MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá cao, lúa gạo khởi sắc

15-09-2020 - 09:46 AM | Thị trường

Xuất khẩu gạo khả quan, giá lúa tăng cao, thời tiết thuận lợi, nông dân được mùa… Ngành lúa gạo từ đầu năm đến nay vẫn là điểm sáng giữa thời COVID-19.

Được mùa được giá

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, thời gian gần đây, giá lúa tại ĐBSCL có nhiều biến động theo hướng tăng. Cụ thể như tại An Giang thời điểm gần giữa tháng 9, lúa IR50404 có giá 5.850-6.100 đồng/kg, lúa IR5451 giá 5.950-6.200 đồng/kg, lúa Jasmine giá 6.100-6.300 đồng/kg, lúa Đài Thơm 8 giá 6.200-6.450 đồng/kg…, tăng từ 100-300 đồng/kg, thậm chí 500 đồng/kg so với tháng trước.

Giá cao, lúa gạo khởi sắc  - Ảnh 1.

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: CK

Còn tại Đồng Tháp, so với tháng 7, giá lúa tháng 8 tăng đối với cả nhóm giống lúa thường và giống lúa chất lượng cao. Cụ thể như, lúa IR50404 tại ruộng có giá 5.300 đồng/kg, lúa OM5451 giá 5.600 đồng/kg; lúa thơm như Nàng Hoa 9 giá 6.000 đồng/kg, Đài Thơm 8 giá 5.800 đồng/kg. Sang tuần đầu tháng 9, giá lúa thường và lúa thơm đều tăng 200-300 đồng/kg, thậm chí 500 đồng/kg so với tháng trước…

Theo các thương lái, giá lúa tăng liên tục trong thời gian qua, không chỉ lúa tươi tại ruộng mà lúa khô ở kho của vụ Đông Xuân 2019-2020, như lúa Jasmine 85 bán ra có lãi từ 1.000 đồng/kg trở lên so với thời điểm mua vào… Giá lúa nhìn chung được cho là cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Theo người dân, thời tiết tốt nên đỡ chăm sóc, lúa ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp, lãi từ 1 đến trên 2 triệu đồng/công (1.000m2).

Thời tiết thuận lợi, giá lúa tốt nên sau khi thu hoạch xong vụ Hè Thu, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã triển khai vụ Thu Đông vượt diện tích kế hoạch ban đầu, nhiều nơi đã thu hoạch. Tại An Giang, với năng suất lúa Hè Thu đạt trên 5,5 tấn/ha, cao hơn từ 80-150kg/ha so với vụ Hè Thu năm ngoái, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con tập trung xuống giống lúa Thu Đông ở các khu có đê bao an toàn, không bị ảnh hưởng khi lũ về.

Còn tại Hậu Giang, theo kế hoạch địa phương sẽ xuống giống 38.500ha lúa Thu Đông, tổng sản lượng gần 213.000 tấn. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và căn cứ tình hình dự báo nguồn nước, tỉnh đã chỉ đạo tăng diện tích nhằm tận dụng thời cơ giá cao, góp phần tăng thêm giá trị sản xuất của tỉnh trong năm 2020.

Theo đó, ước tổng diện tích lúa Thu Đông của tỉnh là 41.660ha, sản lượng trên 232.000 tấn. Về cơ cấu giống, ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, lúa chủ lực xuất khẩu, hạn chế lúa nếp và lúa chất lượng trung bình…

Giá cao, lúa gạo khởi sắc  - Ảnh 2.

Trúng mùa được giá, ngành lúa gạo hứa hẹn một năm thắng lợi. Ảnh: CK

Xuất khẩu khả quan

Trong 8 tháng đầu năm 2020, Việt Nam XK khoảng 4,5 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 2,2 tỷ USD, giảm 1,7% về lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị. Về giá gạo XK, sau khi vượt Thái Lan hồi giữa tháng 8 để lên vị trí số 1, mặc dù vẫn tiếp tục tăng nhưng gạo Việt Nam trở lại vị trí thứ hai do gạo Thái Lan đã tăng mạnh hơn vào cuối tháng.

Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam có giá từ 488-492 USD/tấn, gạo 25% tấm có giá 463-467 USD/tấn. Trong khi gạo 5% tấm của Thái Lan có giá 496-500 USD/tấn, gạo 25% tấm có giá 467-471 USD/tấn. Còn gạo Ấn Độ vẫn thấp hơn Việt Nam và Thái Lan khi ở dưới mức 400 USD/tấn…

Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã mở ra những cơ hội cho XK gạo Việt Nam. Chính phủ cũng vừa ban hành nghị định quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch khi XK sang EU đối với 9 loại gạo thơm. Việc chinh phục được thị trường EU sẽ giúp phát triển tốt hơn ở các thị trường khác, bởi uy tín chất lượng gạo Việt Nam được nâng lên.

Theo danh sách cập nhật đến ngày 1/9/2020 của Bộ Công Thương, cả nước có 192 doanh nghiệp (DN) ở 26 tỉnh/thành phố được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh XK gạo. Trong đó, nhiều nhất là TP Cần Thơ với 41 DN, kế đến là TP Hồ Chí Minh, Long An, An Giang, Đồng Tháp...

Theo Cảnh Kỳ

Tiền Phong

Trở lên trên