Giá cho thuê căn hộ tăng
Giá chung cư tăng đột biến khiến nhiều người chuyển hướng sang thuê căn hộ. Với nhà đầu tư bỏ vốn vào loại hình căn hộ chung cư, dòng tiền thu về từ khai thác cho thuê đều đặn và ổn định.
Mặt bằng giá căn hộ cho thuê tăng
Chỉ tính trong vòng 4 tháng trở lại, mặt bằng giá cho thuê căn hộ chung cư tăng trung bình 10-20%.
Đơn cử như tại dự án Vinhomes Smart City, căn hộ studio có mức giá cho thuê 5-6 triệu đồng/tháng. Căn hộ 1 phòng ngủ có mức giá cho thuê 5,5-6,5 triệu đồng/tháng. Căn hộ 2 phòng ngủ, 1 vệ sinh có mức giá cho thuê 6,5-8 triệu đồng/tháng. Căn hộ 2+1 phòng ngủ, 2 vệ sinh có mức giá cho thuê 7,5-9 triệu đồng/tháng. Căn hộ 3 phòng ngủ, 2 vệ sinh có mức giá cho thuê 9-11 triệu đồng/tháng. Tuỳ nội thất, mức giá căn hộ tăng thêm từ 2-5 triệu đồng.
Mặt bằng giá cho thuê căn hộ tăng.
Trong khi đó, tại dự án Gemek 1 (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội), căn hộ diện tích 55-83m2 có mức giá cho thuê trung bình 6-7,5 triệu đồng/tháng. Căn hộ 3 phòng ngủ có mức giá cho thuê 8-9 triệu đồng/tháng.
Tại dự án Sudico Mỹ Đình, giá căn hộ 2 phòng cho thuê dao động 8-11 triệu đồng/ tháng. Căn hộ 3 phòng ngủ có mức giá cho thuê 12-17 triệu đồng/tháng. Tại dự án The Matrix One trên đường Lê Quang Đạo, mức giá cho thuê với loại hình căn hộ diện tích nhỏ nhất dao động 15-17 triệu đồng/tháng.
Các dự án chung cư cũ như An Sinh, An Lạc, The Florence, FLC Travel,… đều ghi nhận mức giá cho thuê tăng.
Nhà đầu tư phấn khởi
Theo môi giới, giá căn hộ cho thuê tăng xuất phát từ mặt bằng giá chung cư tăng. Mặt khác, do giá chung cư tăng đột biến nên nhiều người chuyển hướng từ mua sang thuê. Nhu cầu gia tăng khiến mặt bằng giá cho thuê căn hộ tăng.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, trong bối cảnh nguồn cung dự án mới suy giảm, giá bán liên tục tăng cao thì thuê chung cư là giải pháp được nhiều cư dân thành thị lựa chọn. Ông Quốc Anh cũng cho rằng, sự dịch chuyển nhu cầu này là tất yếu, mang tính quy luật. Nếu tình trạng nguồn cung tiếp tục khan hiếm không được cải thiện trong thời gian tới, xu hướng này sẽ phát triển mạnh.
Với nhóm nhà đầu tư lựa chọn căn hộ để khai thác cho thuê, mặt bằng giá tăng cao càng giúp dòng tiền đổ về đều đặn. Căn hộ chung cư trở thành tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng. Loại hình này còn có ưu thế trong khai thác lợi nhuận dài hạn và cho thuê dễ dàng.
Sở hữu 2 căn hộ chung cư tại Nam Từ Liêm, chị Nguyễn Liên (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, số tiền mỗi quý mà chị thư về lên tới gần 50 triệu đồng. Theo đó, một căn tại Vinhomes Smart City, 2 phòng ngủ, được chị Liên cho thuê với mức giá 8 triệu đồng/tháng. Một căn hộ khác tại Mỹ Đình cũng được cho thuê với giá 8.5 triệu đồng/tháng.
"Nhiều người hỏi mua lại căn hộ nhưng tôi không bán. Giá chênh mối căn hộ so với tiền vốn tôi bỏ ra lên tới 300-500 triệu đồng. Nhưng tôi vẫn quyết định cho thuê để thu tiền về đều đặn, và an toàn. Nếu sau này thực sự cần, tôi mới bán. Hiện tại giá chung cư tăng nên tôi nghĩ 1-3 năm nữa, giá vẫn sẽ giữ nguyên hoặc tăng mà không giảm", chị Liên nói.
Cũng là nhà đầu tư căn hộ như chị Liên, anh Ngọc (Mỹ Đình, Hà Nội) hiện đang cho thuê 3 căn chung cư với mức giá trung bình 10-15 triệu đồng/tháng. Hợp đồng cho thuê cam kết trong vòng 2 năm.
Anh Ngọc cho biết: "Mọi người thường quan niệm chung cư là tiêu sản. Nhưng nếu biết cách đầu tư thì đây là loại hình rất dễ thanh khoản và thu được dòng tiền ổn định, an toàn. Tôi lấy ví dụ, chung cư chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây tăng 300 triệu -1 tỷ đồng/căn. Đặc biệt, loại hình này vừa dễ thanh khoản, vừa dễ vay ngân hàng để mua, đầu tư. Trường hợp cho thuê, nếu biết cách đầu tư vào nội thất, mức giá cho thuê rất tốt".
Trước câu hỏi cho rằng, giá cho thuê căn hộ không bằng gửi lãi suất tiết kiệm, anh Ngọc phân tích: "Thực tế với người có dòng tiền đầu tư nhàn rỗi, bỏ vốn vào chung cư rất an toàn. Mức giá chung cư xét trong vòng 5 năm đều tăng. Trong thời gian này, người mua nhà đều có thể thu được dòng tiền ổn định, vừa có thể đợi chờ giá nhà tăng. Trong khi đầu tư vào nhà đất, rủi ro cao hơn, khả năng thanh khoản sẽ chậm".
Nhịp sống kinh tế