MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá cà phê trong nước “rung lắc” theo biến động trên thế giới

13-05-2021 - 15:21 PM | Thị trường

Giá cà phê trong nước “rung lắc” theo biến động trên thế giới

Giá cổ phiếu Mỹ đồng loạt lao dốc dồn vốn sang nhóm hàng nông sản, nhưng lại trừ mặt hàng cà phê.

Tại tỉnh Lâm Đồng, cà phê hôm nay (13/5) được thu mua với mức 32.600 đồng/kg. Tại Đắk Lắk, Gia Lai, Pleiku, Kon Tum ở mức 33.300 - 33.500 đồng/kg. Tại cảng TP.HCM, robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% chốt ở 1.587 USD/tấn (FOB), chênh lệch +55 USD/tấn.

Theo các chuyên gia, giá cổ phiếu Mỹ đồng loạt lao dốc dồn vốn sang các mặt hàng nông sản nhưng lại trừ cà phê là do các quỹ đầu tư cà phê thanh lý vị thế mua.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 7/2021 giảm 18 USD/tấn ở mức 1.514 USD/tấn, giao tháng 9/2021 giảm 19 USD/tấn ở mức 1.538 USD/tấn.

Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 7/2021 giảm 3,6 cent/lb ở mức 146,5 cent/lb, giao tháng 9/2021 giảm 3,55 cent/lb ở mức 148,45 cent/lb. Các chuyên gia tin rằng, sự điều chỉnh của thị trường trong phiên vừa qua là cần thiết và được dự báo trước.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê trong tháng 4/2021 đạt 132.111 tấn, với 246,387 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2020 giảm 22,1% về lượng và giảm 21% về kim ngạch.

Cộng dồn 4 tháng đầu năm xuất khẩu cà phê đạt 584.981 tấn, trị giá 1,055 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2020 giảm 14,3% về lượng và giảm 8,3% về trị giá.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), quý I/2021, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa biến động không đồng nhất. Cuối tháng 1/2021, giá cà phê Robusta ở mức 31.500 đồng/kg, sau đó tăng lên mức 33.100 đồng/kg cuối tháng 2/2021, nhưng giảm xuống 32.900 đồng/kg cuối tháng 3/2021. Tháng 4/2021, giá cà phê nội địa tăng lên mức cao nhất 33.700 đồng/kg, tăng 3,7% so với cuối tháng 3/2021.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ giảm, hoạt động thông quan hàng hóa diễn ra không thuận lợi và sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez thời điểm tháng 3/2021 đã làm chậm quá trình vận chuyển cà phê của Việt Nam sang các thị trường châu Âu, Hoa Kỳ.

Quý I/2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã đạt mức thấp nhất theo quý trong giai đoạn 2019 – 2021.

Tỷ trọng xuất khẩu cà phê sang châu Á chiếm 45,33% tổng trị giá xuất khẩu trong quý I/2021, cao hơn 33,11% so với quý I/2020.

Số liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các thị trường Đức, Ý, Nga, Tây Ban Nha, Bỉ, Hoa Kỳ giảm mạnh.

NGÀNH CÀ PHÊ CÒN ĐỐI MẶT VỚI NHIỀU KHÓ KHĂN

Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nhưng nhập khẩu cà phê của nhiều thị trường lớn trên thế giới vẫn tăng.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu cà phê của các thị trường: EU, Canada, Hàn Quốc, Nga, Úc, Trung Quốc tăng, nhưng nhập khẩu cà phê của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Nga giảm so với năm 2019.

Năm 2020, EU nhập khẩu cà phê đạt 15,25 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2019. Trong đó, nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt 1,08 tỷ USD trong năm 2020, giảm 10,1% so với năm 2019. Thị phần cà phê của Việt Nam chiếm 7,08% tổng giá trị nhập khẩu của EU trong năm 2020, thấp hơn so với 8,18% trong năm 2019.

Việt Nam với lợi thế là một trong những nguồn cung cà phê uy tín cho thị trường EU, cùng với Hiệp định EVFTA sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp cà phê Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào EU.

Trong đó, Đức, Ý có ngành công nghiệp rang xay lớn nhất EU, Bỉ là trung tâm thương mại cà phê ở EU. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê vào các thị trường trên chịu sự cạnh tranh lớn.

Thời gian tới, cà phê Việt Nam nên khai thác các thị trường ngách Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan, nơi số lượng các cửa hàng cà phê đặc biệt đang gia tăng.

Dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU trong ngắn hạn sẽ gặp khó khăn do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Về dài hạn, dung lượng nhập khẩu cà phê của thị trường EU rất lớn, do đó, ngành cà phê Việt Nam còn nhiều cơ hội để khai thác thị trường tiềm năng này.

10 thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất toàn cầu và thị phần của Việt Nam năm 2020

Giá cà phê trong nước “rung lắc” theo biến động trên thế giới - Ảnh 1.

Năm 2020, Hoa Kỳ nhập khẩu cà phê đạt 5,68 tỷ USD, giảm 2,8% so với năm 2019. Nhập khẩu cà phê của Hoa Kỳ từ Việt Nam năm 2020 giảm 1,0% so với năm 2019, đạt 294 triệu USD. Thị phần cà phê của Việt Nam chiếm 1,93% trong tổng giá trị nhập khẩu của Hoa Kỳ năm 2020, thấp hơn nhiều so với 5,09% năm 2019.

Hoạt động thông quan không thuận lợi là nguyên nhân chính khiến nhập khẩu cà phê của Hoa Kỳ từ Việt Nam giảm. Với diễn biến tích cực trong việc tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 tại Hoa Kỳ, hoạt động thông quan diễn ra thuận lợi hơn, dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường tiềm năng lớn này sẽ khả quan trong thời gian tới.

Năm 2020, nhập khẩu cà phê của Nhật Bản đạt 1,18 tỷ USD, giảm 5,5% so với năm 2019. Trong đó, nhập khẩu cà phê của Nhật Bản từ Việt Nam năm 2020 tăng 17,3% so với năm 2019, đạt 169 triệu USD. Thị phần cà phê của Việt Nam chiếm 14,33% trong tổng giá trị nhập khẩu của Nhật Bản, tăng 2,77 điểm phần trăm so với 11,56% trong năm 2019.

Trong bối cảnh xuất khẩu cà phê sang các thị trường EU, Hoa Kỳ giảm, ngành cà phê Việt Nam đã khai thác tốt các thị trường khu vực châu Á, trong đó có thị trường Nhật Bản, thị trường này dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Xét tình hình chung, hiện nay dịch Covid-19 vẫn đang lan rộng tại nhiều quốc gia châu Âu, tại một số quốc gia châu Á có nguy cơ trở thành tâm dịch của thế giới. Do vậy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam được dự báo sẽ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo Nguyễn Huyền

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên