MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá cổ phiếu thấp hơn lượng tiền ròng của doanh nghiệp: Giá rẻ hay cái bẫy?

Nếu định giá doanh nghiệp dựa vào dòng tiền tương lai, tại sao một doanh nghiệp có thể có giá nhỏ hơn lượng tiền ròng mà nó đang có?

Dạo quanh các diễn đàn, hội nhóm chơi chứng, thỉnh thoảng nhà đầu tư sẽ được khuyến nghị hoặc tự mình tìm thấy một cổ phiếu đang được giao dịch tại “giá rẻ bất ngờ”. "Rẻ" bởi vì nếu tính theo lượng tiền công ty đang nắm giữ trừ đi tổng nợ, giá trị còn lại chia cho số cổ phiếu lưu hành cũng cho kết quả lớn hơn thị giá nhiều lần.

Đây là một trong các trường hợp hi hữu mà thuật ngữ tài chính gọi là “trade below cash”. Cổ phiếu được giao dịch tại giá nhỏ hơn lượng tiền ròng công ty nắm giữ chia tổng số cổ phiếu lưu hành (net cash per share).

Tại sao lại dùng giá trị lượng tiền ròng, thay vì lượng tiền mặt đang có?

Bởi vì mục đích của phép toán là để tính lượng tiền (theo lý thuyết) trên mỗi cổ phiếu nhận được trong trường hợp công ty đóng cửa. Do đó, việc tất toán các khoản nợ sẽ tương đương với dấu trừ trong phép tính trên.

Cần chú ý, phép tính trên không đả động đến giá trị thị trường của các tài sản khác, ví dụ như hàng tồn kho. Do đó, có thể nói, phương pháp này chỉ đề cập một phần giá trị của công ty.

“Giá trị sổ sách hữu hình” (tangible book value - phần còn lại của giá trị sổ sách sau khi trừ đi tài sản vô hình) cung cấp một bức tranh toàn diện hơn về giá trị công ty.

Những thuật ngữ này khiến nhiều người liên tưởng đến vụ việc CTCP Chứng khoán Kim Long (KLS) giải thể vào tháng 4/2016. Lúc đó, giá trị sổ sách của Kim Long rơi vào khoảng 12.489 đồng/cp. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng ngày 20/7, KLS chốt ở mức giá 11.000 đồng/cp - gần tương đương là mức mỗi cổ phiếu sẽ được nhận sau khi huỷ niêm yết.


11.000 đồng/cp là mức giá cuối cùng của KLS sau 8 năm lên sàn

11.000 đồng/cp là mức giá cuối cùng của KLS sau 8 năm lên sàn

Một khía cạnh khác khi nhìn từ phép tính chủ đạo trên. Khi cổ phiếu “trade below cash” tức là vốn hoá doanh nghiệp đang nhỏ hơn lượng tiền ròng công ty nắm giữ. Nếu định giá doanh nghiệp dựa vào dòng tiền tương lai, tại sao một doanh nghiệp có thể có giá nhỏ hơn lượng tiền ròng mà nó đang có?

Khi nào thì một cổ phiếu “trade below cash”?

Như đã nói ở trên, “trade below cash” ít xảy ra, nhưng không phải không thể:

• Khi thị trường thăng hoa, nhà đầu tư sẵn sàng định giá cao cho cổ phiếu, trade below cash ít xảy ra.

Nhưng ngược lại, trong giai đoạn u tối – khi sự hoang mang ngự trị và niềm tin vào cách định giá sụp đổ, có thể tìm thấy nhiều cổ phiếu được trade below cash. Tương tự, trong trường hợp triển vọng ngành được đánh giá tiêu cực, nhóm cổ phiếu ngành đó nhiều khả năng trade below cash.

• Trường hợp có nhiều khoản mục tài sản và nợ trên báo cáo tài chính khó định giá chính xác, cổ phiếu cũng có thể trade below cash. Điển hình là ví dụ của nhiều ngân hàng và công ty chứng khoán những năm 2008 - giai đoạn thị trường đầy sóng gió.

• Cuối cùng là trường hợp doanh nghiệp chuẩn bị hoạt động mở rộng sang lĩnh vực mới có cần tỷ lệ tiền mặt lớn, ví dụ như công nghệ sinh học. Đặc điểm của những lĩnh vực này là doanh nghiệp cần một nguồn vốn lớn rót vào quá trình thử nghiệm lâm sàng, trong khi kết quả có thành công hay không đang còn là dấu chấm hỏi. Do đó, giới đầu tư xem những trường hợp này sẽ nhanh chóng "vơi" bớt tiền mặt trong một vài quý tới.

Những cổ phiếu trade below cash nhìn qua có vẻ như “một món hời khó cưỡng” nhưng suy cho cùng, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng để xem đây là “món hời" thật sự hay chỉ là “giấc mơ quá xa vời”.

Hoài Thu

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên