Giá cổ phiếu "nổi sóng" nhờ thông tin thoái vốn và cổ tức cao
"Sóng ngầm" thoái vốn của nhóm doanh nghiệp liên quan đến SCIC và doanh nghiệp họ Vinachem cùng với nhiều thông tin về việc trả cổ tức cao đang "hút" nhà đâu tư trên thị trường.
- 12-05-2016Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm mạnh
- 11-05-2016Lịch sự kiện và tin vắn chứng khoán ngày 12/5
Cổ tức ngất ngưỡng
Mùa đại hội cổ đông thường niên năm nay, một hiện tượng đang diễn ra trên diện rộng đó là các công ty có cổ phần nhà nước nắm giữ đang tiến hành phân chia lợi nhuận cho cổ đông theo cách “hào phóng” chưa từng có tiền lệ.
Mới đây, SCIC đã đề xuất Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (HNX: NTP) trả cổ tức năm 2015 thêm 20% bằng cổ phiếu, nâng tỷ lệ cổ tức lên 45%. Con số này cao hơn rất nhiều so với mức cổ tức trung bình NTP thực hiện chi trả trong những năm qua từ 15% - 30%.
Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) cũng thông qua mức chi trả cổ tức năm 2015 gần 273 tỷ đồng,tương ứng với tỷ lệ là 60%, cao nhất từ trước đến nay.
Nỗi bật nhất là Vinamilk, VNM sẽ chia cổ tức kỷ lục của từ khi cổ phần hóa, với tỷ lệ 60% tiền mặt, tương ứng với số tiền trên 6.000 tỷ đồng, riêng SCIC nhận về trên 3.000 tỷ đồng. Chưa hết, doanh nghiệp này còn chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 5:1, giá trị cổ phiếu tăng thêm của của SCIC có giá trị tương đương cả 10 ngàn tỷ đồng.
Theo ước tính, với 45,1% vốn Nhà nước mà SCIC đang nắm giữ tại Vinamilk hiện có giá thị trường khoảng 76 ngàn tỷ đồng tương đương với 3,4 tỷ USD. Nếu không có nhiều thay đổi, tổng giá trị tài sản SCIC nắm giữ tại VNM sẽ tăng lên con số gần 90 ngàn tỷ đồng, tương đương 4 tỷ đô la Mỹ.
Không kém SCIC, các công ty thành viên của tập đoàn hóa chất Việt Nam(Vinachem) cũng đồng loạt đưa ra những quyết định chi trả cổ tức cao đột biến.
Hiện tại, Vinachem đang nắm cổ phần chi phối tại nhiều công ty niêm yết trên sàn như Caosumia (HOSE: CSM), Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC), Bột giặt LIX (HOSE: LIX), Bột giặt NET (HNX: NET), Hóa chất Việt Trì (HNX: HVT), Hóa chất cơ bản miền nam (HOSE: CSV), Thuốc sát trùng Việt Nam (HOSE: VPS), Phân Bón Lâm Thao (HNX: LAS), Phân Bón Miền Nam (HOSE: SFG), hay Pin Ắc quy miền nam- Pinaco (HOSE: PAC) …
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, CTCP Phân bón Bình Điền sẽ chia cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt với tỷ lệ 30%. HĐQT cũng trình cổ đông về việc phát hành 9,5 triệu cổ phiếu thưởng, tỷ lệ thực hiện quyền là 5:1. Một doanh nghiệp khác cùng ngành là LAS cũng dự chia cổ tức 30% cho năm 2015 và dự kiến 30% cho năm 2016. Mặc dù, trong vòng 2 năm qua, lợi nhuận có xu hướng sụt giảm nhưng cổ tức vẫn được chia ở mức cao
HĐCĐ mới đây của Phân Bón Miền Nam SFG cũng thông qua phương án chia cổ tức 15% bằng tiền, đồng thời phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 10%.
Bột giặt LIX cũng quyết định chi 50% cổ tức bằng tiền cho năm 2015.
Nhóm săm lốp cũng có kế hoạch trả cổ tức khá cao. Mới đây, HĐQT DRC công ty đã phê duyệt phương án chi trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 30% . Là cổ đông lớn nhất của Cao Su Đà Nẵng sở hữu 50,51% vốn điều lệ, Vinachem sẽ nhận về trên 138 tỷ đồng tiền mặt. Ngoài cổ tức bằng tiền, HĐQT DRC cũng phê duyệt phương án phát hành 27,41 triệu cổ phần cổ phiếu thưởng với tỷ lệ phát hành 30%.
ĐHCĐ vừa qua, CSM một công ty khác cũng đã quyết định chi 35% cổ tức cho năm 2015 mặc dù hiệu quả kinh doanh ngày càng giảm, áp lực cạnh tranh cao cũng như nhu cầu vốn đầu tư lớn. Bên cạnh đó HĐQT cũng dự kiến phát hành 29,6 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 40%.
