Brazil, vụ thu hoạch tiếp theo (năm 2022), được coi là năm năng suất cao theo chu kỳ, cũng có thể gây thất vọng với sản lượng ước tính chỉ là 49 triệu bao do hạn hán và sương giá sẽ ảnh hưởng lâu dài đến các đồn điền cà phê.

Không chỉ nguồn cung giảm ở Brazil, Liên đoàn những người trồng cà phê quốc gia Colombia hôm 5/2 thông báo sản lượng cà phê tháng 1 của nước này giảm -20% so với cùng kỳ xuống 868.000 bao, trong khi xuất khẩu trong tháng 1 giảm 1% so với cùng kỳ xuống 1,063 triệu bao. Colombia là nước sản xuất cà phê arabica lớn thứ hai thế giới.

Thời tiết xấu đã khiến sản lượng cà phê của Colombia giảm 9% trong năm 2021, xuống 12,6 triệu bao, là năm thứ 2 liên tiếp giảm.

Đối với robusta, giá cũng bám sát arabica do nguồn cung từ Việt Nam năm 2021 giảm so với năm trước đó, và do chịu ảnh hưởng từ giá arabica.

Chi phí vận chuyển tăng cao và thiếu container đã ảnh hưởng đến khối lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam, nước sản xuất robusta hàng đầu thế giới, và là nước sản xuất cà phê nói chung lớn thứ 2 thế giới. Hiện nay, để chuyên chở một thùng cà phê từ châu Á đến châu Âu, doanh nghiệp sẽ phải trả từ 7.000 USD đến 8.000 USD so với chỉ 1.500 USD trước khi có khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Theo đó, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 1,56 triệu tấn cà phê giảm 0,2% so với năm trước đó. Tuy nhiên, nhờ giá cà phê tăng cao nên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này năm qua đạt trên 3,07 tỷ USD, giá trung bình đạt 1.966,5 USD/tấn; tăng 12% cả về kim ngạch và giá so với năm 2020.

Tham khảo: Reuters, Bloomberg

https://cafef.vn/gia-ca-phe-dat-dinh-10-nam-do-du-tru-can-kiet-20220210003103921.chn

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên