Giá cá tăng sốc làm rung động thị trường thực phẩm Trung Quốc
Giá cá tại Trung Quốc đã tăng gấp rưỡi trong một năm qua là “cú sốc” mới nhất ở ngành thực phẩm khổng lồ của nước này sau khi dịch bệnh lợn bùng phát trước đó đã khiến giá thịt lợn tăng gấp 3 lần trong năm 2019.
Cá trước đây là một trong những nguồn cung cấp protein rẻ nhất ở Trung Quốc, nhưng bây giờ đắt hơn thịt gà và gần đây cũng cao hơn cả thịt lợn.
Dữ liệu chính thức mới nhất cho thấy giá bán buôn trung bình của 4 loại cá nước ngọt do Bộ Nông nghiệp nước này theo dõi đã tăng gần 40% so với cùng thời điểm này năm trước, một số loại cá phổ biến như trắm cỏ giá còn tăng mạnh hơn.
Giá cá trắm cỏ trên thị trường Trung Quốc cuối tháng 8/2021 ở mức 21,06 nhân dân tệ (3,27 USD)/kg, cao hơn khoảng 60% so với một năm trước, trong khi giá thịt lợn giảm xuống còn 20,8 nhân dân tệ/kg. Giá cá chép bạc, trước đây rẻ hơn đậu phụ, nhưng bây giờ đã gấp đôi giá đậu phụ.
Giá thịt lợn tại Trung Quốc năm nay giảm 60% nhờ sản lượng hồi phục và nhiều đợt bùng phát trở lại dịch tả lợn châu Phi khiến làn sóng giết môt lợn gia tăng ở nhiều địa phương.
Tính đến cuối tháng 6/2021, đàn lợn của Trung Quốc ở mức 439 triệu con, bằng 99,4% so với cuối năm 2017, với số lợn nái là 45,64 triệu con, bằng 102% cuối năm 2017. Mặc dù vậy, dịch tả lợn Châu Phi vẫn diễn biến phức tạp khi bùng phát trở lại ở nhiều địa phương như Tứ Xuyên, tiềm ẩn nguy cơ sản lượng thịt lợn có thể sẽ lại quay đầu giảm.
Trong khi đó, giá cá bắt đầu tăng mạnh, khiến chỉ số giá tiêu dùng của nước này tiếp tục chuỗi tăng nóng 6 tháng liên tiếp.
Giá bán buôn các loại protein ở Trung Quốc: Giá cá ngang ngửa thịt lợn
Sự kết hợp của các vấn đề: nguồn cung, những quy định mới về tiêu chuẩn môi trường theo hướng khắt khe hơn và mưa giảm ở một số khu vực đã ảnh hưởng lớn đến sản lượng tại các trang trại cá của Trung Quốc trong năm nay, trong khi nhu cầu cá tăng cao kể từ khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát.
"Nhiều quy định về môi trường sinh thái hơn trước đây làm hạn chế các khu vực có thể được sử dụng để nuôi cá, trong bối cảnh chi phí thức ăn nuôi cá cũng cao. Một phần chi phí tăng được người sản xuất chuyển sang cho người tiêu dùng," Darin Friedrichs, nhà phân tích cấp cao của StoneX cho biết.
Theo ông Friedrichs: "Giá thịt lợn gần đây có giảm, nhưng vì giá thịt lợn đã duy trì quá cao trong suốt 2 năm qua khiến người tiêu dùng đã có thói quen đa dạng hóa chế độ ăn uống, bao gồm cả việc ăn nhiều cá hơn".
Tác động của COVID-19 đối với chuỗi cung ứng toàn cầu cũng thúc đẩy giá cá trong nước, sau khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu thủy sản từ nhiều nguồn gốc khác nhau sau khi phát hiện có virus SARS-CoV-2 ở một số lô hàng nhập khẩu, làm hạn chế nguồn cung thủy sản.
Là nước tiêu thụ hải sản tươi sống và đông lạnh hàng đầu thế giới, Trung Quốc đã nhập khẩu 4,44 triệu tấn thủy sản vào năm 2019, trị giá 106 tỷ nhân dân tệ (15 tỷ USD), từ các nhà cung cấp bao gồm Nga, Peru và Việt Nam, theo dữ liệu của hải quan nước này.
Nhập khẩu thủy sản vào Trung Quốc giảm mạnh từ nửa cuối năm 2020 đến nay
Chi phí sản xuất cao
Chiến dịch làm sạch môi trường rộng khắp Trung Quốc đã hạn chế việc nuôi cá dọc theo các tuyến đường thủy chính trong những năm gần đây, dẫn đến số lượng trại cá giảm sút.
Sông Dương Tử, một trong hai dòng sông chính được gọi là "sông mẹ" của Trung Quốc (sông còn lại là Hoàng Hà) đã bị ô nhiễm kéo dài, khiến đời sống của các loài thủy sinh bị đe dọa và nguồn cá cạn kiệt, buộc chính quyền trung ương cũng như chính quyền địa phương các cấp phải đưa ra các biện pháp làm sạch nguồn nước sông. Đầu năm 2020, Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở con sông dài nhất châu Á này trong thời hạn 10 năm nhằm nỗ lực bổ sung nguồn dự trữ thủy sản và cho phép các loài nguy cấp phục hồi, sau khi việc đánh bắt cá quá mức đã khiến nguồn cá tầm trên sông Dương Tử bị tuyệt chủng. Từ 1/1/2021, lệnh cấm được mở rộng tới cả các nhánh của con sông này, theo đó cấm đánh bắt cá trên tất cả các tuyến đường thủy tự nhiên của sông Dương tử, bao gồm cả các nhánh và hồ chính, cũng như các khu vực ở cửa sông.
Chi phí thức ăn nuôi trồng thủy sản tăng là một yếu tố khác làm tăng giá cá. Các nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn cho cá, bao gồm hạt cải dầu, đậu tương và bột hạt bông đều đã tăng giá. Một nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi ở miền Đông Trung Quốc cho hay công ty của ông đã nâng giá thức ăn chăn nuôi cá 3 lần kể từ tháng 5 đến nay, với mức tăng tổng cộng tới 20%.
Giá thức ăn nuôi cá tăng mạnh
Nhu cầu cá tăng mạnh mẽ
Mặc dù giá cá tăng cao nhưng các chuyên gia quốc tế dự đoán nhu cầu cá ở Trung Quốc vẫn tiếp tục ở mức cao, bởi giá các thực phẩm khác cũng tăng.
Chuyên gia Barsali Bhattacharyya thuộc Economist Intelligence Unit (The EIU) cho biết: "Cơn sốt lợn bùng phát dẫn đến tình trạng khan hiếm thịt lợn và giá cao ngất ngưởng, càng làm cho người tiêu dùng nghiêng về tiêu thụ cá".
Những lo lắng về an toàn thực phẩm gia tăng cũng đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng.
Ông Bhattacharyya cho biết: "Hậu quả của đại dịch COVID, sự lo sợ về các bệnh lây truyền từ động vật gia tăng sẽ khiến người tiêu dùng Trung Quốc tiếp tục ngày càng ưa chuộng ăn cá".
Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, tiêu thụ thịt lợn của Trung Quốc, loại thịt được ăn nhiều nhất tại nước này, đã giảm 25% vào năm 2020 so với năm 2018 và vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh năm 2014.
Trong khi đó, theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), triển vọng tiêu thụ cá lại rất khả quan, với dự kiến Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm 40% nhu cầu thực phẩm toàn cầu, trong đó tiêu thụ cá sẽ tăng lên 180 triệu tấn vào năm 2029.
Điều đó cho thấy, với giá cá hiện đang cao ngất ngưởng, thậm chí hơn cả thịt lợn, một số người tiêu dùng chuyển từ cá sang thịt lợn bây giờ có thể sẽ chuyển sang tăng ăn thịt lợn và giảm ăn cá. Tuy nhiên, khi giá thịt lợn trở lại mức bình thường, tiêu thụ các lựa chọn thay thế thịt lợn sẽ lại tiếp diễn, bao gồm cả cá.
Tham khảo: Refinitif, Xinhua