Một đại diện khác trong ngành săm lốp là Cao Su Sao Vàng (HOSE: SRC) cũng tăng mạnh chi cổ tức. HĐQT SRC đã đề xuất chia cổ tức tổng cộng 22% thay vì 15% như kế hoạch, đồng thời phát hành cổ phiếu thưởng tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 40%.
Cổ phiếu đua nhau tăng giá
Trong hầu hết các buổi đại hội cổ đông thường niên mới vừa diễn ra, vấn đề chung khi cổ đông đề cập đến chuyện bao giờ cổ đông lớn Vinachem thoái vốn. Câu trả lời hầu hết vẫn là “tùy thuộc vào chính sách của nhà nước” kèm với thông điệp “chỉ còn là vấn đề sớm muộn”.
Một số các lãnh đạo các công ty con của Vinachem cho biết, sự hạn chế khi nhà nước vẫn nắm chi phối là sự cản trở khi công ty không thể phát hành ESOP cho cán bộ công nhân viên, những người đã góp phần tạo nên giá trị cho doanh nghiệp. Điều này dễ khiến cho sự khát khao cống hiến và sáng tạo giảm sút, dẫn đến sức bật kém, đồng thời cũng dễ mất đi những người tài.
Với việc Vinamilk mới đây được công bố sẽ trình cổ đông thông qua phương án phát hành 9,44 triệu cổ phiếu ESOP trị giá hơn 1.300 tỷ cho cán bộ nhân viên phần nào cho thấy thời điểm nhà nước thoái vốn đang đến gần.
Xâu chuỗi lại các sự kiện gần đây của từng công ty thành viên của Vinachem, có thể thấy một đặc điểm chung đó chính là tập đoàn này đang ra sức “gặt” bất kể “lúa non” hay “lúa chín”. Đặc điểm này cho thấy tín hiệu về thời điểm thoái vốn đang đến gần hơn bao giờ hết.
Bên cạnh đó, với việc công bố kế hoạch chi cổ tức cao, cùng kế hoạch thưởng hậu hỉnh, nhóm cổ phiếu của 2 ông lớn SCIC và Vinachem theo đó cũng trở nên sôi động.
Không chỉ có nhóm cổ phiếu SCIC thoái vốn, họ Vinachem cũng không chịu kém cạnh, có thời điểm đồng loạt tăng mạnh và tạo được sức hút đối với nhà đầu tư. Ngoại trừ một số doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh không tích cực nhanh chóng xì bong bóng sau khi tăng nóng thì hầu hết các cổ phiếu còn lại đang có mức tăng giá khá cao và đứng vững trong thời gian qua.
Bên phía SCIC, VNM có mức tăng hơn 15% từ mức giá quanh 120.000 đồng/cp lên mức giá 143.000 đồng/cp vào ngày 10/05, BMP cũng có mức tăng tương tự và hiện đang giao dịch tại mức giá 144.000 đồng/cp , NTP tăng trên 25% lên gần 70.000 đồng/cp, đáng chú ý KSB của Công ty CP Khoáng sản & Xây dựng Bình Dương cũng đã tăng gần 50% kể từ khi SCIC thoái vốn.
Về phía họ nhà Vinachem, CSM cũng đã tăng 25% lên mức trên 30.000 đồng/cp, DRC tăng 17% lên xấp xỉ 50.000 đồng/cp , BFC tăng gần 20% lên trên 31.000 đồng/cp. LIX cũng có mức tăng trên 33% lên mức gần 80.000 đồng/cp, HVT tăng trên 22% lên 22.500 đông/cp, PAC tăng 25% lên mức 40.500 đồng/cp…
Đến nay, hiện tượng “dậy sóng” ở cổ phiếu nhà nước thoái vốn vẫn còn là chủ đề chưa cũ. Nhà đầu tư vẫn có sự kỳ vọng vào những doanh nghiệp có nền tảng tốt sắp đươc thoái vốn.
Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng sự sôi động gần đây của các cổ phiếu trên có nguyên nhân từ những tác động từ 2 ông lớn SCIC và cả Vinachem. Bản thân SCIC và cả Vinachem đang toan tính làm sao để tối đa lợi ích của phần vốn nhà nước.
Bằng cách thu tiền về từ cổ tức và cổ phiếu thưởng sẽ giúp 2 ông lớn này thu về khoản tiền lớn. Bên cạnh đó, việc giá cổ phiếu tăng cùng với thanh khoản tốt sẽ có lợi cho việc chuyển nhượng phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sau này trong tương lai.
Dù vậy, khi thanh khoản đã đủ độ lớn, thị trường chính là thước đo chính xác nhất giá trị của các doanh nghiệp mà 2 ông lớn này đang nắm giữ. Và dĩ nhiên, không phải công ty nào trong số đó cũng mang lại lợi ích cho nhà đầu tư. Trong đó, một số doanh nghiệp dùng hết lợi nhuận để chia cổ tức và phát hành thêm mà không duy trì được tốc độ tăng trưởng sẽ rất dễ đi vào xu hướng giảm giá mạnh trở lại sau những thông tin hưng phấn ban đầu.
Người đồng hành