Giá cà phê tăng 20% chỉ trong một tuần, đạt “đỉnh” 6,5 năm, dự báo tăng thêm 25% nữa
Những sự cố bất thường ở Brazil và Việt Nam – hai nhà cung cấp cà phê lớn nhất thế giới – đang làm cho thị trường cà phê thế giới nóng lên. Với những thông tin hiện nay có thể dự đoán đà tăng giá mạnh mẽ vẫn chưa dừng lại.
- 22-07-2021Giá cà phê thế giới tăng mạnh có là cơ hội cho ngành xuất khẩu cà phê Việt Nam?
- 22-07-2021Giá cà phê thế giới tăng vọt, dự báo sẽ còn tăng tiếp
Giá cà phê arabica tiếp tục tăng dựng đứng. Phiên 22/7, cà phê arabica vọt lên mức cao nhất trong vòng 6,5 năm do các công ty thương mại nâng gấp đôi dự đoán về mức độ thiệt hại trong vụ mùa tới của Brazil sau đợt băng giá nghiêm trọng vào tuần này.
Theo đó, giá cà phê arabica hợp đồng tham chiếu trên sàn New York (kỳ hạn tháng 9) tăng 17,65 US cents, hay 10%, lên 1,9365 USD/lb, mức cao chưa từng có kể từ tháng 11/2014. Mức tăng 10% trong vòng một phiên là mức tăng nhiều nhất kể từ đầu năm 2014.
Tính chung cả tuần, giá đã tăng khoảng 20%, còn so với đầu năm 2021 thì giá hiện cao gấp rưỡi.
Diễn biến giá arabica
Các hiện tượng thời tiết cực đoan liên tiếp xảy ra ở Brazil, mới đây nhất là 2 đợt băng giá xảy đến trong vòng chưa đầy một tháng ở những vùng trồng cà phê chính của Brazil là Minas Gerais và Sao Paulo, ảnh hưởng nặng nề đến nỗi người trồng cà phê cho biết sẽ buộc phải nhổ bỏ cây để trồng lại.
Cây cà phê rất nhạy cảm với băng giá, bởi làm cho lá bị chết, nhẹ thì cây cũng phải đến mùa sau mới mọc lại lá, còn nặng thì cây chết hoàn toàn. Thậm chí một số chủ vườn cà phê đã tính tới việc nhổ bỏ những vườn cà phê chết để năm sau trồng ngô.
Một số đánh giá sơ bộ cho rằng sản lượng cà phê vụ tới sẽ tổn thất 1- 2 triệu bao. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một số người cho rằng đánh giá đó là quá lạc quan, bởi trên thực tế mức độ thiệt hại cao hơn rất nhiều, khi mà Brazil chỉ mới bắt đầu bước vào mùa giá lạnh.
Một số nhà kinh doanh có kinh nghiệm lâu năm cho rằng con số thiệt hại sẽ gấp đôi mức ước tính ban đầu đó, và giá cà phê arabica sẽ nhanh chóng tăng lên.
Nhà xuất khẩu Brazi,l Guaxupe, dự đoán mức độ thiệt hại có thể lên đến 4,5 triệu bao (dự đoán ban đầu là sản lượng cà phê Brazil vụ 2022 sẽ đạt gần 70 triệu bao).
"Tháng 7 là tháng cây cà phê Brazil ra hoa và "dễ bị tổn thương", ông Sal Gilbertie, chủ tịch kiêm giám đốc đầu tư của Teucrium Trading cho biết. Theo ông, tháng 7 luôn là thời điểm có nguy cơ băng giá ở những quốc gia đó, nhưng "nỗi lo sợ về sự tồi tệ nhất cho thị trường cà phê đã năm nay đã trở thành hiện thực", nguồn cung cà phê thế giới sẽ trở nên khan hiếm, trong khi "Nền kinh tế đang hồi phục sau đại dịch Covid-19 và cần thêm cà phê".
Cà phê robusta cũng tăng
Cơn sốt giá cà phê arabica cũng lan sang thị trường cà phê robusta, mặc dù các yếu tố cơ bản của robusta không có quá nhiều biến động như robusta.
Giá robusta kỳ hạn tháng 9 trên sàn London kết thúc phiên 22/7 cũng tăng mạnh thêm 110 USD, tương đương 6,2%, lên 1.889 USD/tấn.
Tại Việt Nam, nhà cung cấp robusta hàng đầu thế giới, nguồn cung thắt chặt nhưng nhu cầu cà phê cũng giảm do biện pháp giãn cách xã hội chống Covid-19, làm giảm doanh số bán cà phê. Thông tin từ một số nhà kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên cho biết nguồn cà phê dự trữ giảm nhiều vì sắp kết thúc niên vụ. Trong khi đó, hoạt động giao dịch gần như đóng băng vì Covid-19.
"Chúng tôi không thể ký bất kỳ hợp đồng giao hàng mới nào trong thời gian còn lại của niên vụ hiện tại", Reuters dẫn lời một doanh nghiệp cà phê cho biết.
Niên vụ 2020/21 sẽ chính thức kết thúc vào cuối tháng 9. Người trồng cà phê sẽ bắt đầu vụ mùa mới vào tháng 10.
Giao dịch đóng băng là lý do chính khiến giá cà phê ở Việt Nam tuần này gần như không thay đổi dù giá ở London tăng mạnh. Tại thủ phủ cà phê Tây Nguyên, người trồng cà phê bán loại nhân xô tuần này với giá 36.500-37.200 đồng (1,59- 1,62 USD)/kg, so với mức 37.000-37.200 đồng của tuần trước. Cà phê robusta loại 2 xuất khẩu (5% đen và vỡ) tuần này có giá trừ lùi 80 - 90 USD/tấn so với hợp đồng tham chiếu trên sàn London, không thay đổi so với một tuần trước đây.
Cũng do Covid-19 khiến các thị trường xuất khẩu phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế ăn uống bên ngoài, và do tình trạng thiếu container rỗng, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 sụt giảm cả khối lượng và kim ngạch, tuy nhiên giá tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước xuất khẩu 843.319 tấn cà phê, thu về gần 1,55 tỷ USD, giá trung bình đạt 1.834,8 USD/tấn giảm 10,3% về khối lượng, giảm 2,6% về kim ngạch nhưng giá tăng 8,6%.
Khối lượng và kim ngạch cà phê xuất khẩu sang hầu hết các thị trường năm nay đều sụt giảm. Đáng chú ý, xuất khẩu sang toàn bộ 9 thị trường lớn nhất đều giảm về khối lượng.
Đức vẫn là thị trường nhập khẩu nhiều cà phê Việt Nam nhất, chiếm 14,3% trong tổng lượng và chiếm 13,5% trong tổng kim ngạch cà phê xuất khẩu của Việt Nam, đạt trên 120.478 tấn, tương đương 209,2 triệu USD, giá trung bình 1.736,4 USD/tấn, giảm 20,4% về lượng, giảm 8,3% về kim ngạch nhưng tăng 15,3% về giá so với cùng kỳ năm 2020.
Thị trường lớn thứ 2 là Đông Nam Á đạt 82.283 tấn, tương đương 183,18 triệu USD, giá trung bình 2.226,2 USD/tấn, giảm 8,7% về lượng nhưng tăng 3,5% về kim ngạch và tăng 13,4% về giá so với cùng kỳ năm 2020; chiếm 9,8% trong tổng lượng và chiếm 11,8% trong tổng kim ngạch.
Thị trường Mỹ đứng thứ 3 đạt 60.838 tấn, tương đương 118,91 triệu USD, giá 1.954,6 USD/tấn, giảm 23% về lượng, giảm 16,8% kim ngạch, nhưng giá tăng 8% so với cùng kỳ, chiếm trên 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.
Tuy nhiên, riêng xuất khẩu sang Trung Quốc – thị trường lớn thứ 10 của cà phê Việt Nam, năm nay tăng mạnh, trong 6 tháng đạt 28.219 tấn, tương đương 64,18 triệu USD, giá 2.274,2 USD/tấn; tăng lần lượt 59,6% về khối lượng và tăng 58% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, Trung Quốc chỉ chiếm 4% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Dự báo giá cà phê arabia sẽ tăng thêm 25% nữa
Theo đồ thị phân tích kỹ thuật, giá cà phê vẫn đang trên đà leo dốc, và có thể sẽ tăng thêm 25% nữa trước khi dừng tăng.
Điều này hoàn toàn có thể xảy ra do nhu cầu cà phê thế giới đang hồi phục mạnh sau đại dịch Covid-19, trong khi nguồn cung của Brazil sụt giảm mạnh sẽ để lại một khoảng trống lớn giữa cung và cầu.
Trong tháng 6 vừa qua, xuất khẩu cà phê Brazil tăng mạnh, đạt 3,012 triệu bao (60 kg/bao), kim ngạch 423,2 triệu USD, nâng tổng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm nay lên 20,8 triệu bao, tăng 4,5% về khối lượng và 7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Niên vụ 2020/21, xuất khẩu của nước này đạt 45,6 triệu bao, tăng 13,3%.
Với xu hướng nhu cầu mạnh như vậy, việc nguồn cung của Brazil sụt giảm sẽ dẫn tới việc giá tăng hơn nữa là khó tránh khỏi. Và một khi giá arabica quá cao thì các nhà rang xay cà phê sẽ chuyền hướng tăng tỷ lệ pha trộn robusta, có lợi cho giá nguyên liệu sản xuất cà phê hòa tan.
Phân tích kỹ thuật dự báo giá cà phê arabica
Tham khảo: Reuters, Marketwatch, Talkmarkets