MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá của ly cà phê đã bị chi phối bởi thị trường phái sinh như thế nào?

09-09-2021 - 09:19 AM | Thị trường

Đà tăng phi mã của giá cà phê chưa có dấu hiệu dừng lại nhưng đây chỉ là diễn biến của thị trường phái sinh trong ngắn hạn hay mỗi ly cà phê sẽ thực sự đắt đỏ hơn?

Hiếm có khi nào thị trường cà phê sôi động như trong hơn một năm trở lại đây. Tính từ tháng 6/2020 đến nay, giá cà phê Arabica đã tăng gấp đôi lên 4.255 USD/tấn và đã có thời điểm giá chạm tới mốc 4.600 USD/tấn, cao nhất trong vòng 7 năm qua. Giá Robusta cũng tăng gần 80% lên 2.082 USD/tấn, mức cao nhất từ năm 2017. Đà tăng phi mã này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuy nhiên, liệu đây chỉ là diễn biến của thị trường phái sinh trong ngắn hạn hay mỗi ly cà phê chúng ta sử dụng hàng ngày sẽ thực sự trở nên đắt đỏ hơn?

Đằng sau đà tăng chóng mặt

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), cà phê đang là mặt hàng có mức tăng trưởng giao dịch mạnh nhất trong quý III, với giá trị giao dịch trung bình đạt trên 1.200 tỷ đồng mỗi phiên. Tốc độ tăng hơn 20% mỗi tháng thể hiện sự hấp dẫn của mặt hàng giao dịch này, nhưng phần lớn là do sức hút từ biến động lớn của giá cà phê trên 2 sở ICE London và ICE New York. 

Đà tăng được hỗ trợ rất nhiều nhờ những lo ngại về nguồn cung, khi những bang sản xuất cà phê chủ đạo ở Brazil đều bị thiệt hại nặng nề vì hạn hán và sương giá bất thường. Mức giá cao kỉ lục trong 7 năm của cà phê Arabica đã khiến cho rất nhiều nhà rang xay cân nhắc chuyển sang sử dụng cà phê Robusta và đẩy giá của loại cà phê này lên theo.

Giá của ly cà phê đã bị chi phối bởi thị trường phái sinh như thế nào? - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid – 19 khiến cho tình trạng thiếu hụt container và giá cước vận tải leo thang, làm cho hàng kẹt cứng tại các cảng biển ở hai nước xuất khẩu lớn tại Đông Nam Á là Việt Nam và Indonesia, đã tiếp tục thúc đẩy giá cà phê bứt phá sau khi những lo ngại về thời tiết đã qua đi. Hai tập đoàn hàng đầu thế giới là Starbucks và Nestle đều cân nhắc tới việc tăng giá bán các sản phẩm của họ để bù lại mức tăng giá nguyên liệu đầu vào.

Tuy nhiên, chỉ những yếu tố cơ bản trên sẽ không đủ để giá cà phê tăng giảm rất mạnh trong thời gian ngắn như vừa qua, mà cả thị trường đều bị ảnh hưởng bởi những lần thay đổi vị thế của các quỹ đầu tư lớn.

Quỹ đầu tư, dòng tiền và sức ảnh hưởng tới thị trường

Cà phê vốn là loại cây nhạy cảm với thời tiết cực đoan, nên chỉ cần có hạn hán hay băng giá trong ngắn hạn cũng có thể làm ảnh hưởng đến năng suất. Vì thế, không ít lần thị trường cà phê chao đảo trước những thông tin về thời tiết. 

Điển hình như đợt tăng giá vì sương muối hồi cuối tháng 7 vừa qua, giá Arabica tăng 35% chỉ trong vòng 5 phiên, nhưng rồi lực bán mạnh mẽ cũng chỉ mất một tuần để thổi bay 2/3 giá trị của đà tăng trước đó. Giá Robusta bị bán tháo mạnh tới mức lực bán đã cuốn bay toàn bộ chuỗi tăng. Có thể thấy, biến động của thị trường cà phê đã nằm ngoài quy luật cung cầu, mà giá đang bị ảnh hưởng bởi sự dịch chuyển dòng tiền đầu tư.

