Giá cao su xuất khẩu đã tăng gần gấp đôi năm 2016, dự báo tăng tiếp
Giá cao su xuất khẩu từ đầu năm tới nay liên tục tăng cùng xu hướng thế giới.
- 19-01-2017Giá đường năm 2016 tăng 30%
- 06-01-2017Giá quặng sắt đã tăng 81%
- 28-12-2016Dầu mỏ và kim loại "cứu rỗi" thị trường hàng hóa
Xuất khẩu cao su tăng mạnh cả về giá lẫn kim ngạch
Kể từ đầu năm đến nay, giá cao su thành phẩm trong nước tăng cùng với giá thế giới.
Cuối ngày 21/2, giá cao su SVR 10 và SVR L đạt lần lượt 44.854,92 đồng/kg và 58.128,52 đồng/kg. Cùng với xu hướng này, một số công ty cao su trong nước đã tăng giá thu mua sản phẩm. Cụ thể, như Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh, Bình Phước ngày 21/2 phát đi thông báo sẽ mua mủ chén dây khô với giá 17.400 đ/kg tươi (tăng 1.400 đồng) và 15.400 đ/kg tươi (tăng 1.300 đồng) so với mức giá công ty này đưa ra ngày 1/2/2017.
Trước đó, tháng 1/2017 giá cao su thành phẩm tại tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh cao su SVR L tăng từ 46.700 đ/kg (29/12) lên 50.500 đ/kg (12/1); cao su SVR10 tăng từ 43.700 đ/kg lên 48.600 đ/kg.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tháng đầu năm 2017, xuất khẩu và nhập khẩu cao su của cả nước đều tăng so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, lượng cao su xuất khẩu đạt 94 nghìn tấn, trị giá 180,8 triệu USD, tăng 1,7% về lượng và tăng 73,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Malaysia tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam kể từ năm 2016 đến nay, chiếm lần lượt 59,5% và 7,7% thị phần. Năm 2016, giá trị xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc tăng 30%, thị trường Malaysia giảm 42,5% so với năm 2015.
Giá cao su xuất khẩu xu hướng tăng từ cuối năm 2016 và đầu năm 2017 tăng mạnh.
Cụ thể, năm 2016, giá cao su xuất khẩu bình quân chỉ ở mức 1.333 USD/tấn, giảm 1% so với năm 2015, như vậy giá cao su xuất khẩu của Việt Nam chỉ ở mức 28-30 triệu đồng/tấn. Mức giá này chỉ bằng 50% so với mức giá xuất khẩu trung bình từ đầu năm đến 21/2/2017 là 55 triệu đồng/tấn (SVR L) và 48 triệu đồng/tấn (SVR 10).
Còn so với mức bình quân tháng cuối năm 2016 thì giá cao su đã tăng 11,6% loại SVR 10 và 12,5% loại SVR L.
Tính chung từ đầu năm đến nay, giá cao su xuất khẩu SVR L đã tăng 19,4% và SVR 10 tăng 11,1%.
Triển vọng lạc quan cho mặt hàng cao su
Dự báo, thời gian tới giá và sản lượng cao su thiên nhiên của Việt Nam xuất khẩu tiếp tục gia tăng, đặc biệt là thị trường Trung Quốc từ nay cho đến hết quý I/2017 do nguồn cung mủ nguyên liệu cho khâu sơ chế đang tăng đáng kể cộng với nhu cầu tiêu thụ ô tô tại quốc gia này tăng.
Ngoài ra,các vùng trồng cao su liên doanh Việt Nam – Campuchia đã đến thời hạn cạo mủ và năng suất khá cao. Nguồn mủ này phần lớn được bán lại cho các đơn vị chuyên chế biến xuất khẩu tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cao su tiểu điền ở các vùng, miền của Việt Nam năm nay được mùa, tổng sản lượng đạt cao. Sự kết hợp của hai nguồn cung mủ này sẽ tạo điều kiện cho khâu chế biến sản phẩm cao su xuất khẩu cao hơn khoảng 15% so với quý cuối năm 2016.
Một yếu tố cũng góp phần gia tăng giá cao su trong thời gian tới bởi những năm gần đây, giá cao su liên tiếp sụt giảm nên những người nông dân ở những quốc gia có sản lượng lớn như Thái Lan, Malaysia đã chuyển hướng sang trồng cọ dầu. Ảnh hưởng của hạn hán nên lượng mủ khai thác của nông dân giảm. Bên cạnh đó, nhiều dự báo cũng cho thấy giá cao su quý I và quý II/2017 có thể tăng đến 2.400 USD/tấn và vào mùa khô khi nhiều nơi ngưng cạo mủ. Dự đoán năm 2017, giá cao su thiên nhiên được cải thiện do cung giảm, có thể đạt trên 1.800 USD/tấn.
Trong dài hạn, giá cao su được dự báo phục hồi dần và trở về mức trên 2.000 USD/tấn từ năm 2025 trở đi. Tuy nhiên, giá cao su thiên nhiên còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như tình hình phát triển kinh tế thế giới, giá dầu thô, đầu cơ của một số quỹ tài chính, xu hướng giá của những hàng hóa chủ lực khác, giá đồng đôla Mỹ, biến động chính trị của một số nước.