Giá chuột đồng trên cả thịt heo, có thời điểm 120.000 đồng/kg
Nguồn cung dồi dào do nhiều địa phương đang thu hoạch vụ Đông Xuân khiến giá thịt chuột đồng ở ĐBSCL giảm so với hồi trước Tết Nguyên đán nhưng vẫn còn ở mức cao, tương đương hoặc cao hơn thịt heo.
Theo một chủ vựa chuyên bán chuột, rắn ở xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu), chuột đồng loại lớn nhất (4-5 con/kg) hiện có giá 70.000 đồng/kg (làm tại chỗ).
Theo bà Nguyễn Thị Mười, có thời điểm nguồn cung khan hiếm, giá chuột đồng lên mức 120.000 đồng/kg. Ảnh: CK
Là người buôn bán chuột đồng có thâm niên hàng chục năm ở thị trấn Thới Lai, bà Nguyễn Thị Mười cho hay, hiện nguồn cung đang dồi dào và chất lượng tốt do nhiều nơi đang thu hoạch lúa Đông Xuân. Hiện chuột đồng loại 1 (6-7 con/kg) có giá 80.000 đồng/kg, chuột loại 2 thấp hơn với 70.000 đồng/kg, còn loại nhỏ nhất là 60.000 đồng/kg.Tương tự tại thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, chị Ngọc Hân, chủ một điểm buôn bán chuột cho biết, giá chuột đồng loại 1 bán ra là 70.000 đồng/kg, nhưng chủ yếu giao với số lượng nhiều cho khách ở TP.HCM và các nơi khác. Khách mua chỉ cần gọi điện thoại báo số lượng, chuột sẽ được sơ chế rồi ướp đá, giao hàng đến tận nơi.
Theo bà Mười, mức giá này tuy cao nhưng đã giảm khoảng 20.000 đồng so với thời điểm trước Tết. Thời điểm đó, nguồn cung chuột khan hiếm, đặc biệt, có lúc giá tăng lên 120.000 đồng/kg do không có hàng.
Hầu hết các loại chuột ở đây được lấy từ khu vực biên giới thuộc tỉnh An Giang, có khi tập kết về hàng trăm kg. Số còn lại là từ Sóc Trăng hay Hậu Giang. Riêng tại Cần Thơ, thỉnh thoảng có người đi săn được đem đến bán nhưng số lượng không nhiều.
Theo tìm hiểu của PV, chuột đồng là món ăn ‘khoái khẩu’ từ lâu nay, nhất là ở miền Tây. Tại các quán nhậu, chuột được chế biến thành các món như nướng, chiên, xào lá cách… với giá hiện nay dao động từ 80-120.000 đồng/dĩa.
Chuột chiên, món ăn trong một quán nhậu ở Cần Thơ. Ảnh: CK |
Liên quan đến kế hoạch phòng chống chuột 30 tỷ đồng của UBND TP Cần Thơ gây ‘xôn xao’ dư luận gần đây, theo tìm hiểu của PV, nhiều địa phương ở ĐBSCL trong những năm qua đã có kế hoạch phòng chống chuột. Tuy nhiên, không có kinh phí cụ thể cho một chương trình, kế hoạch diệt chuột hàng năm hoặc giai đoạn. Như tại Hậu Giang, kinh phí cho việc này được chi từ nguồn hoạt động thường xuyên được giao của các cơ quan, đơn vị và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Về nội dung thực hiện trong kế hoạch diệt chuột của UBND TP Cần Thơ, theo nhiều nông dân thì một số nội dung là không cần thiết, bởi họ đã có nhiều kinh nghiệm diệt chuột qua nhiều năm trên đồng ruộng của mình, như việc kế hoạch đề ra nội dung tập huấn cho nông dân, thì “chưa biết ai tập huấn cho ai”.
GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia đầu ngành gắn bó với nông nghiệp ĐBSCL hàng chục năm qua cũng cho rằng, số tiền bỏ ra để thực hiện kế hoạch đó là quá lớn, mà có thể không hiệu quả như chính nông dân tự làm.
Tiền phong