Giá cao su sẽ vẫn duy trì mức cao
Giá cao su hợp đồng giao sau trên sàn giao dịch Singapore (SICOM) đã giảm 12% từ mức cao nhất 3 năm đạt được cách đây một tháng, nhưng hiện vẫn cao trên 200 US cent/kg, và khả năng sẽ còn tăng hơn nữa. Đó là nhận định mới nhất của Commerzbank công bố ngày 3/3/2017.
- 22-02-2017Giá cao su xuất khẩu đã tăng gần gấp đôi năm 2016, dự báo tăng tiếp
- 07-02-2017Cao su thiên nhiên – đích ngắm mới của nhà đầu cơ Trung Quốc
Ngân hàng này cho biết thị trường cao su gần đây liên tiếp giảm giá bởi triển vọng Thái Lan - nước sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới - sắp khôi phục hoạt động thu hoạch mủ sau khi bị gián đoạn suốt từ mùa thu năm ngoái do mưa lớn kéo dài.
Tuy nhiên, “Tồn trữ cao su ở Trung Quốc vẫn cao ảnh hưởng tới xu hướng giá cao su”, báo cáo của Commerzbank viết, và thêm rằng nước này vẫn đang tích trữ cao su làm nguyên liệu cho ngành ô tô khổng lồ của mình.
Thực vậy, tiêu thụ ô tô tại Trung Quốc trong 6 tháng liên tiếp tính tới tháng 11/2016 luôn tăng trưởng 2 chữ số. Tiêu thụ trong tháng 11 tăng 16,6% so với một năm trước đó, đạt 2.938.700 chiếc. Tính chung trong 11 tháng đầu năm 2016, tiêu thụ ô tô Trung Quốc tăng 14,1%, đạt 24.948 chiếc, vượt mức 24.597.600 chiếc của cả năm 2015. Hiệp hội Sản xuất Ô tô nước này dự báo tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng thêm khoảng 5% nữa trong năm nay, đạt kỷ lục cao mới.
Sản lượng ô tô Trung Quốc tháng 11 cũng tăng mạnh, tăng 17,8% lên 3,01 triệu chiếc, lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 3 triệu chiếc, bằng khoảng 60% tiêu thụ cả năm ở Nhật Bản – thị trường ô tô lớn thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Mỹ.
Dự trữ cao su rất thấp
Những số liệu về thị trường Trung Quốc cho thấy “triển vọng nhu cầu cao su thế giới sẽ khả quan” trong bối cảnh nguồn cung ở nhiều nước sản xuất khác không cao.
Thực vậy, dự trữ cao su trên sàn giao dịch Tokyo (TOCOM) đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm sau khi lũ lụt ở Thái Lan làm giảm sản lượng và giá tăng tại Trung Quốc làm phân tán nguồn cung, gia tăng nguy cơ dự trữ ở TOCOM có thể cạn kiệt chỉ sau vài tháng tới.
Nguồn cung khan hiếm sau khi lũ lụt ở Thái Lan đã khiến dự trữ cao su tại các kho ngoại quan TOCOM giảm xuống 1.489 tấn tính tới 20/2, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2010, và thấp hơn 79% so với một năm trước đó.
Nguồn cung cũng đã bị phân tán từ Nhật Bản sang Trung Quốc, nước nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới, nơi giá luôn cao hơn so với thị trường Tokyo và nhu cầu dự báo sẽ còn tăng hơn nữa sau khi năm ngoái Chính phủ nước này đưa ra những quy chế chặt chẽ hơn về trọng tải xe ô tô lưu hành.
Dự trữ cao su ở TOCOM có thể giảm xuống dưới 1.000 tấn sau khi hợp đồng kỳ hạn giao tháng 2 đáo hạn (101 lô, tương đương 515 tấn chuyển khỏi các kho hàng). Nếu hợp đồng kỳ hạn giao tháng 3 vẫn thu hút được sự quan tâm như hiện tại, với 190 lô tương đương 950 tấn, và hợp đồng kỳ hạn giao tháng 4 với 1.730 lô (8.650 tấn), dự trữ cao su tại TOCOM về mặt lý thuyết sẽ hết sạch chỉ trong vòng vài tháng tới.
Dự trữ giảm cũng có thể gây áp lực tăng giá đối với những hợp đồng kỳ hạn giao gần – trong thời gian gần đây luôn có mức cộng cao nhất 5 năm so với những hợp đồng giao xa.
Các thương gia lo ngại nếu không sớm có những đợt hàng mới chuyển tới Nhật Bản thì giá các hợp đồng kỳ hạn giao tháng 3 và tháng 4 có thể sẽ tăng vọt như đã từng xảy ra với hợp đồng kỳ hạn giao tháng 2.
Hợp đồng kỳ hạn giao tháng 2 tại TOCOM đã lên mức 33 yen (2,91 USD)/kg vào ngày 22/2, mức cao nhất kể từ tháng 8/2011 đối với một hợp đồng lúc đáo hạn.
Triển vọng giá sẽ vững hoặc tăng
Triển vọng dài hạn đối với giá cao su thiên nhiên là nguồn cung toàn cầu khó có thể dư thừa. Rubber Economist dự báo thị trường năm nay và năm tới sẽ thiếu hụt 2 năm liên tiếp, sau khi sản lượng năm ngoái đã thấp hơn khoảng 151.000 tấn so với nhu cầu.
Hiệp hội Sản xuất Cao su Thiên nhiên (ANRPC) – chiếm 96% sản lượng toàn cầu – dự báo mức thiếu hụt năm nay sẽ lên tới 350.000 tấn.
“Mới một năm trước đây, giá cao su thiên nhiên tại Singapore giao dịch chỉ trên 100 US cent/kg, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2003 sau nhiều năm thị trường liên tiếp dư thừa nguồn cung”, Commerzbank cho biết.
Giả định thị trường sẽ thiếu hụt như dự báo của Rubber Economist và ANRPC, “Giá sẽ còn tiếp tục duy trì trên mức 200 US cent/kg thêm một thời gian nữa”, và “bức tranh cung – cầu trong tương lai gần có vẻ như không cân đối, thị trường vẫn trong tình trạng thắt chặt”.
Các nước sản xuất lớn của Đông Nam Á sắp vào “mùa đông”, là giai đoạn sản lượng mủ thấp, “khiến giá cao su sẽ càng có động lực tăng hơn nữa, ít nhất trong thời gian ngắn sắp tới”, Commerzbank dự báo.