Trong suốt giai đoạn từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 7, thị trường cà phê đi ngang với biên độ rộng, khiến cho rất nhiều nhà đầu tư cảm thấy nản lòng bởi thị trường quá ảm đạm. Do đó, nắm bắt thời cơ có thông tin sương giá, tâm lý thị trường lo ngại về nguồn cung ở Brazil sẽ bị ảnh hưởng khiến giá đẩy lên cao, các quỹ đầu tư lớn đã đẩy mạnh bán ra khiến giá cà phê giảm mạnh. Theo số liệu từ Sở Giao dịch ICE, các quỹ đầu tư đã tiến hành giảm khối lượng mua ròng từ đầu tháng 6, và giảm mạnh cùng với thời điểm giá cà phê mất 20% giá trị.

Giá của ly cà phê đã bị chi phối bởi thị trường phái sinh như thế nào? - Ảnh 2.

Ở thị trường Robusta, dấu hiệu đầu cơ trên thị trường cũng ngày một rõ ràng, khi mà các tin tức về dịch bệnh và đứt gãy chuỗi cung ứng ở Việt Nam đã không còn mới nữa, nhưng giá vẫn tăng phi mã. Các quỹ đầu tư có thể sẽ tìm cách bán ra khi giá đang ở mức cao và đợi đến khi mùa thu hoạch ở Việt Nam sẽ hoàn tất trong tháng 10 và 11 sắp tới, nguồn cung dồi dào khiến cho giá giảm và đây là thời điểm thích hợp để các quỹ mua vào.

Đà tăng của giá cà phê do yếu tố đầu cơ không chỉ khiến cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn, mà còn làm cho các nhà kinh doanh cà phê cũng chịu nhiều thiệt hại. Để bảo hiểm rủi ro khi giá cà phê tăng quá cao, các công ty kinh doanh cà phê lớn như Dunkin Donut hay Starbucks cũng phải tiến hành gia tăng các vị thế mua để giảm tổn thất đến doanh thu khi giá nguyên liệu đầu vào tăng vọt. Do đó, các công ty và nhà đầu tư nhỏ lẻ này phải mua vào ở mức giá cao và hứng chịu mức lỗ khi thị trường biến động mạnh.

Hiện tượng đầu cơ giá ở trên thị trường cà phê đã bị chỉ trích nhiều lần. CEO của Starbucks từng công khai chỉ trích các quỹ phòng hộ, quỹ chỉ số về việc gây ảnh hưởng lên giá cà phê. Do đó, không chỉ các nhà đầu tư, mà các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê ở Việt Nam cũng cần lưu tâm đến vấn đề này, tránh trường hợp mua hàng tích trữ khi giá cà phê tăng, rồi phải bán lại để cắt lỗ khi giới đầu tư tung tin ra các tin tức bất lợi.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nên tìm hiểu và chọn lọc kỹ các thông tin có trên thị trường, cũng như thận trọng trước những phiên giá tăng giảm cực đoan để giảm thiểu rủi ro khi tham gia vào thị trường cà phê. 

Kinh nghiệm giao dịch cà phê, kỹ năng phân tích dòng tiền đầu tư sẽ là hai trong số các chủ đề chính của Buổi hội thảo trực tuyến "Giao dịch cà phê: Cơ hội và góc nhìn toàn cầu" do Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) và Sở Giao dịch Liên lục địa (ICE) đồng tổ chức vào lúc 15:00 ngày 10/09/2021 tới đây. Chia sẻ của các chuyên gia từ hai Sở, sẽ mang đến những giá trị rất lớn đối với toàn ngành giao dịch hàng hóa nói chung và cà phê nói riêng, giúp các nhà đầu tư trong nước bắt kịp các kỹ nghệ của thế giới và giao dịch ngày càng hiệu quả hơn.

Thuỷ Tiên (Sở giao dịch Hàng hoá Việt Nam - MXV)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên