MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá cá tra nguyên liệu cao ở mức kỷ lục nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo

07-05-2022 - 09:50 AM | Doanh nghiệp

Xuất khẩu cá tra được dự báo sẽ  tiếp tục thuận lợi trong quý II. Ảnh tư liệu

Xuất khẩu cá tra được dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi trong quý II. Ảnh tư liệu

Trái ngược với bức tranh ‘ảm đạm’ năm trước, trong 4 tháng đầu năm nay xuất khẩu thủy sản nói chung, cá tra nói riêng đã sôi động trở lại, giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long tăng từng ngày và đang đứng ở mức cao kỷ lục.

Sau cơn mưa trời lại sáng

Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Thới An (Cần Thơ) Nguyễn Ngọc Hải cho biết trong những ngày qua giá cá tra nguyên liệu tại quận Ô Môn và một số vùng lân cận đã tăng lên mức trên 33.000 đồng/kg nhưng nếu doanh nghiệp không ký hợp đồng liên kết thì cũng rất khó mua được nguyên liệu.

“Do vào thời điểm cuối năm trước dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên diện tích thả nuôi mới giảm mạnh, do vậy vào thời điểm này nguồn cá nguyên liệu đang rất thiếu hụt. Nếu ngay từ đầu năm nay các hộ nuôi cá thả nuôi mới thì cũng phải đến tháng 6-7 mới thu hoạch, do đó tình trạng thiếu cá nguyên liệu sẽ còn tiếp diễn trong vài tháng tới”, ông Hải nhận định.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, hiện giá cá tra nguyên liệu loại từ 0,7-0,8 kg/con đang dao động từ 31.000-32.500 đồng/kg; loại từ 1-1,2 kg/con có giá 32.000-34.500 đồng/kg, tăng 8.000-10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giá cao kỷ lục từ trước cho đến nay.

Theo VASEP, giá cá tra tăng cao là do yếu tố thuận lợi của thị trường, chi phí sản xuất tăng và nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt. Bên cạnh đó do chiến sự Nga và Ukraine, các quốc gia có xu hướng ‘tích cốc phòng cơ’ nhiều hơn, trong đó có mặt hàng thủy sản. Hiện nay giá cá tra fillet xuất khẩu bình quân đạt trên 3,2 USD, riêng thị trường Mỹ giá xuất khẩu lập kỷ lục 4,5 USD/kg.

Về thị trường, sau thời gian siết chặt theo chính sách Zero COVID, Trung Quốc cũng đã nới lỏng hàng rào kỹ thuật cho nhập khẩu, nhờ vậy mà xuất khẩu thủy sản vào thị trường này đã tăng mạnh trở lại, Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất từ Việt Nam.

Còn theo Báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản trong 4 tháng đầu năm đạt gần 32 tỷ USD, trong đó mặt hàng thủy, hải sản xuất khẩu đạt 3,57 tỷ USD, tăng trên 43% so với cùng kỳ, con tôm là  một trong 4 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Riêng mặt hàng cá tra xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm đã đạt gần 900 triệu USD, bằng 55% so với cả năm 2021. Trong đó, dẫn đầu là thị trường Trung Quốc, tiếp đến là thị trường Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU).

Theo nhận định của VASEP, nhu cầu tiêu thụ cá tra sẽ gia tăng do giá cá tra cạnh tranh và có thể lấp khoảng trống ở một số phân khúc cá thịt trắng (cá tuyết, cá minh thái) vì bị thiếu hụt nguồn cung từ Nga. Bức tranh xuất khẩu cá tra Việt Nam trong các quý  tiếp theo được dự báo có nhiều lạc quan.

Giá cá tra nguyên liệu cao ở mức kỷ lục nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo - Ảnh 1.

Chi phí sản xuất tăng cao làm cho người nuôi cá đắn đo khi mở rộng diện tích nuôi. Ảnh An Hòa

Cảnh giác với ‘bẫy giá' kỷ lục

Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), tính đến hết tháng 3/2022, diện tích thả nuôi mới cá tra chỉ bằng 94% so với cùng kỳ năm trước. Tại một số địa phương chủ lực nuôi loài thủy sản này như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ…, diện tích nuôi cá tra cũng chỉ đạt trên 90% so với cùng kỳ. Mặc dù sản lượng thu hoạch trong 3 tháng đầu năm đạt 350.000 tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu cho hàng trăm doanh nghiệp tại đây.

Theo Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc, với những yếu tố thuận lợi về thị trường, giá xuất khẩu, giá cá tra nguyên liệu tăng mạnh trong thời gian qua sẽ kích thích người nuôi cá có động lực thả nuôi trở lại.

Tuy nhiên, khi giá cá tăng thì các chi phí thức ăn, con giống, nguyên vật tư đầu vào cũng tăng nhanh không kém, do đó người nuôi cá cũng cần cân nhắc và đánh giá lại mức lợi nhuận ròng có được.

“Chiến sự tại Ukraine vẫn chưa tới hồi kết nên điều này cũng là yếu tố gây ảnh hưởng không nhỏ và khó định hướng thị trường nên cả doanh nghiệp và người nuôi cần thận trọng tính toán và cân đối giữa diện tích, sản lượng nuôi với biến động thị trường để tránh lặp lại khủng hoảng thừa như cách đây vài năm”, ông Quốc cảnh báo.

Ngành nuôi trồng chế biến ca tra xuất khẩu đã từng trải qua những thăng trầm, có lúc cá quá lứa, giá rớt thê thảm, đầy ắp trong ao nhưng phải xếp hàng chờ doanh nghiệp thu mua chế biến. Nhưng cũng có khi doanh nghiệp ‘đỏ mắt’ săn lùng, sẵn sàng trả giá cao mà cũng không đủ nguyên liệu để chế biến. Đây là bài toán cung cầu, hài hòa lợi ích mà cơ quan quản lý, chủ thể chuỗi ngành hàng cần có sự liên kết, hợp tác để giải quyết.

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, trong những tháng đầu năm nay xuất khẩu thủy sản bật tăng mạnh, đây là tín hiệu đáng mừng.

“Với đà tăng trưởng này, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu thủy sản 9 tỷ USD trong năm 2022. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường biến đổi liên tục với nhiều ẩn số và sự cạnh tranh gay gắt thì người nuôi cá cần phải liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để nắm nhu cầu của thị trường, truy suất nguồn gốc. Cả chuỗi ngành hàng phải liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm trên trường quốc tế”, ông Luân lưu ý.

Theo phản ánh của các chủ nông trại nuôi cá tra, với giá thức ăn, con giống, chi phí xăng dầu, nhân công tăng như hiện nay, giá thành mỗi kg cá tra đã trên 27.000 đồng. Nếu khi thu hoạch giá bán được trên 30.000 đồng thì người nuôi mới có được chút ít lợi nhuận. Đó là chỉ tính theo yếu tố thuận lợi mà chưa tính đến rủi ro do dịch bệnh, thiên tai.

Theo An Hoà

Nhà đầu tư

Trở lên trên