MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá cao su thế giới lập đỉnh đẩy giá trong nước tăng

26-02-2021 - 16:27 PM | Thị trường

Hình ảnh khai thác mủ cao su

Hình ảnh khai thác mủ cao su

Giá cao su ngày 25/2 tại sàn giao dịch Osaka và Thượng Hải có bước tăng phi mã, lập đỉnh 4 năm.

Ngày 25/2/2021, giá thu mua mủ nước của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng giao dịch ở mức 340 đồng/TSC. Trước đó, ngày 18/2/2021, Công ty TNHH MTV Cao su Đồng Nai thông báo điều chỉnh tăng giá thu mua các loại mủ cao su tiểu điền so với ngày 18/1/2021, mủ nước loại một 350 đồng/TSC.

Giá cao su trong nước biến động theo giá cao su thế giới

Ông Lê Thanh Hưng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho biết, giá mua cao su trong nước sẽ được điều chỉnh theo giá thị trường thế giới, khi giá thế giới tăng thì thị trường trong nước tăng theo. VRG có hội đồng giá của tập đoàn và dùng áp dụng nội bộ, các đơn vị thành viên sẽ căn cứ giá của tập đoàn để kinh doanh.

"Giá thu mua cao su của VRG sẽ biến đổi theo thị trường thế giới, nếu thị trường thế giới tăng thì giá thu mua cao su của VRG sẽ được điều chỉnh tăng, khi thị trường thế giới giảm thì VRG giảm theo.

Tập đoàn có hội đồng định giá và VRG sẽ dựa vào giá cao su thế giới để hội đổng đưa ra giá thu mua cao su trên thị trường nội địa, và giá này áp dụng cho nội bộ các công ty thành viên. Tuy nhiên, cây cao su đang mùa thay lá nên không cạo mủ, đến tháng 4 có mưa trở lại mới bắt đầu vụ cao su mới, lúc đó nông dân mới có mủ bán, còn bây giờ VRG xuất khẩu chủ yếu là cao su sơ chế trong mùa 2020", ông Hưng cho biết.

Ngoài việc thu mua mủ cao su của các đơn vị thành viên VRG còn mua cho các hộ sản xuất cao su bên ngoài để bà con không bị ép giá, và đặc biệt tạo việc làm và công suất nhà máy của tập đoàn chứ thật sự lợi nhuận không cao lắm. Nhờ vậy, các nhà máy cao su tư nhân đã căn cứ theo giá của VRG để thu mua cho bà con. Tuy nhiên, từ tháng 1 Việt Nam đã ngừng khai thác mủ cao su chờ đến tháng 4 khi mưa xuống mới khai thác lại, khi đó tập đoàn mới bắt đầu mua trở lại, bây giờ lượng cao su bán ra từ khối lượng khai thác còn lại cân đối để giao.

Vẫn theo ông Hưng, lượng hợp đồng xuất khẩu cao su của VRG khá tốt, có những đơn vị đã ký với khách hàng hết năm 2021 nhưng cũng có những đơn vị ký bán từng tháng. Hiện nay các công ty có thương hiệu lớn của VRG như: Phú Riềng, Phước Hòa, Bình Long có một lượng khách hàng ở châu Âu nên xuất khẩu qua Trung Quốc cũng rất ít. Châu Âu trước đây có nhà máy bên Trung Quốc sau khi mua cao su của Việt Nam họ đưa qua Trung Quốc sản xuất ra thành phẩm, còn thị trường trong vẫn có nhưng mua qua thương mại và bán lại.

Các ngành công nghiệp có dấu hiệu phục hồi, xuất khẩu cao su tăng mạnh

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính từ ngày 1/1 - 15/2/2021 xuất khẩu cao su ước đạt 244,3 nghìn tấn, trị giá 393,6 triệu USD. So với cùng kỳ 2020 tăng 84,21% về lượng và tăng 2,03 lần (tương đương 203%). Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam tháng 1/2021 ở mức 1.611 USD/tấn, tăng 1% so với tháng 12/2020.

Tháng 1/2021, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc chiếm 75,05% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 142,44 nghìn tấn, trị giá 222,05 triệu USD, giảm 19,4% về lượng và giảm 19,5% về trị giá so với tháng 12/2020, nhưng tăng 114% về lượng và tăng 130,1% về trị giá so với tháng 1/2020. Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 1/2021 ở mức 1.559 USD/tấn, giảm 0,1% so với tháng 12/2020, nhưng tăng 7,6% so với tháng 1/2020.

Các chuyên gia đầu ngành dự báo, đầu năm 2021 xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc sẽ giảm do nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc giảm khi dự trữ trong nước ở mức cao. Nhưng với con số nhập khẩu 142,44 nghìn tấn, có thể thấy các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc vẫn không giảm đi nhiều lượng cao su nhập về từ Việt Nam.

Bên cạnh đó xuất khẩu cao su sang thị trường Ấn Độ dự báo tăng. Theo Viện nghiên cứu Nomura, ngành công nghiệp ô tô Ấn Độ dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm tài khóa 2021- 2022, sau tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh giá dầu đang tăng, cùng với những kỳ vọng và dự báo nền kinh tế thế giới sẽ hồi phục hơn nữa. Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Thượng Hải tăng mạnh 1.000 CNY lên 17.055 CNY (2.642 USD)/tấn. Trước đó, giá đã lên mức 17.280 CNY, mức cao nhất kể từ tháng 9/2017.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su mở cửa ngày 25/02/2021 kỳ hạn tháng 7/2021 tăng lên mức cao nhất trong 4 năm, nhờ sự hồi phục của giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải. Giá cao su kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn Osaka mở cửa tăng 15,8 JPY, tương đương 5,8% lên 289,9 JPY (2,73 USD)/tấn, sau khi đạt mức cao nhất ở 293,6 JPY kể từ tháng 2/2017 trong đầu phiên giao dịch.

Tổ chức nghiên cứu cao su Quốc tế (IRSG) dự báo nhu cầu cao su tự nhiên thế giới năm 2021 sẽ hồi phục nhờ tăng trưởng của phân khúc xe thương mại, chủ yếu nhờ thị trường của những nước mới nổi. Nhu cầu cao su tổng hợp năm 2021 dự báo sẽ tăng 10,2% so với năm 2020 nhờ nhu cầu găng tay và các sản phẩm khác tăng mạnh trong mùa dịch. Thị trường cao su cũng sẽ được hỗ trợ khi giá dầu tăng nhanh và đồng USD yếu.

Theo Duy Khang

Bizlive

Trở lên trên