MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá cà phê sụt giảm khi thị trường thiếu sức mua mới

01-07-2018 - 09:19 AM | Thị trường

Giá cà phê Robusta vẫn có sự hỗ trợ từ nhu cầu hàng thực cho các thị trường tiêu thụ chính sau kỳ nghỉ hè.

Chốt phiên cuối tuần 26, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục suy giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm thêm 7 USD, tức giảm 0,41% xuống ở mức 1.690 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 giảm thêm 9 USD, tức giảm 0,53% xuống ở mức 1.683 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch giảm xuống khá thấp dưới mức trung bình. Cấu trúc giá đảo duy trì khoảng cách rất đáng kể.

Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York sụt giảm liên tiếp phiên thứ ba. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm thêm 0,65 cent, tức giảm 0,56% xuống ở mức 115,1 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 cũng giảm thêm 0,65 cent, tức giảm 0,55% xuống ở mức 118,55 cent/lb.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên cuối tuần giảm thêm 100 đồng/kg, xuống dao động trong khung 35.000 – 35.800 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.580 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi ở mức 105 – 110 USD theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London .

Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 9 giảm 15 USD, tức giảm 0,88%, giá cà phê nhân xô trong nước giảm 200 đồng/kg, tức giảm 0,56%, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 9 giảm 1,85 cent/lb, tức giảm 1,58%, mức giảm nhiều nhất.

Giá cà phê suy yếu trở lại trên cả hai thị trường kỳ hạn thế giới sau liên tiếp những phiên giao dịch cuối tuần, cũng là phiên cuối tháng, cuối quý II và kết thúc nửa đầu năm 2018.

Với thị trường Arabica New York, sự suy yếu nổi bật là sức ép vụ mùa mới của các nước sản xuất cà phê ở khu vực Mỹ latinh vẫn còn nguyên. Ngân hàng đầu tư Rabobank vừa đưa ra dự báo sản lượng Brazil năm nay chỉ ở mức 56,8 triệu bao, khá thấp so với mức bình quân hơn 60 triệu bao của nhiều dự báo có uy tín khác. Rabobank nhấn mạnh với khách hàng của mình đã là dự báo thì chưa lấy gì làm chắc chắn trong khi Brazil cũng cần bổ sung tồn kho dự trữ vốn đã cạn kiệt nên khối lượng dành cho xuất khẩu năm tới chưa thể đạt như kỳ vọng và do đó, hiện tượng thừa cung như nhiều dự báo "không chắc xảy ra".

Tuy nhiên Rabobank cũng lưu ý mức giá cà phê Arabica cuối năm nay chưa thể khả quan khi vẫn còn dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất USD thêm 2 lần nữa khiến cho sức mua hàng hóa nói chung sẽ giảm.

Trong khi đó, những ngày gần đây sức mua trên hầu hết các thị trường hàng hóa dường như đã chùng lại do tác động của "chiến tranh thương mại" Mỹ – Trung, đặc biệt là thị trường chứng khoán toàn cầu bao phủ một màu đỏ khi lo ngại tình trạng "đảo chiều" ở các thị trường mới nổi do có dấu hiệu "tăng trưởng hụt hơi".

Trái lại, tuy cũng chịu sức ép từ vụ mùa mới của các nước sản xuất nhưng giá cà phê Robusta biến động ít. Những năm gần đây, theo các nhà quan sát, thị trường tiêu thụ tương đối ổn định ở các nước phát triển và tăng trưởng mạnh ở các nước đang phát triển, nhất lại tại các thị trường mới nổi và ngay tại các nước sản xuất. Vào những năm giá cả đắt đỏ, khuynh hướng tăng cường phối trộn cà phê Robusta giá rẻ có vị đắng đã được thị trường tiêu dùng chấp nhận và dường như đó là cơ hội để nhu cầu tiêu thụ loại cà phê này chiếm tỷ trọng ngày càng nhiều .

Theo thống kê thương mại 6 tháng đầu năm nay, tính theo kỳ hạn giao sau gần nhất, giá cà phê Robusta đã giảm 45 USD/tấn, tức giảm 2,59% , trong khi giá cà phê Arabica đã giảm mạnh tới 15,85 cent/lb, tức giảm 12,10%. Giá cà phê nhân xô tại thị trường nội địa Việt Nam cũng giảm 1.400 đồng/kg, tức giảm 0,38%. Do đó, triển vọng giá cà phê Robusta trong trung hạn vẫn còn nhiều lạc quan hơn.

Theo nhà tư vấn – phân tích Safras & Mercado ở Sao Paulo, tính đến nay Brasil đã thu hoạch khoảng 23 triệu bao, tương ứng 38% tổng sản lượng vụ mùa mới theo họ ước tính, bao gồm 57% sản lượng cà phê Conilon Robusta vụ mới và 32% sản lượng cà phê Arabica vụ mới, với tiến độ thu hoạch khá ổn định. Thị trường nội địa Brasil cũng ghi nhận cà phê Conilon vụ mới đã được bán sớm để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp tiêu dùng trong khi cà phê Arabica để bổ sung tồn kho vốn đã cạn kiệt và dự kiến sẽ được giao xuống tàu vào đầu tháng Tám.

Trong khi đó, thị trường Indonesia đã trở lại hoạt động bình thường sau kỳ nghỉ lễ Eid Al-Fitri vừa kết thúc. Tuy nhiên, mức giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa của đảo quốc này hiện vẫn rất cạnh tranh do nhu cầu cao của ngành công nghiệp trong khi thu hoạch cà phê vụ mới vẫn chưa hoàn tất. Thị trường nội địa Việt Nam tiếp tục trạng thái đóng băng chờ giá, không ghi nhận được thương vụ nào mới ngoài việc mua bán trao tay giữa các kho.

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp & PTNT Việt Nam, xuất khẩu cà phê tháng 6 năm 2018 ước đạt 164.000 tấn (tương đương 2,73 triệu bao, bao 60kg), đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,04 triệu tấn (khoảng 17,3 triệu bao), tăng 11,1% về khối lượng nhưng giảm 4,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2018 đạt 1.932 USD/tấn, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2017.

Anh Văn

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên